Út Huy – Từ cậu bé 14 tuổi đi cày thuê thành “Vua chuối”: Hơn 20 lần khởi nghiệp với đủ cây trồng vật nuôi, không đếm hết số lần thất bại

photo1617761024820 16177610249642021923305

Ông Võ Quan Huy có lẽ là doanh nhân sở hữu nhiều “nickname” nhất Việt Nam, như Út Huy, Huy Long An, Huy chuối, Huy ớt, Huy tôm, Huy bò, Huy mía hay tỷ phú nông dân, “vua” chuối… Mỗi biệt danh lại gắn với một loại cây ông trồng.

Nhưng “Tôi chỉ thích chữ Út Huy thôi. Tôi xác định từ thời còn cày ruộng làm thuê là cuộc đời mình luôn gắn với nông nghiệp, nông thôn mà nông thôn thì gọi là Út nghe thân thiện lắm”, ông Huy bày tỏ.

“KHỔ QUÁ RỒI THÌ PHẢI TÌM CÁCH THOÁT NGHÈO THÔI”

Ông Võ Quan Huy sinh năm 1955 tại ấp Thuận Hòa, xã Hiệp Hòa, Đức Hòa, Long An. Ông Huy là con út trong một gia đình có 8 anh chị em. Khi mới 14 tuổi, cậu bé đã phải gánh trên vai trách nhiệm trụ cột trong gia đình, sau khi ba hy sinh ở chiến khu. Hai người anh trai cũng đi bộ đội, trong nhà chị còn mẹ và 5 chị em gái. Khi ấy, Út Huy vẫn còn là một cậu bé gầy gò, mái tóc và làn da cháy nắng, tay ôm vô lăng chiếc máy cày Massey Ferguson đi cày thuê khắp làng.

Năm 1978, ông quyết định rời xa quê hương, đi đến Tây Ninh để khai hoang, lập nghiệp bằng cây mía. Thế nhưng, thành công chưa đến thì 10ha mía đã bị trận lụt lịch sử nhấn chìm, đánh dấu lần khởi nghiệp thất bại đầu tiên của chàng nông dân trẻ. Út Huy tay trắng, còng lưng đi làm thuê trả nợ.

“Ngày đó nào đâu có khái niệm startup như bây giờ, chỉ nghĩ là khổ quá rồi thì phải tìm cách thoát nghèo thôi”, ông nhớ lại.

Út Huy - Từ cậu bé 14 tuổi đi cày thuê thành Vua chuối: Hơn 20 lần khởi nghiệp với đủ cây trồng vật nuôi, không đếm hết số lần thất bại - Ảnh 1.

 Hai năm sau, anh nông dân “cứng đầu” lên Bình Dương, lại trồng mía trên diện tích hàng trăm ha. Dù không có trận lụt nào xảy ra nhưng do chưa nắm được kỹ thuật canh tác và thổ nhưỡng xứ này nên chỉ có 20% lượng mía trồng nảy mầm. Anh nông dân Út Huy lại nợ.

Đây là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất. Tiền mua gạo cũng không có, phải mua thiếu, ăn trước trả sau. 6 năm sau mới trả xong nợ nhà máy”, ông Huy từng kể lại.

Sau khi tình hình ở Bình Dương và Tây Ninh đã ổn định, ông Huy trở về quê hương Long An, thuê 240ha để “mần ăn lớn”. Nơi này vốn được mệnh danh là vùng đất “chết”, không trồng nổi cây gì ngoài đước và tràm. Nhưng “ăn lớn” đâu chưa thấy, ngay vụ đầu tiên, mía chết sạch vì đất phèn. Suốt một thập niên khởi nghiệp, Út Huy cứ đi từ thất bại này đến thất bại khác.

“Khi ở Bình Dương đã phát triển ổn định, tôi về Tây Ninh làm lại thêm một lần nữa, thành công rồi lại đến tiếp vùng đất Long An. Lúc đó cũng có của ăn của để rồi, nên chiến đấu trên vùng đất phèn của quê hương, nhưng không dễ dàng tí nào.

Đến năm 2000, gần như tôi thấy đuối sức rồi, muốn bỏ. Nhưng khi ấy có người bạn, ông ấy thấy tôi làm cực quá nên động viên nhiều lắm, ông ấy nói ‘Anh Huy cứ làm đi, tôi sẽ là người đứng sau lưng để khoanh nợ lại, tiếp tục đầu tư cho anh phát triển’. Cũng nhờ lời động viên đó mà tôi có động lực tìm kiếm thêm những cây con khác”, tỷ phú nông dân kể lại trong một talkshow của VnExpress.

