Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt cũng góp phần đẩy giá nhôm tăng lên.
Trên sàn Thượng Hải phiên 15/4, giá nhôm tiếp tục kéo dài chuỗi những phiên tăng giá, với hợp đồng kỳ hạn tháng 5 có thời điểm tăng 3% so với phiên trước, lên 18.360 CNY (2.810,13 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 8/2011, trước khi lùi nhẹ về mức 18.320 CNY/tấn vào lúc đóng cửa (vẫn cao hơn 2,8% so với phiên liền trước). Trên sàn London, nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng đầu giờ giao dịch cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2018, là 2.356,5 USD/tấn, trước khi giảm nhẹ về 2.350,5 USD/tấn vào cuối phiên sáng 15/4, vẫn cao hơn 1,2% so với đóng cửa phiên trước.
Nhôm được sử dụng rộng rãi trong các ngành vận tải, đóng gói và xây dựng.
Giá nhôm tăng mạnh từ cuối năm 2020
Các nhà đầu tư đã lo ngại về việc sản lượng ở Trung Quốc bị cắt giảm để hạn chế lượng khí thải carbon, đặc biệt là ở Nội Mông, nơi các nhà chức trách tháng trước cho biết họ sẽ ngừng phê duyệt các dự án mới nấu chảy nhôm mới – vốn tiêu tốn nhiều năng lượng (năng lượng có thể chiếm 30-40% chi phí nấu chảy nhôm).
Thành phố Bao Đầu (thuộc Nội Mông, Trung Quốc) gần đây đã ra lệnh đóng cửa một số nhà máy điện và sản xuất công nghiệp nhằm nỗ lực đáp ứng mục tiêu tiêu thụ năng lượng trong quý I/2021. Công ty tư vấn AZ Trung Quốc ước tính rằng công suất hàng năm của 7 lò luyện đã bị đóng cửa để hạn chế tiêu thụ năng lượng tại đây có công suất tổng cộng 279.000 tấn nhôm.
Nhà phân tích Wenyu Yao của ING cho biết: “Mọi người đang lo lắng về công suất nhôm sau khi Nội Mông công bố kế hoạch cắt giảm tiêu thụ năng lượng”, đồng thời cho biết thêm rằng nếu những tỉnh thành khác của Trung Quốc làm theo Nội Mông thì công suất sẽ bị hạn chế nghiêm trọng vào đúng thời điểm nhu cầu tăng mạnh.
Các nhà phân tích cho biết, nguy cơ gián đoạn nguồn cung nhôm từ Trung Quốc ngày càng tăng, mặc dù công suất sản xuất của nước này hiện đang ở mức trần, 45 triệu tấn/năm.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu nhôm vào Trung Quốc đã tăng 150,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 455.128 tấn, theo số liệu của Hải quan nước này.
Trong khi đó, Hoa Kỳ dự kiến sẽ công bố các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và hoạt động mạng độc hại. Các lệnh trừng phạt này là một phần trong các phản ứng của Chính phủ Mỹ đối với vụ tấn công mạng được phát hiện hồi tháng 12 năm ngoái. Mỹ đã cáo buộc Nga đứng sau vụ việc. Vụ tấn công nhằm vào chuỗi cung ứng phần mềm SolarWinds, cho phép các tin tặc truy cập vào dữ liệu của hàng nghìn công ty và văn phòng chính phủ sử dụng phần mềm này.
Nga là nhà sản xuất nhôm lớn và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga năm 2018 đã đẩy giá nhôm trên sàn London tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm.
Nhà môi giới hàng hóa Anna Stablum của Marex Spectron cho biết: “Các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát động thái của hãng Rusal”.
Trong khi nguồn cung gặp khó thì nhu cầu nhôm vẫn đang tăng nhanh. Các nhà phân tích của ngân hàng Citi dự đoán nhu cầu nhôm toàn cầu sẽ tăng 6,4% trong năm nay lên gần 68 triệu tấn và tăng tiếp 4,6% vào năm 2022 lên gần 71 triệu tấn. City dự báo thị trường nhôm thế giới năm 2021 vẫn dư thừa 720.000 tấn nhôm, nhưng sẽ thiếu hụt 590.000 tấn năm 2022.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Antaike của Trung Quốc dự kiến thị trường nhôm Trung Quốc sẽ thiếu hụt 100.000 tấn trong năm nay. Trên thực tế, lượng nhôm lưu trữ tại các kho của hai sàn London và Thượng Hải gần đây đều giảm, hiện tổng cộng là 2,23 triệu tấn (vẫn cao hơn 43% so với hồi đầu năm).
Tham khảo: Mining, Fining, Refinitiv, Bloomberg