Một bản nhạc cũng có âm bổng, âm trầm. Cuộc đời cũng không toàn vẹn. Ngay cả bác sĩ cũng sẽ có người nọ người kia. Đâu đó trong các bệnh viện nơi điều trị cho bệnh nhân tâm thần có những bác sĩ vướng phải vòng lao lý do: chạy bệnh án tâm thần, tiếp tay cho bệnh nhân vi phạm pháp luật… Nhưng ít ai có thể biết được bác sĩ điều trị cho bệnh tâm thần cũng đang phải chịu rất nhiều sức ép. Họ vẫn là những người rất đáng trân quý. GS.TS Cao Tiến Đức đã thốt lên: “Đừng vì số ít bác sĩ tâm thần “sa ngã” mà quay lưng với tất cả chúng tôi”!
Ngọc Minh: Trò chuyện với nhiều bác sĩ, họ hay nói đùa rằng không chọn ngành tâm thần vì sợ bị “điên”. Dù biết đó chỉ là cách nói hài hước nhưng tôi vẫn rất chờ đợi cuộc trò chuyện này với Giáo sư để hiểu rõ hơn về công việc của bác sĩ thường xuyên phải tiếp xúc với những bệnh nhân lúc tỉnh, lúc điên…
GS. Cao Tiến Đức: Để chị không còn tò mò, nhân cuộc nói chuyện này tôi cũng trả lời luôn. Không ít bác sĩ điều trị tâm thần bị “có vấn đề” thật chứ không hề đùa: Thứ nhất là vì người có vấn đề về tâm thần ở đâu cũng có; Thứ hai, tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần ít nhiều cũng nhiễm vào tính cách.
Ở một môi trường làm việc đặc biệt thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần, người bác sĩ phải có bản lĩnh. Nếu không có “tinh thần thép” thì chính bản thân bác sĩ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Trên thế giới, bác sĩ tâm thần làm thời gian ngắn và lương rất cao. Họ rất được xã hội tôn trọng. Nhưng ở Việt Nam thì còn nhiều khác biệt…
Ngọc Minh: Giáo sư có vẻ thoáng buồn khi nhắc tới câu chuyện bác sĩ ngành tâm thần ở Việt Nam…
GS. Cao Tiến Đức: Buồn, chạnh lòng lắm. Cùng là bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tâm thần nhưng ở Việt Nam chúng tôi ít nhiều vẫn bị kỳ thị và không được tôn trọng.
Nghe tôi nói về những vấn đề bác sĩ ngành tâm thần đang gặp phải, chắc nhiều người sẽ phải à ồ… khó tin. Môi trường làm việc của chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân lúc tỉnh lúc không nên căng thẳng và rất mệt mỏi. Công việc cũng tiềm ẩn nguy cơ, bởi bạn biết rồi, khi con người ta “điên” thì khó nói trước được điều gì. Dù vậy, nhiều người, có khi là cả đồng nghiệp chuyên khoa khác, vẫn nhìn công việc của chúng tôi với ánh mắt thiếu thiện cảm.
Tôi nhớ có lần trong một hội nghị y khoa, một vị bác sĩ tới bắt tay và hỏi tôi làm ở chuyên khoa nào. Tôi nói làm ở chuyên khoa tâm thần, người đó cười gượng rồi bỏ đi. Lúc đó tôi cảm thấy hơi bị tổn thương, nhưng nhiều lần gặp chuyện tương tự tôi dần dần cũng thích nghi. Thôi thì cứ nghĩ đơn giản, mình làm bác sĩ là nghề cứu người, nghề chân chính, còn người ta nghĩ sao cũng được. Tuy vậy, có bác sĩ ngành tâm thần đi ra ngoài không dám giới thiệu chuyên ngành mình đang làm vì e ngại sự kỳ thị. Cũng vì lẽ đó mà trước đây, nhiều bác sĩ không muốn đi theo chuyên ngành tâm thần. Còn tôi luôn bằng lòng với nghề nghiệp của mình.
