Tình trạng lão hóa nhanh của nền dân số cùng tỷ lệ sinh giảm mạnh khiến Hàn Quốc đối mặt rủi ro về lực lượng lao động cũng như suy thoái kinh tế khi sức mua đi xuống. Thế nhưng những biện pháp kích thích kết hôn và sinh đẻ lại chưa được chính phủ áp dụng hiệu quả.
Thậm chí theo tờ Insider, rất nhiều cặp đôi Hàn Quốc hiện nay phải giả vờ độc thân dù đã kết hôn, hoặc dọn về sống chung và làm lễ cưới đơn giản nhưng không đăng ký với chính quyền (cưới chui). Vậy điều gì đang thực sự diễn ra?
Trên thực tế, tình trạng kết hôn không giấy tờ hoặc giả vờ độc thân xuất phát từ tình trạng khó kiếm được một ngôi nhà tử tế tại các thành phố lớn do giá bất động sản tăng cao. Nhằm lọt vào danh sách được chọn mua nhà giá rẻ của chính phủ, nhiều cặp đôi đã giả vờ độc thân để được ưu tiên mua trước.
Nhiều cặp đôi tại Hàn Quốc đang phải cưới “chui” vì không có nhà để ở.
Ngoài ra, việc trì hoãn làm thủ tục đăng ký kết hôn với chính quyền cũng giúp các hộ gia đình Hàn Quốc tránh được một khoản thuế bất động sản đáng kể khi mua nhà theo các quy định của chính phủ.
Kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lên nắm quyền vào năm 2017, giá bất động sản tại quốc gia này tăng liên tục, đẩy hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào cảnh khó tìm nơi ở. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thanh thiếu niên tại nước này trì hoãn kết hôn và sinh con khi chẳng thể mua nổi một ngôi nhà.
Số liệu chính thức cho thấy chỉ có 213.513 cặp đôi đăng ký kết hôn vào năm 2020, giảm 10,7% so với năm 2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 1981.
Hàn Quốc có nhà giá rẻ cho những bạn trẻ nhưng danh sách chờ xét duyệt rất dài do giá bất động sản tăng cao đẩy hàng triệu người vào cảnh khó tìm nơi ở. Bởi vậy những bạn trẻ độc thân thường được ưu tiên hơn những cặp đôi có 2 nguồn thu nhập trong danh sách chờ mua nhà giá rẻ.
Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng còn giả vờ độc thân và đăng ký nhà giá rẻ riêng biệt để có cơ may trúng tuyển cao hơn trong danh sách.
Cô Im Seo Yeon hiện đang sống ở ngoại thành thủ đô Seoul cho biết mình không đăng ký kết hôn với “chồng” hiện tại vì hy vọng được mua nhà giá rẻ trong danh sách chờ. Cặp đôi này chẳng đủ tiền mua một ngôi nhà tử tế tại trung tâm thành phố mà chỉ dám thuê một căn phòng tại ngoại thành.
“Sẽ rất đắt đỏ và khó khăn để tìm một căn nhà tử tế tại thủ đô Seoul. Chúng tôi khá hài lòng với căn hộ đang thuê hiện nay nhưng sẽ đến lúc phải tìm một ngôi nhà thuộc về chúng tôi”, cô Im cho biết.
Những đám cưới “chui”
Đối với các bạn trẻ Hàn Quốc, việc cưới mà không đăng ký đang dần phổ biến bởi đơn giản là họ không đủ tiền.
Anh David Min, một nhân viên logistic 29 tuổi tại Hàn Quốc cho biết mình đã tổ chức đám cưới không chính thức với vợ cách đây 1 năm nhưng không dám đăng ký kết hôn vì chưa đủ tiền mua nhà cũng như thực hiện các khoản phí, thuế cho gia đình.
“Chúng tôi chưa đủ tiền để mua một ngôi nhà nên không vội đăng ký kết hôn, hơn nữa thuế bất động sản cho vợ chồng mới cưới cũng cao hơn so với người độc thân”, anh Min cho biết.
Không riêng gì những cặp đôi trẻ, một nhân viên văn phòng 34 tuổi xin giấu tên nói với tờ Chosun Ilbo rằng vợ chồng họ mỗi người đã mua được một ngôi nhà nhưng vẫn chưa đăng ký. Nguyên nhân là nhằm tránh lượng thuế quá lớn khi một gia đình sở hữu nhiều bất động sản.
“Giá nhà đang tăng và chúng tôi sẽ xem xét chờ bán một căn trước khi quyết định đăng ký kết hôn”, người đàn ông này nói.
Phó giáo sư Jeong Woo Koo của trường đại học Sungkyunkwan tại thủ đô Seoul cho biết chính phủ cần hành động để bình ổn thị trường bất động sản nếu không muốn những hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng đến xã hội. Hiện ngày càng nhiều những biến tướng trong hôn nhân xảy ra chỉ vì giá nhà tăng quá nhanh, tác động đến các bạn trẻ, giới trung lưu và cả những người đầu cơ chấp nhận cưới chui để kiếm lời.
Học thuyết kinh tế trong tình yêu: Tại sao chế độ đa thê có lợi cho phụ nữ hơn đàn ông?