Nói đến những vị tướng trung nghĩa nhất trong “Tam quốc diễn nghĩa” thì trên thực tế chỉ có 5 người, ngoài 5 người này thì những người khác đều không đáng nhắc tới. Ngoại trừ hai nhân vật đã được nhắc đến trong phần trước là Quan Vũ và Triệu Vân thì đây là 3 cái tên còn lại:
1. Trương Nhiệm
Trương Nhiệm, là một nhân vật rất hung dữ. Trong trận chiến tấn công Tây Xuyên, đối thủ lớn nhất Lưu Bị gặp phải chính là Trương Nhiệm, ngay cả quân sư của Lưu Bị là Bàng Thống cũng chết trong tay Trương Nhiệm, bản thân Lưu Bị cũng bị Trương Nhiệm đánh cho đại bại, buộc phải nhờ Gia Cát Lượng đưa quân tới cứu.
Để bắt được Trương Nhiệm, có thể nói là Gia Cát Lượng đã phải dùng đến thế trận mạnh mẽ nhất, ông đã phải dùng đến ba trên tổng số năm vị Ngũ hổ thượng tướng, ngoài ra còn có cả Ngụy Diên, cuối cùng mới bắt được Trương Nhiệm.
Trương Nhiệm dù đã bị bắt, nhưng lại không hề có chút sợ hãi nào, tuyệt không đầu hàng, dù cho Gia Cát Lượng có khuyên giải thế nào Trương Nhiệm cũng quyết không hàng.
Sau cùng Gia Cát Lượng hết cách, đành phải giết Trương Nhiệm.
Trương Nhiệm là người có tài, thực lực rất mạnh. Cả Lưu Bị, Bàng Thống, Hoàng Trung, Trương Phi khi gặp Trương Nhiệm đều phải chịu thua thiệt.
Nhưng Trương Nhiệm lại không chịu đầu quân cho Thục Hán, nếu không thế lực Thục Hán đã mạnh hơn nhiều. Từ khí tiết trước khi chết của Trương Nhiệm, có thể thấy được tấm lòng trung nghĩa, trước sau như một, cống hiến hết mình cho Lưu Chương của nhân vật này.
2. Cao Thuận
Cao Thuận là mãnh tướng tài giỏi nhất dưới trướng của Lã Bố, ngay đến cả Quách Gia cũng phải khen ngợi Cao Thuận, nói ông có tài lớn, không có mấy người có thể là đối thủ của ông.
Thế trận vây hãm do Cao Thuận thiết lập, cơ bản có thể coi như là tấn công tất thắng, vô cùng lợi hại. Ngoài việc giỏi luyện binh, tài mưu lược quân sự của Cao Thuận cũng rất cao, thật lòng mà nói, tài năng quân sự của Cao Thuận còn cao hơn cả Lã Bố.
Bấy giờ, thuộc hạ dưới trướng Lã Bố làm loạn, dọa cho Lã Bố vội vàng chạy trốn vào doanh trại của Cao Thuận.
Cao Thuận hỏi Lã Bố ai làm loạn, Lã Bố không biết, chỉ nói có nghe thấy khẩu âm người Hà Nội, Cao Thuận sau khi phân tích mọi việc , rất nhanh chóng đã xác định được kẻ làm loạn, rồi lập tức dẫn quân đến trấn áp phản loạn. Từ đó có thể thấy được tài năng quân sự của Cao Thuận giỏi đến cỡ nào.
Cao Thuận là một nhân tài chỉ huy đẳng cấp, nhưng chỉ vì ông chọn sai người, nếu không thì ông đã có thể thể hiện tài năng của mình cuối thời Đông Hán. Chỉ tiếc là, khi Cao Thuận bị bắt, ông từ chối đầu hàng, hơn thế Cao Thuận còn dùng cách thức quyết tuyệt nhất, ông không nói lời nào, từ chối mọi giao tiếp đả thông tư tưởng, kết cục bị hành hình thảm khốc.
Tuy rằng Lã Bố đối xử với Cao Thuận không phải là quá tốt, nhưng Cao Thuận vẫn một lòng trung thành với Lã Bố, tấm lòng trung nghĩa của Cao Thuận cũng đã đủ khiến người khác phải cảm động.
3. Bàng Đức
Bàng Đức vốn là mãnh tướng dưới trướng của Mã Siêu, bởi vì Mã Siêu đầu quân cho Lưu Bị, để lại Bàng Đức lưu lại dưới trướng Trương Lỗ ở Hán Trung, phải chịu hết mọi sự khinh bỉ, nên ngay khi Tào Tháo ngỏ lời chiêu mộ ông, Bàng Đức đã vô cùng biết ơn Tào Tháo.
Trong trận Tương Phàn, vì để đánh tan nghi kỵ ngờ vực của mọi người với bản thân, Bàng Đức đã tự nguyện tiên phong ra trận, đi tấn công Quan Vũ, thể hiện chí hướng của bản thân.
Khi thất quân của Vu Cấm bị đánh bại, ngay cả chủ tướng là Vu Cấm cũng đã đầu hàng, nhưng Bàng Đức lại quyết không hàng, lấy cái chết để chứng minh chí hướng của mình, điều đó đã thể hiện được lòng trung nghĩa của Bàng Đức với Tào Tháo, khiến Tào Tháo vô cùng xúc động.
Lời kết
Mặc dù có nhiều người nói về trung nghĩa, nhưng trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”, chỉ có 5 người Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Nhiệm, Cao Thuận cùng Bàng Đức mới là những vị tướng quân trung nghĩa thực sự, ngoài họ ra, những người khác cũng chỉ tầm thường.
Khi đối diện với cám dỗ mê hoặc, họ không hề dao động, khi đối diện với cái chết, cũng không hề sợ hãi chút nào, một lòng trung thành hướng về chủ công, người như vậy, mới thật sự là người trung nghĩa.