Nhiều người nhận xét, ông Huy dù thất bại vô số lần, nhưng lại có nguồn “vốn liếng” mà ít ai có, đó là sự quyết tâm lớn, sự ủng hộ của những người dám “sống chết” dám theo ông và gia đình, đặc biệt là người vợ. Không phụ lòng kiên trì và tinh thần học hỏi, ông Huy sau đó cũng đã nắm được kỹ thuật, đưa cây mía phát triển ổn định.

Đến khoảng năm 2000-2003, thấy cây mía mất dần thế đứng bởi đường ngoại nhập về ồ ạt, chưa kể đường lậu, Út Huy quyết định “dứt tình” với cây mía, sau đó chuyển sang trồng ớt, xoài, dưa hấu, nuôi bò, nuôi bò… Tổng cộng người nông dân này từng trải qua hơn 20 lần thay đổi cây trồng vật nuôi, và cứ mỗi lần trồng thêm một cây, nuôi thêm một con giống mới là một lần khởi nghiệp, một biệt danh mới của ông lại ra đời.

Út Huy từng bày tỏ: “Làm nông nghiệp dường như đã ăn vào máu tôi rồi. Tình yêu với nông sản bắt đầu từ lâu lắm, bắt đầu từ khi tôi mới đôi mươi rồi, đến nay đã gần năm chục năm rồi. Quá trình đó cũng có những bước đi thất bại và thành công nhưng tôi nghĩ mình cần say mê và ý chí sắt đá”.

Út Huy - Từ cậu bé 14 tuổi đi cày thuê thành Vua chuối: Hơn 20 lần khởi nghiệp với đủ cây trồng vật nuôi, không đếm hết số lần thất bại - Ảnh 2.

“TÔI BỊ ÁM ẢNH BỞI MÙI THƠM CỦA CHUỐI, TIẾNG GIÓ TRONG VƯỜN CHUỐI CŨNG RẤT HAY”

Thực chất, mãi đến khoảng năm 2014, khi hiệp định TPP được bàn thảo, Út Huy mới bén duyên với cây chuối.

Trong một lần sang Philippines, ông Huy nhận thấy đây là quốc gia xuất khẩu chuối lớn thứ hai thế giới và có nhiều điểm tương đồng với khí hậu của Việt Nam. Đến năm 2014, nhận thấy cơ hội, ông trở lại Philippines để học hỏi kinh nghiệm.

Út Huy bỏ ra 3 ngày để gặp nông dân trồng chuối, rồi mời chuyên gia nổi tiếng của Philippines về loại cây này tư vấn cho mình. Và không lâu sau, thương hiệu chuối Fohla đã ra đời. Trong đó, từ Fohla viết tắt của Fruits of Huy Long An hoặc Food of Huy Long An.

Ngay từ đầu, ông Huy đã chọn cho quả chuối con đường xuất ngoại, mà còn là sang nước Nhật – nơi mọi tiêu chuẩn, quy trình, yêu cầu đều ở mức khắt khe bậc nhất. Xứ sở mặt trời mọc cũng là quốc gia tiêu thụ đến 1,2 triệu tấn chuỗi mỗi năm nhưng lại không trồng loại trái cây này. Để xuất khẩu sang Nhật Bản, quả chuối phải đáp ứng hơn 200 tiêu chí, từ đất, nước, phân bón, quy trình trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chất lượng,…

“Tôi bị ám ảnh bởi mùi thơm của vỏ chuối, lá chuối hay độ dẻo của chuối chín, thậm chí tiếng gió trong vườn chuối cũng rất hay”, ông Huy kể với lòng say mê.

Út Huy - Từ cậu bé 14 tuổi đi cày thuê thành Vua chuối: Hơn 20 lần khởi nghiệp với đủ cây trồng vật nuôi, không đếm hết số lần thất bại - Ảnh 3.

Những khu vườn hàng trăm ha tại Long An và Tây Ninh rộng bao la, có hệ thống ròng rọc tự động để chuyển trái cây về kho – còn được gọi vui là “chuối bay trên trời”, rồi hệ thống tưới tiêu hiện đại và nhà kho để đảm bảo thành phẩm không chỉ đạt chất lượng tốt mà còn đẹp mắt.

Năm 2016, vụ chuối đầu tiên của Fohla đạt sản lượng khoảng 4.000 tấn và đã chinh phục thị trường Nhật Bản. 15 tấn chuối đã chính thức được bày bán tại siêu thị Don Kihote. Sau đó, ông Út Huy tiếp tục chinh phục thành công thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia.

Đằng sau thành công đó là quá trình giao thương nhiều khó khăn, kinh nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ với Nhật Bản. Đàm phán với đối tác này không phải một lần mà phải 5-7 lần mới được. Có một lần container chuối bị khách hàng phản ánh về chất lượng.