Ngọc Minh: Giáo sư làm tôi hơi bất ngờ với câu chuyện này, bởi tôi vẫn nghĩ rằng rất nhiều người cần đến bác sĩ tâm thần, đặc biệt là trong xã hội hiện đại, con người đối mặt với nhiều áp lực khiến tâm lý bị đè nặng, stress…
GS. Cao Tiến Đức: Chị có tin không khi tôi nói sức khoẻ tâm thần là chuyện của mọi nhà, nhà nào cũng có người có vấn đề. Đừng chỉ hiểu tâm thần là “điên”. Những việc đơn giản như ăn không ngon, ngủ không yên, căng thẳng trong cuộc sống, vợ chồng không hòa thuận, con cái không ngoan, lạm dụng rượu bia, ma túy, chơi game, internet quá mức… đều là vấn đề của tâm thần.
Các trường hợp phải vào viện điều trị hầu hết là bệnh nặng cho nên đa phần bệnh nhân không ý thức được sức khỏe của mình. Khi đó họ không cần bác sĩ.
Có những trường hợp tôi điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh, bác sĩ và bệnh nhân đã có mối quan hệ thân thiết. Nhưng sau đó bệnh nhân bỏ điều trị, bệnh tái phát. Khi thăm khám lại, bác sĩ không được bệnh nhân chào đón mà còn nói: “Mày cần gì? Mày định cho tao uống thuốc tâm thần chứ gì? Mày có cút ngay không tao phang cho bây giờ!”.
Có lần, tôi đi điều tra về tình trạng sức khoẻ tâm thần của bệnh nhân. Khi giới thiệu mình là bác sĩ, bệnh nhân đứng phắt dậy nói: “Mày là bác sĩ à, cút. Không cút nhanh tao ra đập nát xe”.
Ngay cả trong trong bệnh viện, không ít bệnh nhân quát, đuổi bác sĩ. Nhiều trường hợp bệnh nhân nói: “Tôi chẳng có bệnh gì mà cần phải khám với xét. Người cần khám và điều trị chính là anh (bác sĩ)”.
Ngọc Minh: Ông có từng bị bệnh nhân cho “ăn đòn”?
GS. Cao Tiến Đức: Chuyện bác sĩ ngành tâm thần bị bệnh nhân đánh là không thể tránh. Khi bệnh nhân có hoang tưởng, ảo giác chi phối sẽ có những suy nghĩ hành động không đúng. Bệnh nhân tấn công bác sĩ là điều dễ hiểu và thông cảm được.
Tôi nhớ có lần đang thăm khám thì bị bệnh nhân đá thẳng vào bụng khiến tôi ngã nhào xuống đất. Sau đó, bệnh nhân quay đi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Có lần, bệnh nhân vào phòng tôi lấy đồ có điều dưỡng nhìn thấy. Tôi gọi bệnh nhân lên phòng tôi nói chuyện, hỏi: “Cháu vào phòng chú có cầm đồ gì của chú hay không?”. Bệnh nhân cứ thế lao thẳng vào tôi đấm đá túi bụi. Rất may sau đó có bác sĩ trong khoa vào can ngăn mới kéo được bệnh nhân ra.
Ngọc Minh: Tôi vẫn nhớ, giáo sư từng chia sẻ, để điều trị cho bệnh nhân tâm thần thành công thì phải “khám bệnh mà như không khám”. Giáo sư có thể nói rõ hơn về điều này?
GS. Cao Tiến Đức: Một ngày tôi thường đi thăm bệnh nhân 4 lần. Nhiều khi đi chỉ để ngắm bệnh nhân thôi. Chị đừng vội cười, ý tôi không phải ngắm bệnh nhân có xinh gái, đẹp trai hay không? Tôi ngắm (quan sát) người bệnh để biết họ bình thường rồi hay còn bệnh. Một người bình thường hay không bình thường nhìn sẽ nhận ra. Khi thấy gương mặt bệnh nhân tươi tỉnh, quần áo sạch sẽ, gọn gàng là tôi tạm yên tâm.
Tuy vậy, triệu chứng bệnh lý tâm thần rất đặc biệt, nếu bệnh nhân không chia sẻ thì không một loại máy móc nào có thể nhìn ra. Người bác sĩ phải coi bệnh nhân như người thân mới có thể khai thác bệnh tật và đưa ra những chẩn đoán đúng. Muốn điều trị khỏi cho bệnh nhân bác sĩ phải chiếm được lòng tin của họ, phải làm cho họ cảm nhận được sự chân thành của thầy thuốc.
Những lần khám bệnh của tôi chỉ đơn giản là cuộc nói chuyện như những người bạn với nhau. Khi là bạn bè, bệnh nhân sẽ thoải mái chia sẻ và không có cảm giác bị khám xét.
Ngọc Minh: “Khám như không khám”, có khi nào làm bệnh nhân hiểu lầm bác sĩ không có trình độ…
GS. Cao Tiến Đức: Đương nhiên là có rồi. Rất nhiều bệnh nhân của tôi còn nghĩ tôi “ngơ ngơ” không biết khám bệnh cho họ.
Sinh viên đi buồng bệnh với tôi cũng nhận xét: Thầy khám bệnh mà không có cảm giác là đang khám bệnh mà như đang nói chuyện với người thân.
Tôi vẫn nhớ trường hợp một bệnh nhân có rối loạn tâm thần. Gia đình bệnh nhân cũng có nhiều bác sĩ giỏi. Khi tôi khám xong, bệnh nhân nói với mẹ: “Sao nhà mình có bao nhiêu bác sĩ giỏi mà không đưa đến khám. Bác sĩ này khám gì mà toàn hỏi những chuyện ngơ ngơ”.
Hay như có trường hợp bệnh nhân mắc phải hội chứng rối loạn tâm thần khó chẩn đoán. Tôi đã bỏ ra 1 buổi để ngồi nói chuyện với bệnh nhân. Nhưng sau khi tôi rời phòng, bệnh nhân nói với người nhà “ông bác sĩ này chẳng khám gì cả” và yêu cầu tìm bác sĩ khác.
Ngọc Minh: Tôi đang hiểu, trong việc điều trị cho một bệnh nhân tâm thần, mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân có vẻ hơi “đảo ngược”. Bác sĩ ngành tâm thần phải gần gũi, thân tình với bệnh nhân để tìm ra bệnh. Trong khi đó các chuyên ngành khác bệnh nhân phải tìm bác sĩ để chia sẻ các triệu chứng khi có vấn đề sức khoẻ.
GS. Cao Tiến Đức: Chị nói rất đúng, với chuyên ngành tâm thần, bác sĩ phải cho bệnh nhân thấy sự chân tình, gần gũi, muốn cứu chữa cho bệnh nhân.
Cũng có bác sĩ có thái độ trịch thượng, khi nói chuyện quát mắng bệnh nhân, nhưng những trường hợp này chỉ là cá biệt. Bác sĩ có thể đưa ra đơn thuốc nhưng đối với bệnh nhân tâm thần, dùng thuốc chưa đủ.
Có những ca bệnh ngay đến bản thân tôi cũng không lý giải được vì sao bệnh nhân lại tin tưởng, nói chuyện với mình. Như trường hợp bệnh nhân Phương Mai (tên người bệnh đã được thay đổi), là em của một vị quan chức lúc bấy giờ.
Bệnh nhân đột ngột không nói chuyện với bất cứ ai trong suốt 6-7 tháng. Hàng ngày, bệnh nhân vẫn đi làm bình thường, về nhà đi chợ nấu cơm, chăm sóc con nhưng tuyệt nhiên không nói chuyện.
Em gái của bệnh nhân đã tìm đến nhờ tôi đến nhà chơi và khám cho chị. Tôi có nói với cô em của người bệnh: “Giờ cô ấy không nói chuyện thì tôi đến cũng không giải quyết được gì”.
Sau đó, tôi có đến nhà cô Phương Mai chơi. Rất bất ngờ, khi tôi đến, Phương Mai ra pha nước mời và nói rất nhiều chuyện như một người bạn lâu ngày mới gặp nhau.
Tôi hỏi cô: “Sao 6-7 tháng vừa rồi em không nói lời nào?”. Phương Mai nói: “Em nghe thấy có tiếng nói trong đầu nói có người theo dõi làm hại và muốn lấy cắp số liệu nên tuyệt đối không được nói chuyện với ai”.
Tôi kê đơn cho Phương Mai, uống thuốc vài tháng bệnh nhân ổn định.
Đây là trường hợp tôi vô cùng ngạc nhiên và không lý giải được vì sao bệnh nhân lại tin tưởng mình ngay từ lần gặp đầu tiên. Sau này, tôi rút ra một điều, khi tôn trọng và chân tình với bệnh nhân thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi vẫn coi những bệnh nhân tâm thần nếu nhỏ tuổi như là con em, nếu già cả như bố mẹ, anh chị mình. Người Việt Nam nói lời chào cao hơn mâm cỗ, bác sĩ muốn chữa khỏi cho bệnh nhân tâm thần, trước hết cũng phải có lời chào.
Ngọc Minh: 39 năm điều trị cho bệnh nhân tâm thần, ông có từng chẩn đoán sai và điều trị thất bại?
GS. Cao Tiến Đức: Làm bác sĩ ai cũng có thể bị một vài lần chẩn đoán sai bệnh, tôi cũng không ngoại lệ. Trong chuyên ngành tâm thần nếu không thận trọng cũng sẽ mắc phải sai lầm về chuyên môn.
Cách đây khoảng gần 30 năm, tôi đã điều trị cho bệnh nhân là người nhà của đồng nghiệp, được chẩn đoán tâm thân phân liệt, điều trị có kết quả tốt.
Mấy năm sau, chị gái của bệnh nhân đó có đưa con đến nhờ tôi điều trị. Cháu có các triệu chứng giống như tâm thần phân liệt. Do không tìm hiểu kỹ nên tôi đã chẩn đoán là tâm thần phân liệt, rồi điều trị cũng có kết quả tốt.
Khoảng vài tháng sau, có 2 bà hàng xóm của bệnh nhân trên đưa con đến nhờ cai nghiện ma tuý giúp. Tôi giải thích cho họ chúng tôi không được phép nhận bệnh nhân cai nghiện ma tuý. Hai bà nói: “Hàng xóm nhà tôi bảo bác sĩ cai nghiện giỏi lắm, vì con cô ấy đã được cai nghiện thành công và về đi học bình thường”.
Lúc đó tôi mới ngớ người vì mình đã có sự nhầm lẫn… Nếu bệnh nhân vi phạm pháp luật nhưng có giấy ra viện chẩn đoán tâm thần phân liệt do bác sĩ Cao Tiến Đức ký thì lúc đó tôi sẽ phải là người “chịu trận”.
Sau này, tôi luôn nhắc nhở nhân viên và học trò của mình phải luôn đề cao cảnh giác để tránh chẩn đoán sai.
Ngọc Minh: Có lần giáo sư nói: “Bác sĩ muốn giỏi phải lao vào những ca bệnh khó”. Gần 40 năm gắn bó với bệnh nhân tâm, có ca bệnh nào làm khó giáo sư hay không?
GS. Cao Tiến Đức: Câu nói đó là của một người thầy của tôi. Đối với tôi, ca bệnh nào cũng đặc biệt.
Khi tôi mới về khoa tâm thần nhận công tác, một bệnh nhân tôi tiếp nhận điều trị là trường hợp bộ đội bị loạn thần rất nặng kèm theo có sốt cao triền miên hơn 2 tháng. Lúc đó ai cũng nghĩ bệnh nhân khó qua khỏi.
May mắn sau đó, bệnh nhân đáp ứng điều trị và hồi phục tốt. Bệnh nhân ổn định ra viện, hiện nay anh ấy rất thành đạt. Bệnh nhân vẫn duy trì uống thuốc và có cuộc sống tốt đẹp.
Một trường hợp khác là con của bí thư tỉnh uỷ một tỉnh tại miền Trung. Bệnh nhân tâm thần phân liệt được gia đình đưa đi điều trị nhiều nơi nhưng không hiệu quả.
Để quản lý bệnh nhân, gia đình đã phải xích chân tay. Xích tới mức chân tay loét không còn vị trí nào để còng, gia đình đã phải đóng cũi để nhốt bệnh nhân lại.
Tôi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân khỏi, ra viện thi đỗ 2 trường đại học. Sau này bệnh nhân còn đi nước ngoài du học. Khi về nước, anh ấy dạy tiếng Anh cho bên hàng không. Giờ bệnh nhân này đã có 2 con và vẫn tuân thủ uống thuốc để bệnh không tái phát.
Một ca bệnh khác tôi cũng thấy rất hay. Tôi đã nhận điều trị vì muốn giúp cho bệnh nhân và giúp cho chính mình chinh phục một ca bệnh khó. Đó là một bệnh nhân bị trầm cảm nặng, mùa hè ở trong phòng kín, mặc nhiều quần áo, đội mũ len, không tắm gội, bệnh nhân không ra khỏi nhà. Mơ ước lớn nhất của bệnh nhân là được ra ngoài trời hít thở không khí, đi dạo một vòng hồ trước cửa nhà. Ước mơ là quá đơn giản với người thường nhưng đối với bệnh nhân này thì đó thực sự là khao khát cháy bỏng.
Điều trị cho bệnh nhân khó khăn đầu tiên là việc thuyết phục bệnh nhân tắm. Tôi có nói với bệnh nhân: “Tôi ngồi đây cho anh tắm”, nhưng bệnh nhân không chịu. Sau đó, tôi nói với bệnh nhân: “Tôi sẽ để điện thoại 24/24 nếu khi tắm có vấn đề gì anh cứ gọi cho tôi, tôi sẽ đến ngay”. Sau vài năm điều trị, sức khỏe của anh hồi phục rất tốt.
Cách đây vài năm, bệnh nhân có gọi điện cho tôi nói khó thở quá. Nghe giọng nói của anh, tôi biết anh đang có vấn đề trầm trọng. Khi đó tôi ở xa nên tôi nói với bệnh nhân: “Giờ tôi ở xa lắm không thể đến với anh ngay, anh cần gọi xe đến bệnh viện ngay. Anh nghe tôi gọi ngay xe cấp cứu đến bệnh viện Bạch Mai”. Rất may lần đó bệnh nhân bị co thắt phế quản cấp, nhờ cấp cứu kịp thời nên thoát khỏi nguy hiểm. Tôi vừa thấy mừng vì bệnh nhân đã thoát hiểm, vừa vui vì lúc ngặt nghèo bệnh nhân vẫn nhớ đến mình, giúp cho tôi có cơ hội được hỗ trợ anh thêm một lần.
Ngọc Minh: Cứu giúp được cho bệnh nhân luôn là mong muốn của một bác sĩ, chẳng ai muốn đi chệch khỏi quỹ đạo đó, nhưng không phải lúc nào mọi việc đều đúng theo ý nguyện. Trong 39 năm điều trị cho bệnh nhân tâm thần, có ca bệnh nào khiến ông ám ảnh và day dứt?
GS. Cao Tiến Đức: Vâng, rất tiếc là điều đó có xảy ra chứ. Đó là trường hợp một bệnh nhân đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc và phải về giữa chừng do mắc bệnh tâm thần. Bệnh nhân được người nhà đưa tới, kết quả khám, người này bị tâm thần phân liệt.
Bệnh nhân có hiệu quả điều trị rất tốt, nhưng sau đó lại bỏ không uống thuốc. Hậu quả, trong một đêm, bệnh nhân dùng khăn giết vợ và 2 người con của mình. Anh ấy cũng bị bắt và tự sát sau đó khoảng 1 tháng.
Tôi cảm thấy rất buồn. Nếu thuyết phục được gia đình và người bệnh để bệnh nhân dùng thuốc thì sẽ không có câu chuyện đau lòng đó xảy ra. Ca bệnh đó ám ảnh tôi, có lẽ suốt đời!
Ngọc Minh: Một người bệnh được bác sĩ quan tâm điều trị khỏi họ thường rất trân trọng bác sĩ và hàm ơn. Nhưng bệnh nhân tâm thần có lẽ không có việc “hàm ơn” đối với bác sĩ điều trị cho mình?
GS. Cao Tiến Đức: Nói tất cả bệnh nhân tâm thần không tôn trọng thầy thuốc, không quý mến bác sĩ là không phải. Hầu hết bệnh nhân khi bệnh nặng họ không nhận thức được mọi vấn đề, nhưng khi bệnh lui, sức khỏe hồi phục, họ cũng cảm nhận được công sức của các nhân viên y tế.
Ngọc Minh: Ở vị trí học hàm và học vị như ông, các bác sĩ chuyên ngành khác sẽ có thu nhập rất cao, ông thì sao?
GS. Cao Tiến Đức: Mức lương của bác sĩ tâm thần không thấp hơn so vơi các ngành khác, vì còn có phụ cấp độc hại.
Lương của tôi lúc bắt đầu vào nghề là 75 đồng. Giờ sau gần 40 năm công tác, tôi hưởng lương theo quân hàm đại tá năm thứ 18 là khoảng 25 triệu. Mức lương của tôi như vậy là quá tốt rồi (cười vang).
Ngọc Minh: Bác sĩ chẳng ai sống bằng lương cả…?
GS. Cao Tiến Đức: Đúng, bác sĩ ngoài tiền lương còn có những nguồn thu nhập khác. Ví dụ, bác sĩ mổ cho bệnh nhân cũng sẽ có tiền phẫu thuật, hay làm phòng mạch tư cũng sẽ có thu nhập thêm.
Như tôi không thể đi mổ, cũng không đi làm phòng mạch nhưng dạy học, viết sách, viết báo, chấm luận văn, luận án, hội chẩn… đều có thêm thu nhập.
Ngọc Minh: Tất cả bệnh nhân khi tới viện họ luôn muốn được bác sĩ quan tâm điều trị. Thậm chí nhiều người còn phải phong bì “lót đường” để được bác sĩ quan tâm hơn. Bệnh nhân khi điều trị tâm thần có như vậy không?
GS. Cao Tiến Đức: Trước đây, tôi mới về khoa điều trị cho bệnh nhân tâm thần còn không biết gia đình, bố mẹ bệnh nhân là ai? Gia đình đưa bệnh nhân vào viện và phó thác tất cả cho bệnh viện. Tới ngày ra viện, bệnh nhân được gia đình đón về, một lời cảm ơn bác sĩ có khi còn không nhận được, lấy đâu ra phong bì.
Nhưng khi kinh tế thị trường phát triển, “phú quý sinh lễ nghĩa” thì có sinh ra lệ quà cảm ơn cho bác sĩ điều trị. Sau khi bác sĩ điều trị cho bệnh nhân có kết quả tốt thì gia đình cũng có thể có món quà cảm ơn.
Ngọc Minh: Có một thực tế, gần đây, một vài bác sĩ chuyên ngành tâm thần vướng phải vòng lao lý vì nhiều lý do. Là người làm việc gần 40 năm trong ngành, ông nghĩ sao về chuyện này?
GS. Cao Tiến Đức: Những sự việc đó xảy ra đang làm làm giảm niềm tự hào của ngành tâm thần học, giảm niềm tin với bác sĩ, nhân viên y tế ngành tâm thần..
Môi trường làm việc của bệnh viện nào cũng phức tạp. Nhưng đối với nơi điều trị cho bệnh nhân tâm thần thường phức tạp hơn, dễ phát sinh tiêu cực hơn.
Bác sĩ, nhân viên chuyên ngành tâm thần cũng có người tốt, người có “vấn đề”. Do cám dỗ của nhiều thứ, họ có thể bị mất khả năng đề kháng nên mới xảy ra nhiều câu chuyện sai phạm. Tôi thấy rất đau lòng và tiếc cho các đồng nghiệp của mình. Nhưng ai vi phạm pháp luật thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Ngọc Minh: Đúng như ông nói, môi trường điều trị cho bệnh nhân tâm thần có những đặc thù riêng. Vấn đề “nhạy cảm” gì sẽ khiến cho người bác sĩ sa ngã, mất sức đề kháng đến mức vướng phải vòng lao lý?
GS. Cao Tiến Đức: Trong ngành tâm thần việc giả bệnh dễ bị lợi dụng nhằm mục đích gì đó, ví dụ như: trốn tránh nghĩa vụ, trốn tránh pháp luật… Việc phát hiện giả bệnh tâm thần rất khó khăn, không như các chuyên ngành khác cho nên dễ phát sinh “nhu cầu”. Khi có “cầu” sẽ có “cung” và như vậy là vi phạm pháp luật. Nhưng tôi phải nói, đó chỉ là số ít. Đa số bác sĩ tâm thần đều rất đáng trân trọng. Đừng vì số ít bác sĩ tâm thần “sa ngã” mà quay lưng với tất cả chúng tôi!
Ngọc Minh: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi giúp cho tôi hiểu hơn về các bác sĩ chuyên ngành tâm thần học. Chúc ông luôn có thật nhiều sức khoẻ!
https://doanhnghieptiepthi.vn/giao-su-duy-nhat-nganh-tam-than-hoc-viet-nam-39-nam-lam-viec-voi-nguoi-dien-bi-cho-an-don-duoi-cut-va-che-ngo-ngo-16121140407103109.htm