Chi phí vận chuyển có thể tăng hơn nữa
Theo nhà sản xuất container lớn nhất thế giới, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez vừa qua có thể đẩy nhu cầu toàn cầu về container đạt mức cao lịch sử trong năm nay, càng khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao hơn nữa.
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, giá một container lưu trữ khô tiêu chuẩn 20 feet (TEU) đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó lên trên 3.500 USD và dự kiến sẽ không giảm nhiều trong thời gian còn lại của năm do nhu cầu và chi phí nguyên vật liệu thô cần thiết để đóng container vẫn ở mức cao.
“Chúng tôi đã nhận đủ đơn đặt hàng cho nửa đầu năm 2021 và dự kiến nhu cầu container sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay. Vụ tàu mắc kẹt gần đây nhất tại kênh đào Suez có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu container trong thời gian dài hơn,” bà Mai Boliang, giám đốc điều hành của China International Marine Containers (CIMC), tập đoàn sản xuất khoảng 1/2 số container trên thế giới cho biết.
Kênh đào Suez, một tuyến đường thủy chính cho thương mại toàn cầu nối Biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ, đã hoạt động trở lại sau khi con tàu container Ever Given mắc kẹt gần một tuần tại đây.
Tuy nhiên, việc giải quyết hàng trăm tàu tồn đọng có thể mất vài ngày hoặc vài tuần và các nhà phân tích lo rằng khi việc chậm trễ này sẽ càng kéo dài, thời gian sắp xếp container rỗng tại các cảng biển sẽ càng làm nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu container.
“Hiệu ứng domino của chuỗi cung ứng còn bị ảnh hưởng từ việc tắc nghẽn tại nhiều cảng ở Châu Á và Châu Âu. Việc hàng hóa đi qua kênh Suez bị mắc kẹt trong cả tuần có thể giúp giải quyết tạm thời các sự chậm trễ ở các cảng, nhưng 1 đợt hàng hóa chuẩn bị cập cảng khiến nhu cầu nhanh chóng vận chuyển hàng từ các cảng lên cầu lại tăng lên,” các nhà phân tích của cơ quan cơ sở dữ liệu thương mại Panjiva thuộc tập đoàn S&P Global nói.
Trụ sở chính tại Thâm Quyến, CIMC đã vận hành hết công suất kể từ cuối năm ngoái do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trung Quốc là công xưởng lớn sản xuất container
Theo bà Mai, khoảng 98% container trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. CIMC hiện đang vận hành 20 dây chuyền sản xuất để sản xuất khoảng 220.000 TEU/tháng, gần một nửa tổng năng lực sản xuất của toàn ngành. Năm ngoái, lợi nhuận ròng của CIMC đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó lên 5.3 tỷ NDT (806 triệu USD), chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh container sinh lợi, cùng với phương tiện đường bộ, hậu cần và năng lượng.
Tập đoàn này năm ngoái đã thu về hơn 1.9 tỷ NDT từ doanh số bán container, tăng gấp 13 lần so với một năm trước đó, sau khi cả doanh số và giá container đều tăng mạnh. Tổng cộng, hãng này đã bán được hơn 1 triệu TEU vào năm 2020, tăng khoảng 12% so với một năm trước đó, trong khi chi phí tăng 40%.
Ngoài việc nhu cầu tăng cao, bà Mai cho biết một lý do chính khác đằng sau giá container cao là do giá thép.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, một phần xuất phát từ sự bùng nổ xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước, giá sản phẩm thép hàng tuần tại nước này đã tăng nhanh kể từ đầu năm ngoái lên mức tương tự của năm 2011.
“Chúng tôi khó có khả năng giảm giá container nhiều trong năm nay, chủ yếu là vì chúng tôi tin rằng nhu cầu cao đối với container sẽ không giảm cho đến tháng 9 năm nay,” bà Mai nói thêm.