“Chiếc bát dọa sợ tướng quân”
Có một vị tướng quân chinh chiến sa trường nhiều năm, uy danh vang xa, lập được rất nhiều chiến công hiển hách. Hoàng đế vì muốn khen ngợi công trạng của tướng quân nên đã tặng thưởng cho ông ta không ít đồ chơi mới mẻ thú vị.
Có một hôm, tướng quân không có việc gì làm nên đã đưa những thứ được thưởng ra xem.
Khi ông ta đang lau chùi một cái bát cổ vô cùng tinh xảo, vì không cẩn thận nên tay bị trượt một cái, cái bát rơi từ trên tay ông ta xuống đất.
Phản ứng của tướng quân vô cùng nhanh nhẹn nên đã bắt kịp được chiếc bát, nhưng bản thân ông ta lại bị dọa cho một trận, giật mình hoảng hốt đến toát vã mồ hôi.
Sau khi bình tĩnh lại, tướng quân nghĩ: Ta đã chỉ huy hàng nghìn hàng vạn binh mã rong ruổi trên sa trường, vào sinh ra tử cùng tất cả các tướng sĩ, nhưng chưa từng sợ bất cứ điều gì, tại sao hôm nay lại bị một chiếc bát dọa thành thế này chứ?
Tướng quân nâng chiếc bát trong tay lên, đứng nguyên chỗ cũ và suy nghĩ rất lâu, sau đó ông ta đã vứt chiếc bát trong tay xuống đất, giãn cơ mặt mỉm cười.
Lời bình
Cái gọi là “cầm lên được, buông xuống được” chính là: Cầm lên được không phải vấn đề gì to tát, có thể buông xuống được cũng không phải vấn đề gì to tát, chỉ có những con người cố chấp mới chịu thiệt thòi.
“Hoàng đế mua tranh”
Tương truyền rằng vào thời nhà Tống, có một chàng trai trẻ vào Kinh dự thi, trên đường đụng phải một người đang mua tranh ở một sạp hàng. Chàng trai rất hứng thú với thư họa nên đã bước lên trước nhìn ngắm, đáng tiếc rằng những tác phẩm này chỉ dừng lại ở trình độ bình bình, chàng trai chỉ xem một lát rồi chuẩn bị rời đi.
Vào lúc chàng trai xoay người đi, người mua tranh gọi cậu ta đứng lại và hỏi: “Cậu xem bức tranh trên tay tôi đáng giá bao nhiêu tiền?”
Chàng trai thẳng thắn nói: “Thứ lỗi cho tôi nói thẳng, bức tranh này của ngài chỉ đáng một lượng bạc.”
Nói xong liền tiếp tục lên đường. Người mua tranh bày ra vẻ mặt không vui nhưng cũng không làm gì cả.
Sau đó, chàng trai đỗ đạt cao trong kỳ thi và được vào triều diện Thánh. Chàng trai kinh ngạc phát hiện ra rằng, Hoàng đế đương triều chính là người mua tranh bên đường hôm nào.
Chàng trai không hề biết rằng Hoàng đế chỉ là đang giả vờ mua tranh, thật ra mục đích chính là đang cải trang vi hành.
Hoàng đế cũng nhận ra chàng trai, muốn thử thách chàng trai thêm một lần nữa, ngài liền lấy bức tranh mua ở sạp hàng hôm nọ ra hỏi chàng trai: “Ngươi cho rằng bức tranh này đáng giá bao nhiêu tiền?”
Đây quả thực là một câu hỏi khó, nếu vẫn nói chỉ đáng một lượng bạc thì bị xem là đại nghịch bất đạo. Nhưng chàng trai cũng không muốn nói trái với giá trị quan của mình, vì không muốn Hoàng đế nói mình là một kẻ lật lọng nên chàng trai đã nhanh trí trả lời rằng:
“Nếu như đây là bức tranh Thánh thượng tặng cho thần thì nó chính là một vật vô giá, nhưng nếu mang nó đi bán thì nó chỉ đáng giá một lượng bạc.”
Hoàng đế nghe xong không hề buồn phiền mà ngược lại còn rất vui mừng, điều khiến ngài vui mừng chính là bản thân có được một trung thần thông minh hơn người.
Từ đó, chàng trai được Hoàng đế trọng dụng.
Lời bình
Để giúp sự thật không bị bóp méo, đòi hỏi cách diễn đạt phải có sự khéo léo.
“Người có xương và người có vỏ”
Có một vị Thần nặn ra được mấy người đất, sau khi nặn một hồi ông liền nghỉ tay, nghiêng người nghỉ ngơi trên chiếc ghế, lắng nghe âm thanh ong hút mật hoa. Có hai người đất nét mặt có vẻ rất tức giận.
Vị Thần không vui, nói: “Các ngươi được ta nặn thành người từ bùn đất, như thế vẫn chưa hài lòng sao?”
Một người đất nói: “Người mà không có xương thì sao được gọi là người?”
Một người đất khác dành nói: “Cũng phải có cái vỏ chứ, nó có thể giúp ta chống lại mưa đá và thương lạnh ám tiễn đấy?”
Vị Thần nghĩ một chút rồi nói: “Chỗ ta thiếu vật liệu cứng nên các ngươi mỗi người chọn một kiểu đi.”
Hai người đất vui mừng chọn kiểu mà mình thích. Từ đó thiên hạ có thêm hai kiểu người: Một kiểu có xương cốt cứng cáp nhưng lại phòng vệ yếu ớt, thường bị tổn thương; một kiểu khác thì nằm trong lớp vỏ xinh đẹp hưởng phúc, không có xương sống.