Từ khách sạn đầu tiên được phát triển tại Điện Biên Phủ năm 1997, quy mô của chuỗi khách sạn Mường Thanh thuộc sở hữu của ông Lê Thanh Thản tăng lên 60 khách sạn thành viên như hiện nay, sức chứa 10.000 phòng, phủ hầu hết các địa phương, và là một trong những thương hiệu khách sạn lớn nhất cả nước.
Năm 2016, Mường Thanh khai trương khách sạn đầu tiên tại nước ngoài – Mường Thanh Luxury Vientiane (Lào).
Hệ thống có 4 phân khúc: Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday và Mường Thanh phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau.
Bên cạnh dịch vụ khách sạn, Mường Thanh cũng mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như giải trí, thể thao, đồ lưu niệm. Tập đoàn này sở hữu các thương hiệu Mường Thanh Safari Diễn Lâm (vườn thú), VRC (trung tâm giải trí đa chức năng), Fitness Plus (trung tâm fitness & yoga 5 sao), DreamKid (khu vui chơi học tập cho trẻ em), Hoa Ban Gift Shop (chuỗi bán đồ lưu niệm cao cấp)…
Ban đầu, các khách sạn Mường Thanh thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên – công ty phát triển bất động sản chủ chốt của ông Lê Thanh Thản.
Tuy nhiên, từ năm 2012, ông Thản đã thành lập thêm CTCP Tập đoàn Mường Thanh (Mường Thanh Group) làm đầu mối quản lý và sở hữu hệ thống khách sạn theo một tiêu chuẩn chất lượng và hình ảnh đồng nhất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Mường Thanh Group đang quản lý/sở hữu hơn 30 khách sạn Mường Thanh. Bên cạnh đó công ty cũng quản lý các trung tâm bán lẻ, giải trí, game club, và bất động sản… Phần còn lại chủ yếu vẫn do DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên nắm giữ, một số lượng nhỏ thuộc về các công ty khác trong tập đoàn.
Tính đến tháng 7/2020, vốn điều lệ của Tập đoàn Mường Thanh đạt mức 2.689 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Thản, sáng lập, sở hữu 68,54%. Bà Lê Thị Hoàng Yến, con gái ông Thản, Tổng giám đốc, sở hữu 19%. Các cổ đông khác là ông Đỗ Trung Kiên và ông Lê Hải An nắm lần lượt 8,406% và 4,054%.
Theo dữ liệu chúng tôi có được, doanh thu của Tập đoàn Mường Thanh đạt 1.570 tỷ đồng năm 2019, gấp đôi so với năm trước đó. Ở chiều ngược lại, doanh thu của công ty DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên giảm 22% còn 832 tỷ đồng.
Tổng doanh thu của hai công ty quản lý phần lớn chuỗi khách sạn Mường Thanh đạt trên 2.400 tỷ đồng năm 2019.
Kết quả này thấp hơn nhiều nếu đem so sánh với CTCP Vinpearl (công ty con của Tập đoàn Vingroup). Mảng khách sạn và vui chơi giải trí của công ty này trong cùng kỳ đạt 8.019 tỷ đồng, với EBITDA 863 tỷ đồng. Du lịch Thành Thành Công (công ty về mảng khách sạn, du lịch) thuộc Tập đoàn Thành Thành Công ghi nhận doanh thu khoảng 830 tỷ đồng.
Quay trở lại với công ty của ông Lê Thanh Thản, cả Tập đoàn Mường Thanh và DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đều lỗ nặng trong nhiều năm. Năm 2019, trong khi DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên vẫn lỗ khoảng 80 tỷ đồng, thì Tập đoàn Mường Thanh đã có lãi 33 tỷ đồng.
Nhưng điểm đáng chú ý hơn cả là khối tài sản hai công ty của ông Thản đang nắm giữ. Tính đến hết năm 2019, DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên ghi nhận 27.616 tỷ đồng tài sản, tại Tập đoàn Mường Thanh là 15.093 tỷ đồng, tương đương giá trị hàng tỷ USD.
Tài sản của Tập đoàn Mường Thanh bắt đầu tăng mạnh trong năm 2018, đây có thể là nhân tố thúc đẩy doanh thu tăng theo khi nhận vận hành thêm cách khách sạn mới.
Tình hình vốn chủ sở hữu của hai công ty trái ngược, DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên âm vốn lên mức 198 tỷ đồng, còn tại Tập đoàn Mường Thanh vốn chủ tiếp tục gia tăng lên 4.143 tỷ đồng.
Với quy quy mô chuỗi khách sạn lớn như vậy, Mường Thanh không tránh khỏi ảnh hưởng nặng trong năm 2020 trước tác động của đại dịch COVID-19 làm thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch. Lượng khách quốc tế đến với Việt Nam trong cả năm ngoái chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 80% so với năm trước đó, tập trung chủ yếu vào 2 tháng đầu năm trước khi Việt Nam chính thức đóng cửa.