Buổi sáng khi nhận hàng họ khui 20 thùng ra kiểm tra thì phát hiện 1 thùng có vỏ chuối bị nám đen. Họ liền phản hồi bằng hình ảnh cho mình. Tôi cho công ty họp gấp để tìm nguyên nhân thì phát hiện khi thu hoạch, công nhân kéo hàng vào sót nên buồng chuối này bị phơi nắng dẫn đến hiện tượng trên. Tôi liền nhờ họ kiểm tra kỹ và giữ lại lô hàng, tôi sẽ bay sang để làm việc trực tiếp với họ. Khi ấy tôi có sẵn visa nên mua vé và bay qua Nhật gặp họ ngay trong vòng 24 giờ dù khi đó họ cập nhật là không phát hiện thêm thùng hàng nào bị lỗi. Khi tôi đến sân bay, họ đón tôi với thái độ rất trọng thị. Vì vậy, chuyến đi Nhật đột xuất dù tốn kém nhưng không hề lãng phí vì để chứng minh mình chịu trách nhiệm với sản phẩm và khiến đối tác tôn trọng, tin tưởng” – ông Huy kể.

Hơn 200 ha đất trồng với tổng mức đầu tư lên đến 100 tỷ đồng, những vườn chuối được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ của ông Huy đã mang lại doanh thu đáng kể. Năm 2018 doanh thu đạt 6 triệu USD. Năm 2019, sản lượng chuối của Fohla đã đạt 10.000 tấn/năm, xuất khẩu chiếm 95%. Còn Út Huy, từ cậu bé cầm vô lăng đi cày thuê ngày nào nay đã trở thành “vua chuối”, được người đời ca ngợi là “siêu tỷ phú nông dân”.

Hiện ông Huy có hơn 1.300 ha đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh phía Nam. Trong đó, gần 1.000 ha là đất chuyên canh tôm, nuôi vỗ béo hơn 30.000 con bò Úc, trồng trà, cao su, bưởi da xanh. Những nơi này đều có thể đi tham quan bằng… xe hơi, các trang trại đều tuân thủ nguyên tắc do ông đặt ra: Xây dựng khoa học, đường sá khô ráo và vuông vức như bàn cờ.

Các mặt hàng có mặt trong hầu hết siêu thị tên tuổi như BigC, Satra Food, Bách hóa Xanh, Family Mart…

“CÒN SỨC THÌ VẪN LÀM”

Hai con trai của ông Huy là Võ Quang Thuận và Võ Quang Hòa hiện đang cùng cha gánh vác cơ nghiệp. Cả ba cha con vẫn làm việc 12-16h mỗi ngày, mọi quyền hạn đều được tôn trọng như nhau. Ông dí dỏm: “Chắc là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Hồi còn nhỏ, chúng vẫn theo tôi ra rẫy, lên ruộng thường xuyên, có lẽ vì thế chúng hiểu và giá trị thực sự của nghề này”.

Trong talkshow Nguy – Cơ, “vua chuối” Võ Quan Huy nhắn nhủ các bạn trẻ, đặc biệt là những người muốn theo đuổi nghề nông: “Tôi thấy, qua truyền thông, hình như các bạn chưa lường hết được những khó khăn trong nông nghiệp. Ví dụ, làm nông nghiệp, các bạn cứ chăm chăm muốn thương hiệu của mình phải được bán trong siêu thị, nhưng như vậy thì không đáng bao nhiêu, không đi xa được.

Thứ hai, phải chuẩn bị những khó khăn, nó không phải hình vẽ hay bài toán có sẵn. Phải học hỏi, tiếp cận nhiều hơn với người đi trước để trau dồi kinh nghiệm. Trong người luôn luôn phải có 36 kế để ứng phó với khó khăn”.

Vị nông dân đã bước qua qua tuổi 65, hiện vẫn chưa có ý định ngưng khởi nghiệp và đang ấp ủ một dự án mới. Ông có dự định xây dựng hệ sinh thái du lịch nông nghiệp, dựa vào chính những nông trại sẵn có của Fohla. Dự án hiện mới đang trong giai đoạn tìm nhà đầu tư, đối tác.

“Lúc đầu tôi định nghỉ hưu năm 2015 nhưng giờ vẫn đang cố gắng làm việc tốt để “xin” các con gia hạn thời gian làm việc. Còn sức thì vẫn làm”, “vua chuối” Võ Quan Huy bộc bạch.

Út Huy - Từ cậu bé 14 tuổi đi cày thuê thành Vua chuối: Hơn 20 lần khởi nghiệp với đủ cây trồng vật nuôi, không đếm hết số lần thất bại - Ảnh 4.

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *