Công nghệ và các thiết bị điện tử giờ đây không chỉ còn là công cụ hỗ trợ, mà nó đã dần trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của chúng ta.
Công nghệ mang lại những thử thách và nguy cơ gì cho thế hệ Alpha?
Khi được tiếp xúc sớm với công nghệ và các thiết bị điện tử, những đứa trẻ thế hệ Alpha có khả năng tiếp nhận rất nhanh và sử dụng thuần thục các ứng dụng trong nháy mắt – điều mà người lớn chúng ta đôi khi mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu và mày mò.
Tuy có thể học cách sử dụng rất nhanh, nhưng sự hiểu biết, khả năng nhận thức và đánh giá vấn đề của con vẫn chỉ là của một đứa trẻ. Công nghệ và các ứng dụng hiện đại có thể tạo ra các nhận định không thực tế về cuộc sống của trẻ khi lớn lên.
Điển hình như: các app chỉnh sửa hình ảnh, các nền tảng mạng xã hội tôn vinh sự xa hoa, giàu có và các nét đẹp qua app và filter. Những hình ảnh lung linh “triệu like – vạn share” không thực tế này lại trở thành quy chuẩn sắc đẹp và mục tiêu phong cách, trẻ em đang tuổi lớn tin rằng mình phải trở nên giống như vậy thì mới được công nhận và yêu mến (qua lượng view, số tim, số like, số share…).
Đối với thế hệ Alpha, những đứa trẻ vừa ra đời đã hít thở bầu khí quyển ngập sóng wifi, công nghệ và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo chính là một điều hiển nhiên. (Ảnh minh họa)
Trẻ cũng đứng trước nguy cơ bị bắt nạt, bị bêu rếu, bị bạo hành trên không gian mạng. Khi trẻ bị bạo hành thể xác trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ có thể dễ dàng nhìn thấy những vết thương trên cơ thể con và con có thể tự cảm nhận được sự đau đớn về thể chất dễ dàng. Việc bạo hành trên không gian mạng thì khác. Nó nguy hiểm vì âm thầm ảnh hưởng đến tâm lý phát triển và nhận thức của trẻ, khó nhận biết và khó kiểm soát hơn rất nhiều lần.
Các nguy cơ trên không gian mạng trẻ có thể gặp phải: bị đồng loạt rủa xả, sỉ nhục, bị tẩy chay – bóc phốt, bị theo dõi lén (stalk), bị lừa gạt, bị dụ dỗ, hoặc xem các nội dung bạo lực, dã man, tình dục không lành mạnh… mà cha mẹ không hay biết.
Không thể cấm Gen Alpha tiếp xúc với công nghệ, vậy cha mẹ có thể làm gì?
Việc tối quan trọng mà cha mẹ có thể làm để đồng hành cùng con trong thời đại công nghệ đó là: duy trì sự kết nối với con qua giao tiếp và tin tưởng.
Theo Nadia Sawalha, Kaye Adams, và chuyên gia an ninh Will Geddes (đồng tác giả quyển sách hướng dẫn cha mẹ về an toàn không gian mạng), phụ huynh hãy thực hành 10 gợi ý sau trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cùng con:
1. Con cần phải tin rằng bố mẹ là nơi an toàn nhất để con có thể chia sẻ mọi điều mà không gặp nguy hiểm. Bố mẹ cũng cần phải học khả năng giao tiếp hiệu quả, sẵn sàng lắng nghe để con tìm đến những khi hoang mang, bối rối.
2. Thử các phương thức trò chuyện khác nhau với con, trên các nền tảng khác nhau, miễn sao cả cha mẹ và con cái cảm thấy thoải mái và thích hợp.
3. Cam kết với việc luôn dành thời gian để lắng nghe con, và cho con hiểu điều đó. Con sẽ không muốn trò chuyện và tâm sự nếu phải nghe từ bố mẹ quá nhiều những câu: “Bố mẹ đang bận, con trật tự đi / tự chơi đi..” hoặc “Con nhanh lên, bố mẹ không có thời gian đâu”.
4. Luôn để mắt và quan sát con kỹ càng, vì đôi khi, một sự thay đổi nhỏ trong cảm xúc, hành vi, thái độ của con cũng có thể là dấu hiệu con đang có khúc mắc hoặc vấn đề nghiêm trọng nào đó.
5. Nếu thật sự không thể nói chuyện với con, hãy cho con biết rằng có một người lớn khác đáng tin cậy và thân thiết để con tìm đến khi có vấn đề.
6. Hành động ngay, theo cách khéo léo nhất, khi cảm thấy có điều không ổn.
7. Bí mật có thể rất nguy hiểm. Hãy nhắc con nhớ rằng, nếu có ai đó yêu cầu con giữ bí mật, có thể điều đó không an toàn cho con.
8. Đừng tức giận hoặc tỏ thái độ tiêu cực lên con, vì có thể làm cho tình huống tệ hơn, và con càng giữ khoảng cách với cha mẹ nhiều hơn.
9. Dứt khoát, rõ ràng và nhất quán là để bảo vệ con. Nếu cần thiết, hãy giới hạn các tài khoản, xóa các ứng dụng có chứa nguy cơ tiềm ẩn.
10. Kết nối để gần gũi với con. Hãy cho con thấy bố mẹ rất có hứng thú với thế giới của con, nhờ con chỉ cho bố mẹ cách chơi game như thế nào, ứng dụng này sử dụng ra sao, vì sao con thích hay không thích những trò chơi nào…
Tất cả những nội dung mà con trẻ tiếp xúc qua các thiết bị điện tử đều góp phần hình thành nên nhận thức, quan điểm, hành vi và thái độ của con trong cuộc sống hàng ngày, với bản thân và với mọi người xung quanh. Nếu không có định hướng đúng đắn và sự can thiệp và hướng dẫn kịp thời từ người lớn, trẻ sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý và nhận thức kéo dài cho đến khi trưởng thành.
Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: “Làm mẹ rất vui” và “Hiểu con để dạy con tích cực”. Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý học trẻ em, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI); đồng thời là Certified Positive Discipline Parent Educator – Chuyên gia đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ được cấp bởi tổ chức Positive Discipline Association.
Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.