Từng có lúc phải bỏ gốm để xoay đủ nghề mưu sinh, từ làm kem đánh răng, nấu rượu tới trồng đu đủ

photo1617423187026 16174231882112064287708

Trong một lần trả lời phỏng vấn cách đây không lâu, nhà sáng lập thương hiệu gốm sứ lớn nhất Việt Nam Lý Ngọc Minh từng nói: “Có một câu mà cho đến giờ này tôi vẫn giữ hoài, đó là ‘ngay cả khi bạn không còn cách nào khác nữa thì bạn vẫn có cách’. Tức là không thể nào không có cách được. Nếu mà không có cách thì thế giới không bao giờ có tiến bộ“.

Những lời này được ông Minh chia sẻ về quyết định đi con đường không ai đi, đưa Minh Long bước vào cuộc “thoát xác” kéo dài 15 năm với công nghệ nung một lần. Nhưng đây cũng là thái độ và niềm tin mãnh liệt giúp ông Minh dựng nên Minh Long từ những ngày đầu tiên.

“TÔI THẤY KHÔNG CÓ VIỆC GÌ LÀ KHÓ HẾT”

Ông Lý Ngọc Minh sinh tại Sông Bé (Bình Dương ngày nay) vốn là cái nôi của gốm sứ miền Nam. Mặc dù mồ côi cha từ nhỏ nhưng hình ảnh người cha miệt mài lọc men, tỉ mẩn chắt từng giọt men ám ảnh và khơi nguồn tình yêu của ông với gốm sứ. Năm 12 tuổi, Lý Ngọc Minh được cha dượng dẫn đến một buổi triển lãm gốm sứ của một người bạn. Lần đầu tiên ông được nhìn thấy những sản phẩm tinh xảo, khác hẳn đồ gốm sứ đơn giản, thô sơ vẫn thấy hàng ngày và khiến đam mê làm được những thứ tương tự bùng cháy trong ông.

18 tuổi, ông Minh cùng người bạn ít hơn 2 tuổi là Dương Văn Long bắt đầu khởi sự nghề gốm. Cũng bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Minh nghỉ học từ năm lớp 4 nên tất cả những điều về gốm, men, màu đều do hai người bạn tự mày mò, nghiên cứu. Sau 2 năm nghiên cứu, hai nhà sáng lập đã tìm ra được màu men mới sáng bóng hơn hẳn màu men thường gặp nhưng gặp trở ngại về sản xuất khi không có máy móc, nhà xưởng.

Năm 1970, sau khi người bạn hết nghĩa vụ quân sự, ông Minh cầm 2 lượng vàng dành dụm của mẹ cho để lập công ty lấy tên của hai người. Hai lượng vàng này là cả gia tài với gia đình ông Minh khi nhà vừa trải qua trận cháy lớn, chỉ có xó nhà vừa là chỗ ngủ cho 5 mẹ con vừa là nhà kho để chén.

Theo lời mô tả sau này của nhà sáng lập, công ty Minh Long lúc đó “thầy, thợ, chủ, tớ chỉ có hai người”. Ông Minh và ông Long mặc dù có hiểu biết về men nhưng để làm đồ mỹ nghệ họ phải học từ đầu, từ ghép khuôn cho tới tiện phôi.

Sau khi đất nước giải phóng, việc sản xuất kinh doanh gốm có phần gián đoạn, ông Minh chuyển sang làm nhiều nghề để mưu sinh như sản xuất kem đánh răng, làm tương, nấu rượu cho đến nông nghiệp. Vốn là người đam mê nghiên cứu, ông Minh đưa giống đu đủ của Đài Loan về trồng tại Bình Dương, cho quả sát đất, thơm ngon, ruột đặc hơn hẳn giống truyền thống. “Tôi trồng và bán đu đủ mà dư tiền mua vàng”, ông Minh từng kể lại. Thế nhưng niềm đam mê với gốm sứ thôi thúc ông quay về với nghề cũ vào những năm 1980.

Chuyện khởi nghiệp của vua gốm sứ Minh Long: Từng có lúc phải bỏ gốm để xoay đủ nghề mưu sinh, từ làm kem đánh răng, nấu rượu tới trồng đu đủ - Ảnh 1.

Đến năm 1990, Minh Long là một trong những doanh nghiệp dân doanh nhận được giấy phép xuất khẩu đầu tiên và liên tiếp 5 năm sau tỷ trọng hàng xuất khẩu chiếm tới 98% sản lượng. Đến năm 1994 Minh Long chuyển sang tập trung vào thị trường nội địa. Sau này Minh Long tách thành Minh Long 1 và Minh Long 2, ông Dương Văn Long đi theo hướng sứ công nghiệp. Hiện Minh Long 1 có 4 nhóm sản phẩm chính gồm: Ly’s Horeca, Sứ hoa văn, Sứ trắng và Quà tặng.

Vượt lên khó khăn với người trẻ bình thường cũng đã cần nhiều nghị lực. Với một đứa trẻ mồ côi, lớn lên trong thời chiến tranh nghèo khó, không có điều kiện đến trường lại càng khó khăn hơn. Nhưng cũng vì hoàn cảnh đó nên mình phải luôn luôn phấn đấu, vượt lên cho kịp người ta.

Luôn tâm niệm như vậy nên tôi thấy không có việc gì là khó hết, hoàn cảnh đã tôi luyện cho mình bản lĩnh và kiên nhẫn hơn. Tôi cũng đã bén duyên với các đầu sách học làm người, đọc nhiều để học, để có vốn sống tốt hơn”, ông Minh ngẫm lại tuổi trẻ gian lao của mình.

“CHÚNG TA KHÔNG THUA KÉM BẤT CỨ CƯỜNG QUỐC NÀO TRÊN THẾ GIỚI VỀ ĐỒ SỨ”

Để có được Minh Long lớn mạnh như hôm nay, có nhiều yếu tố khiến công ty này thành công nhưng có 3 điều quan trọng nhất theo chính nhà sáng lập Lý Minh Long chia sẻ gồm: Đơn giản – an toàn, an toàn hai lần (thậm chí 3 lần) và quan trọng nhất là Làm cho bằng được.

Yếu tố đơn giản – an toàn của Minh Long thể hiện trong việc ông Minh đầu tư mạnh cho công nghệ hiện đại để nung sản phẩm kết hợp cùng việc sử dụng màu men, họa tiết đậm bản sắc văn hóa Việt như tà áo dài, cây đa, bến nước, hình ảnh làng quê… Ngay từ năm 1994-1995 ông Minh đã lựa chọn công nghệ nung của Đức và sản phẩm của Minh Long lọt qua vòng kiểm tra của đối tác lớn khiến họ đồng ý bán lò nung cho công ty.

Trong khi các sản phẩm gốm sứ châu Á thường chỉ nung được ở nhiệt độ từ 1.250-1.320 độ C thì gốm sứ Minh Long đạt mức 1.380 độ C, điều này khiến lớp men có độ cứng chắc, độ bóng cao, ít bám bụi và không chứa chất độc hại, đồng thời tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm.

Yếu tố quyết làm bằng được thể hiện rõ nhất qua việc ông Minh và Minh Long chinh phục công nghệ nung một lần. Theo đó, nhiều hãng đã mất 8 tới 10 năm trời mà cuối cùng cũng bỏ cuộc. Chỉ có Minh Long kiên trì đến nay hơn 15 năm mới tạm gọi thành công, nhưng còn phải tiếp tục hoàn thiện.

Mặc dù không được học hành bài bản nhưng bù lại ông miệt mài tự học, nghiên cứu từ chính nhu cầu thực tế để tạo ra những sản phẩm tinh tế. Tinh thần tự học này cũng được truyền rộng khắp cả công ty. Ông Minh ví nhà máy của mình là trường đại học, vì nơi đây toàn những người xuất phát không hiểu biết gì về công nghệ gốm sứ, cũng không qua trường lớp đào tạo chính quy về nghề này.

Việc đưa công nghệ đốt một lần lửa vào sản xuất đã mang lại hiệu quả trông thấy. Ông Minh cho biết, ở bộ phận sản xuất đồ sứ chén đĩa có 1.500 người lao động, làm theo công nghệ cũ chỉ đạt 50.000 – 60.000 sản phẩm/ngày, thì nay với công nghệ mới đã sản xuất được gấp đôi (100.000 – 120.000 sản phẩm/ngày) cùng số nhân công như nhau. Thời gian của chu kỳ sản xuất chỉ còn 1/5 so với trước, nghĩa là từ 15 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm như độ trắng, mỏng, cứng, bóng… đều bằng hoặc hơn so với khi nung hai lần.

“Vì đã nghiên cứu thành công đột phá công nghệ, góp phần đưa vị thế kỹ thuật ngành gốm sứ Việt Nam lên hàng đầu thế giới, và ngày nay chúng ta có thể ngẩng cao đầu khẳng định: Riêng lĩnh vực đồ sứ theo tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, sản xuất theo công nghệ hiện đại, chúng ta không thua kém bất cứ cường quốc nào trên thế giới”, ông Lý Ngọc Minh bày tỏ niềm tự hào.

Ông Minh không phải là người duy nhất trong gia đình theo đuổi nghiệp gốm sứ. Những người em của ông cùng con cái cũng theo đuổi nghiệp kinh doanh của dòng tộc. Em kế ông là Lý Ngọc Bạch thành công khi chuyển sang sản xuất gốm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của đối tác Nhật Bản và IKEA, em gái cùng mẹ khác cha Phùng Thị Vạn chuyên cung cấp nguyên liệu cho ngành gốm sứ. Bốn người con của ông là Lý Huy Sáng, Lý Huy Đạt, Lý Khả Trân, Lý Huy Bửu đều tham gia vào các hoạt động điều hành của Minh Long 1.

THẾ HỆ KẾ CẬN: “NGAY LÚC DU HỌC ĐÃ XÁC ĐỊNH LÀ TRỞ VỀ”

Giống cha mình, từ khi mới 9-10 tuổi, Lý Huy Sáng (con trai cả của ông Lý Ngọc Minh) đã quen thuộc với các sản phẩm gốm sứ bởi cậu thường xuyên vào xưởng của gia đình để chơi. “Lúc đó cũng chẳng có nhiều trò để chơi và vào xưởng của ba để nghịch là thích nhất”, Sáng nói về những kỷ niệm gốm sứ đầu tiên của mình.

Tuy nhiên có một điểm khác biệt lớn là Lý Huy Sáng có điều kiện học hành hơn so với cha. Anh sớm được tiếp cận với máy vi tính và được sở hữu và dùng máy vi tính từ khi học cấp 2, lúc thiết bị này còn rất xa xỉ ở Việt Nam.

Khi được đi du học ở Canada, cậu con trưởng nhà Minh Long ghi danh học ngành công nghệ thông tin sau khi đọc rất nhiều bài báo về khả năng kỳ diệu của máy tính. Dự định của Sáng khi ấy cũng sẽ rẽ sang ngành CNTT, chứ không theo nghề truyền thống.

Thế nhưng, sau khi được ba mẹ khuyên nhủ, Sáng quyết định chuyển sang ngành quản trị kinh doanh để về nối nghiệp gia đình.

Lý Huy Sáng – nay là Phó Tổng giám đốc Minh Long 1 chia sẻ: “Lúc đó, ba mẹ có nói là công việc gia đình không liên quan gì đến vi tính cả. Mà ba mẹ cho đi học là muốn mình về phụ giúp công việc của gia đình. Thêm nữa, Việt Nam khi ấy chưa phát triển về CNTT nên có học xong cũng ở lại Canada và làm thuê cho người ta thôi. Trong khi ngay lúc đi học mình đã xác định là trở về rồi”.

“Tôi không chỉ tự hào mà luôn luôn biết ơn ba tôi vì ông đã vượt qua tất cả nghịch cảnh để đeo đuổi niềm đam mê gốm sứ. Một niềm đam mê nhiều khi là bất vụ lợi của cả đời ông…“, Sáng từng bày tỏ lòng cảm kích với cha mình.

Chuyện khởi nghiệp của vua gốm sứ Minh Long: Từng có lúc phải bỏ gốm để xoay đủ nghề mưu sinh, từ làm kem đánh răng, nấu rượu tới trồng đu đủ - Ảnh 2.

Việc bỏ ghi danh học ngành CNTT không cản được đam mê công nghệ của Lý Huy Sáng. Khi học đại học, Sáng vẫn miệt mài đọc thêm các sách về vi tính, tự học lập trình, mày mò các thiết bị mới… để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Anh cũng chẳng nghĩ rằng đam mê đó sau này lại giúp cho công ty gia đình mình có bước phát triển nhảy vọt.

Trở về nước, Sáng lại quay về xưởng gốm của cha mình làm công nhân. Theo giải thích của Lý Huy Sáng, việc học từ đầu ở xưởng để hiểu được công việc phục vụ cho điều hành sau này.

Lý Huy Sáng mất tới gần 7 năm, trải qua hầu hết các bộ phận ở Minh Long để thực hiện việc quy trình hóa tại công ty này. Trở lại xưởng gốm sứ, góc nhìn của Sáng về công việc rất khác xưa. Dù nhận thấy nhiều thay đổi, anh đồng thời phát hiện ra sự bề bộn của một công ty gốm sứ gia đình với cách làm tự phát, không có quy trình, chất lượng sản phẩm lúc đạt lúc không…

Thế nhưng, thay vì thấy khó khăn, anh lại cảm thấy phấn khích: “Ba thường nói Minh Long giống như một trường ‘học đại’, còn mình thấy giống cái phòng lab – nơi mình có thể thử nghiệm những điều học ở nước ngoài, rồi điều chỉnh nó cho phù hợp với văn hóa của Việt Nam và thực tế của Minh Long“.

Thế nhưng, việc thực hiện đúng các quy trình về sản xuất và kiểm tra đã dần đem lại kết quả rõ rệt. Chất lượng sản phẩm của Minh Long không còn trồi sụt như trước và năng suất cũng như hiệu quả tăng dần.

Bước vào giai đoạn mới, niềm đam mê công nghệ thông tin của Lý Huy Sáng năm nào đã có đất dụng võ. Tiếp theo việc quy trình hoá, anh thực hiện việc số hóa gần như toàn bộ các công đoạn của một công ty gốm sứ, từ việc nhập nguyên liệu thô, phối màu, trộn nguyên liệu, ra sản phẩm, kiểm tra chất lượng, bán hàng. Trong thiết kế, Minh Long cũng là công ty gốm sứ đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ thiết kế và in 3D…

Nếu xét về tổng thể, hiện tại, Minh Long đã chuyển mình từ một công ty gốm sứ của nghệ nhân sang một công ty gốm sứ 4.0, áp dụng nhiều công nghệ tối tân nhất trên thế giới vào sản xuất.

Cho đến nay, Minh Long vẫn là một công ty của gia đình họ Lý. Nhà sáng lập, ông Lý Ngọc Minh vẫn là Tổng giám đốc. Con trai cả Lý Huy Sáng là Phó Tổng giám đốc và 3 người con khác cũng phụ trách các công việc trong của công ty. Lý Huy Sáng tiết lộ, về tài sản, 4 anh em được chia phần đều nhau nhưng điều hành công ty thì người có sở trường ở lĩnh vực nào sẽ phụ trách mảng đó.

Minh Long là thương hiệu lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn gây tiếng vang trên thế giới. Sản phẩm Minh Long hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia. Theo chia sẻ của Lý Huy Sáng, trong những năm gần đây nhiều hãng gốm sứ nổi tiếng của Đức, Tây Ban Nha, Ý phải nhường ngôi vị được chọn trưng bày nơi tốt nhất cho Minh Long.

Ứng phó Covid-19, gốm Minh Long tập trung làm sản phẩm tốt cho sức khỏe, may Thái Bình tìm nhà cung cấp từ thị trường khác ngoài Trung Quốc

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *