Theo đơn vị này, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê tại Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đã phục hồi tốt sau giai đoạn sụt giảm nửa đầu năm 2020 do đại dịch Covid-19. Sự phong phú của các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có khả năng thúc đẩy nhu cầu văn phòng tại các thành phố trọng điểm.
Tại Tp.HCM, sau năm 2020 đầy biến động, thị trường văn phòng Tp.HCM ghi nhận mức tăng giá chào thuê trung bình ở phân khúc Hạng A và Hạng B là 2% theo năm. Động lực hồi phục đến từ việc nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Đây là một sự cải thiện đáng kể sau sự việc năm 2020 khi nhiều khách thuê trả lại mặt bằng văn phòng, chuyển sang văn phòng phân khúc thấp hơn hoặc chuyển sang thuê mặt bằng rẻ hơn ở các quận khác.
Tại Đà Nẵng, nhìn chung, công suất thuê trung bình vẫn ở mức cao và tăng hơn 6% so với quý trước. Nhu cầu thuê văn phòng tại Đà Nẵng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai do Đà Nẵng đang thu hút nhiều dự án FDI giá trị cao và ghi nhận nhiều đăng ký kinh doanh mới. Giá thuê trung bình cũng đang tăng lên, nhờ đó phân khúc hạng B đạt mức tăng trưởng nhanh nhất.
Tại Hà Nội, mặc dù thị trường văn phòng tại Hà Nội bị ảnh hưởng vào năm 2020 do đại dịch, nhưng thị trường đang tiếp tục phục hồi, được thúc đẩy bởi nhu cầu thuê cao từ các công ty trong ngành công nghệ, bao gồm FinTech, thương mại điện tử, phát triển phần mềm và trung tâm dữ liệu. Nhìn chung, giá chào thuê ở phân khúc Hạng A tăng 4,6% và phân khúc Hạng B tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi thị trường Hà Nội chủ yếu tập trung phát triển mạnh ở phía Tây thì khu Đông sông Hồng bắt đầu trỗi dậy.
Theo Colliers Việt Nam, văn phòng cho thuê không có khả năng bị đe dọa bởi các mô hình làm việc thay thế trong tương lai gần. So với các nước láng giềng, Việt Nam có khoảng thời gian giãn ách xã hội tương đối ngắn và hầu hết các công ty vẫn tương tác trực tiếp trong suốt phần lớn năm 2020.
Không gian làm việc chung ở Việt Nam có khả năng tiếp tục đi lên cùng với các không gian văn phòng truyền thống. Với điều kiện thuê linh hoạt và chi phí thấp, loại hình này có thể phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng từ cá nhân đến doanh nghiệp và đặc biệt hấp dẫn đối với thế hệ trẻ và số lượng công ty khởi nghiệp đang phát triển tại Việt Nam.
Mặt khác, đại dịch làm rõ hơn sự xuất hiện của một phân khúc ngách thuộc văn phòng truyền thống là văn phòng ảo. Các nhà cung cấp văn phòng ảo giúp người thuê đăng ký một địa chỉ chính thức trong tòa nhà của họ và cung cấp các dịch vụ như nhận thư. Đại dịch Covid-19 cũng cho mọi người thấy khả năng làm việc tại nhà hoặc làm việc từ xa. Hơn nữa, trong môi trường kinh doanh hiện nay, nhiều thế hệ Y rất có tinh thần kinh doanh và mở công ty của riêng họ. Các doanh nghiệp mới này chỉ cần đăng ký một địa chỉ chính thức trong một tòa nhà văn phòng và làm việc ở bất cứ đâu họ muốn, có thể là tại nhà hoặc tại các quán cà phê. Điều này tạo cơ hội cho các tòa nhà văn phòng hoạt động không tốt có thể cải thiện hiệu quả hoạt động của mình. Với chi phí biên của việc cung cấp dịch vụ cho một người thuê văn phòng ảo là không đáng kể, điều này càng tạo ra tiềm năng tăng giá cho các tòa nhà văn phòng.
Theo Nhịp sống kinh tế