Chỉ vài ngày trước khi Kentaro Okuda kỷ niệm 1 năm ngày ông chính thức ngồi vào chiếc ghế CEO của ngân hàng môi giới lớn nhất Nhật Bản, Nomura đã lên tiếng cảnh báo sẽ phải gánh khoản lỗ “nghiêm trọng” từ 1 khách hàng giấu tên ở Mỹ. Sau này vụ việc vỡ lở rằng Nomura chính là 1 “nạn nhân” trong vụ quỹ Archegos bị call margin.
Phiên giao dịch đầu tuần, tin tức khiến cổ phiếu Nomura giảm mạnh kỷ lục 16%, thổi bay 3,5 tỷ USD giá trị vốn hóa và đe dọa sẽ nhấn chìm sự nghiệp của vị CEO được kỳ vọng là sẽ mở ra 1 chương mới với lợi nhuận bền vững hơn. Theo Jefferies Financial Group, khoản lỗ 2 tỷ USD chỉ từ 1 khách hàng có nguy cơ xóa sạch một nửa lợi nhuận trước thuế của nửa năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3.
“Nomura vẫn còn phải học hỏi rất nhiều từ các công ty khác về cách kiểm soát rủi ro và cắt lỗ”, Hideyasu Ban, chuyên gia phân tích của Jefferies nói. “Khó có thể phủ nhận chuyện những lãnh đạo cấp cao nhất của Nomura phải chịu trách nhiệm cho những gì đã diễn ra”.
Về phần mình, 1 lãnh đạo của Nomura cho biết ngân hàng đang bắt đầu đánh giá nguyên nhân gây lỗ và giờ vẫn còn quá sớm để nhận định khoản lỗ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận. Dưới thời Okuda, người lên làm CEO từ tháng 4 năm ngoái, lợi nhuận ròng của Nomura đạt 2,8 tỷ USD trong 9 tháng kết thúc vào tháng 12 vừa qua, mức cao nhất 19 năm. Động lực cho đà tăng trưởng mạnh mẽ, biến tình trạng lỗ trong năm 2019 thành lãi lớn trong năm 2020 chính là mảng ngân hàng đầu tư bùng nổ ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Mỹ là thị trường nước ngoài đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho Nomura. Nguồn: Bloomberg.
Cuối tuần trước, một loạt ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới đã vội vã triệu tập cuộc họp với Bill Hwang (nhà sáng lập của Archegos) khi họ bất chợt nhận ra mình đang đứng trước nguy cơ bị liên lụy bởi vụ vỡ quỹ đầu cơ lớn nhất kể từ vụ LTCM phá sản trong những năm 1990.
Theo nguồn tin thân cận, Nomura cùng một số ngân hàng khác đã đạt được thỏa thuận tạm thời không hành động để tìm cách thoát vị thế mà không gây ra làn sóng hoảng loạn. Tuy nhiên, đến tối thứ 5, một số ngân hàng đã phát đi thông báo Archegos vỡ nợ và đến thứ 6 thì cơn bán tháo lớn nhất từ trước đến nay đã bắt đầu nổ ra.
Credit Suisse cũng cho biết họ có thể đối mặt với 1 khoản lỗ lớn. Mitsubishi UFJ Financial Group, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, cũng ước tính có thể thiệt hại 300 triệu USD. Ngược lại, những ngân hàng phương Tây như Goldman Sachs, Deutsche Bank và Morgan Stanley đã kịp bán ra và thoát nạn.
Nomura vốn có mối quan hệ lâu năm với Hwang, một nhân vật từng dính nhiều bê bối trong quá khứ. Năm 2012, Hwang đóng cửa quỹ Tiger Asia sau khi bị giới chức Mỹ buộc tội giao dịch nội gián và thao túng giá cổ phiếu. Hwang và công ty phải nộp phạt 44 triệu USD và ông bị cấm hoạt động trong ngành tư vấn đầu tư.
Giờ đây giới chức Nhật Bản đang điều tra vai trò của Nomura tại Archegos. Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính FSA cho biết họ có thể thảo luận về quy trình quản lý rủi ro với quỹ này.
Bill Hwang khiến một loạt ngân hàng hàng đầu thế giới vạ lây.
Sự cố Archegos giáng 1 đòn đau vào nỗ lực cạnh tranh với các ngân hàng đầu tư trên toàn cầu của Nomura trong bối cảnh các cơ hội trên thị trường nội địa rất hạn chế. Sau khi mua lại một số tài sản của Lehman Brothers trong khủng hoảng tài chính 2008, Nomura phải chứng kiến chi phí tăng vọt và dẫn đến cả 1 thập niên thua lỗ triền miên.
Cách đây 2 năm, ngân hàng bắt đầu thực hiện chiến dịch quy mô 1 tỷ USD nhằm cải cách toàn bộ mảng bán buôn toàn cầu. Chiến dịch này đã diễn ra khá suôn sẻ và đang trên lộ trình hoàn thành trước thời hạn tháng 3/2022. Dưới thời Koji Nagai, người tiền nhiệm của ông Okuda, Nomura bắt đầu tập trung vào những mảng đem lại doanh thu ổn định hơn như quản lý tài sản.
Năm nay 57 tuổi, Okuda là CEO đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây xuất thân từ mảng bán buôn. Ông đã dành gần 3 thập kỷ làm việc với các công ty, tư vấn cho các vụ M&A và những ý tưởng gọi vốn. Ông đang nỗ lực mở rộng mảng này bằng cách thôi thúc Nomura làm việc nhiều hơn với các công ty chưa niêm yết.
Tham khảo Bloomberg