Từ trăm năm trước, Osho – vị thiền sư, triết gia cá tính bậc nhất trong lịch sử – đã có những diễn giải về tình yêu khiến thế giới… sốc nặng. Ấy thế mà ngày nay, người trẻ lại phải gật gù tán đồng với những gì ông phát biểu.
1, Người đàn ông mà bạn ngủ cùng tối qua, vào sáng ngày hôm sau, anh ta không còn là người đó nữa
Khi ta bắt đầu đem lòng yêu một người, mọi thứ thật mới mẻ và kỳ diệu. Nhưng dần theo thời gian, mọi thứ trở thành thói quen hàng ngày và tình yêu sa vào buồn chán.
“Cuộc hôn nhân gần như kết thúc vào thời điểm tuần trăng mật kết thúc, sau đó bạn cứ tiếp tục giả vờ”, Osho bông đùa, “Nhưng đằng sau những hành động giả vờ này là một sự buồn chán ghê gớm”.
Làm sao để không còn buồn chán khi yêu? “Hãy nhận biết hơn”, Osho nói, “Nếu trở nên nhận biết hơn, bạn sẽ có thể nhận thấy rằng mỗi khoảnh khắc đều mới mẻ. Người đàn ông mà bạn đã ngủ cùng tối qua, hãy nhìn lại khuôn mặt của người đó vào sáng hôm sau. Anh ấy không còn là người đó nữa, quá nhiều điều đã xảy ra”.
Khi đó, người ta yêu trở thành một bí ẩn vô tận, tình yêu trở thành “một cuộc phiêu lưu không ngừng”.
“Hãy luôn là tuần trăng mật. Hãy không ngừng tìm kiếm, khám phá nhau, tìm kiếm những cách yêu mới, tìm kiếm những con đường để ở bên nhau. Và mỗi người đều là một bí ẩn vô tận mà bạn không bao giờ có thể nói rằng: Tôi đã biết rõ cô ấy, hay Tôi đã biết anh ấy”.
2. Không cần phải kết hôn và không cần phải ly hôn
Theo Osho, con người thường đề cao các mối quan hệ bởi vì “kết nối là không đảm bảo, còn mối quan hệ là đảm bảo”. Việc neo bám vào mối quan hệ, như vợ chồng, người yêu… cho ta cảm giác an toàn.
Tuy vậy, đây cũng là lý do người ta bắt đầu xem nhau như một điều hiển nhiên – điều hủy hoại tất cả cuộc tình. Osho nói rằng, ta có thể sống với người mình yêu thương mà không cần đến hôn nhân.
“Nếu hai người có thể yêu nhau và sống trọn đời bên nhau, không ai có thể chia rẽ được. Nhưng không cần phải kết hôn và không cần ly hôn“, ông nói.
3. Khi yêu, bạn yêu hết lòng; Khi ghét, hãy cứ ghét cay ghét đắng
Nếu một ngày, bạn nhận ra mình đang ghét cay ghét đắng một phẩm chất nào đó nơi người mình yêu, đừng vội kết luận rằng bạn không còn yêu họ nữa.
Triết gia Osho nói rằng, ghét không phải là một cực đối lập với yêu, mà ngược lại, “ghét bổ sung cho yêu”. Điều này tương tự như nghỉ ngơi không phải đối lập với làm việc, mà bổ trợ cho công việc; hay như ngày không chống lại đêm mà bổ trợ cho đêm,
“Bạn yêu vào buổi sáng, bạn ghét vào buổi chiều. Khi yêu, bạn yêu hết lòng; khi ghét, bạn cứ thật sự ghét, cứ ghét cay ghét đắng”, Osho viết, “Sự căm ghét không thể hủy hoại tình yêu; đêm không thể hủy hoại ngày, và bóng tối không thể giết chết ánh sáng. Không thể nào, chúng vẫn tồn tại”.
4. Thật ổn khi mọi thứ không hòa hợp
“Chúng ta bị gieo vào đầu ý nghĩ từ thời thơ ấu rằng giữa chồng và vợ luôn có sự hòa hợp, mọi thứ luôn ăn khớp với nhau. Toàn bộ hệ tư tưởng đó chính là vấn đề”, Osho nói trong “Yêu” (Being in love).
Sự hòa hợp không phải là điều quá quan trọng, “nó thậm chí nhàm chán”, theo Osho. Những người yêu nhau, cho dù đôi lúc cãi nhau hay nóng giận với nhau, điều đó không có nghĩa là tình yêu không còn nữa. Mà điều đó có nghĩa là tình yêu có khả năng đón nhận cả những bất đồng, tranh cãi, vượt qua tất cả những rào cản này.
Khi đó, việc cùng chung sống là một quá trình học hỏi tuyệt vời: Học cách tha thứ, giảng hòa, thấu hiểu người kia. “Thật ổn khi mọi thứ không hòa hợp. Thật ổn khi luôn có khoảng cách để bạn luôn có điều gì đó khám phá, điều gì đó để vượt qua, và để nỗ lực kết nối khoảng cách đó”, Osho ghi.
5. Đừng ngại cho người yêu nhận ra bạn thay đổi
Những người yêu nhau thường có một giao ước chung thầm lặng, rằng mỗi người sẽ luôn hành xử theo một cách nào đó. “Người chồng về nhà, buộc mình vào một vai diễn nào đó”, Osho bình luận, “Vào thời điểm bước chân về nhà, anh ta không còn là một người sống động, anh ta chỉ là một người chồng”.
Trên thực tế, chúng ta không ngừng thay đổi qua từng giai đoạn của đời người. Vì vậy, để tình yêu lâu bền, những người yêu nhau cần có một tâm thế mới: Đừng bao giờ ngần ngại cho người mình yêu nhìn thấy sự tươi mới không ngừng của mình.
Khi một người bộc lộ sự thay đổi, rắc rối sẽ xảy ra vì cả hai cần làm quen với điều mới. Nhưng rắc rối đó là dấu hiệu của một tình yêu chân thật, rằng cả hai đang sống thành thật với chính mình và với người còn lại.
6. Tình yêu nên được xem là một “thú vui xa xỉ” thay vì một nhu cầu
Trong những bài giảng về tình yêu, Osho thường nhắc đến một “đỉnh cao của tình yêu”. Trong tình cảm đó, những người yêu nhau không phụ thuộc, không sở hữu, không đòi hỏi, không chi phối và cũng không bị chi phối.
Một khi không có bất cứ kỳ vọng nào, lẽ dĩ nhiên, không có ghen tuông, xung đột hay sự thất vọng.
Osho liên tưởng: “Một con chim bay đến đậu ở cửa nhà bạn và hót, con chim đó không đòi bạn cấp giấy chứng nhận hay khen ngợi nó. Nó ríu rít rồi hạnh phúc bay đi, không để lại dấu vết nào. Đó là cách tình yêu phát triển”.
Làm sao để đạt đến điều này? Theo Osho, tình yêu vô điều kiện chỉ có thể đến từ những người sống quá hạnh phúc và trọn vẹn với chính bản thân mình, “vì quá tràn đầy nên mới cho đi”. Họ biết rằng nếu người yêu họ bỏ đi, họ vẫn sẽ hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của họ không thể bị tước đoạt bởi vì nó chưa từng được vay mượn từ bất cứ ai.
7. Cuối cùng, một tình yêu thật sự cũng sẽ thay đổi
Cuối cùng, vào khoảnh khắc ta nhận ra tình yêu đã trôi qua, rằng nó không còn hiện hữu nữa, ta có thể làm gì? Osho cho rằng, thật xấu xa nếu ta đánh lừa người từng yêu bằng cách tiếp tục “kéo lê” tình yêu đó.
“Nếu tình yêu vẫn còn suốt cuộc đời bạn, cho đến khi bạn nằm xuống mồ, điều đó cũng tốt”, Osho nói trong “Yêu”, “Và nếu nó kéo dài chỉ trong một đêm, đến sáng hôm sau, bạn cảm thấy không còn dành cho nhau nữa, nhưng bạn đã có một đêm tuyệt đẹp bên nhau, bạn phải cảm thấy biết ơn về điều đó”.
Khi yêu, hãy sống trọn vẹn với tình yêu đó. Và khi tình yêu qua đi, hãy chào tạm biệt và hoàn toàn kết thúc với nó. “Có nhiều người lạ trên thế giới này, ai mà biết được”, Osho nói, “Tình yêu rời bỏ bạn chỉ là cách để bạn có thể tìm thấy một người lạ tốt hơn”.
“Điều bạn cần làm không phải là học cách yêu, mà là loại bỏ những cách đánh mất tình yêu”. Trong Yêu (Being in love) – bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, người được tôn vinh là một trong 1000 người kiến tạo của thế kỷ 20 – dẫn người đọc vào một hành trình tìm hiểu về “hiện tượng bí ẩn” mang tên tình yêu.
Sách của Osho đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới. Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong 1000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Mid-day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ.