“Đây (xe máy điện, PV) là xu hướng, nhưng người ta sẽ không mua xe của em đâu…
Những gì em đang làm về mặt kinh doanh, về mặt thị trường hơi sai, nhầm thời điểm, nhầm sản phẩm, anh còn chưa nói đến định giá và mọi thứ. Anh khuyên em hãy nên làm một cái gì đó khác”.
Đó là rất nhiều “gáo nước lạnh” mà Shark Bình, Chủ tịch Nexttech thẳng thắn nói với Nguyễn Bá Cảnh Sơn, nhà sáng lập Dat Bike khi anh đưa sản phẩm xe điện của mình lên gọi vốn trên sóng Shark Tank Việt Nam trong năm 2019.
Với giá bán 39,9 triệu đồng cùng thiết kế thể thao, thậm chí khác lạ so với đa phần xe máy điện trên thị trường, Dat Bike không chỉ nhận về nghi ngờ từ phía Shark Bình mà hàng hoạt người xem chương trình cũng chung suy nghĩ ấy. Họ nói Dat Bike là sản phẩm chỉ dành cho phân khúc khách hàng hẹp và cơ hội mở rộng thật đáng quan ngại.
Vậy nhưng bất chấp nghi ngại từ cộng đồng, Nguyễn Bá Cảnh Sơn vẫn kiên định với con đường của mình. Gần đây, anh còn công bố đã gọi vốn thành công 2,6 triệu USD trong vòng pre-series A, được dẫn đầu bởi quỹ Jungle Ventures, Singapore.
Mẫu mã hạn chế, giá thành cao, lại không có trạm sạc?
Quả đúng như vậy, Dat Bike dường như đi ngược lại tất cả những gì các hãng xe máy điện trên thị trường theo đuổi. Nhưng thật kỳ lạ, Cảnh Sơn tiết lộ startup của anh vẫn đang liên tục tăng trưởng.
“Dat Bike tăng trưởng 35% theo tháng từ sau khi mở của hàng ở TP HCM tháng 11 năm ngoái. Trong lịch sử của Dat Bike từ lúc thành lập công ty đến nay, Dat Bike luôn trong tình trạng sản xuất không kịp bán ra vì vốn và quy mô sản xuất bị hạn chế. Với vòng huy động vốn này, Sơn mong muốn mình có thể sản xuất bắt kịp nhu cầu thị trường”.
Thông qua khoản đầu tư 2,6 triệu USD, startup tuyên bố sẽ dùng để mở rộng thị trường, nâng cao quy mô sản xuất, giải bài toán của một sản phẩm có khả năng vận hành tốt nhưng giá thành hợp lý. Trong suy nghĩ của Sơn, mức giá 39,9 triệu đồng của Dat Bike không phải quá cao và chuyện giảm giá là một bài toàn anh hiện chưa tính tới.
“Thật ra với cùng giá thành như bây giờ thì Dat Bike đang có công suất gấp 3 lần và quãng đường đi được gấp 2 lần so với các xe điện khác. Sơn nghĩ giá thành như vậy không có quá cao, nhưng cũng tùy suy nghĩ của người dùng nhóm này, nhóm khác. Thường thì team Dat Bike sẽ hỏi là ‘Tại sao 1 xe khác trên thị trường có thể bán với giá 45-50 triệu đồng mà người ta mua nhưng xe mình làm ra thì người ta không mua, có phải tại vì xe của mình chưa tốt hay không?’ Nếu xe mình chưa tốt thì cả team sẽ tập trung làm xe tốt hơn để nó xứng đáng với giá đang được bán ra, còn chuyện giảm giá xuống là một bài toán khác mà Dat Bike chưa thể giải quyết ngay bây giờ”, nhà sáng lập cho biết.
Theo tiết lộ, Weaver, mẫu xe chủ đạo của Dat Bike, là chiếc xe máy điện đầu tiên và duy nhất tại thị trường Việt Nam có thể sánh ngang với xe máy xăng về công suất và quãng đường đi. Xe được trang bị động cơ 5000W, giúp tăng tốc từ 0 đến 50km/h chỉ trong 3 giây. Chưa kể, thời gian sạc pin được công bố là nhanh nhất so với các xe máy điện trên thị trường, dưới 3 giờ cho một lần sạc đầy.
Về câu chuyện trạm sạc hay mẫu mã hạn chế, CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn đều không xem đó là những vấn đề lớn.
“Sơn có cách nhìn hơi khác so với các nhà sản xuất trên thị trường về trạm sạc. Hiện tất cả xe điện 2 bánh ở Việt Nam thì đều có thể sạc tại nhà. Trạm sạc chỉ dành cho những người dùng ở chung cư, khi đó trạm sạc này nên được xây ở tầng hầm để xe. Cái mình đang tập trung giải quyết không phải về trạm sạc mà là thời gian sạc. Nếu hết pin, nhưng sạc lâu quá, tận mấy tiếng thì biết làm sao. Hiện tại xe của Dat Bike sạc trong vòng 3 tiếng nhưng team sẽ có những cải tiến mới giúp xe sạc trong vòng dưới 1 tiếng là có thể chạy được 100km”.
“Lý do hiện nay Dat Bike làm ra các mẫu xe cá tính vì đối tượng khách hàng đầu tiên mình hướng tới là những người sẵn sàng chịu rủi ro để trải nghiệm cái mới. Những đối tượng khách hàng này sẽ giúp Dat Bike tiếp tục cải tiến sản phẩm đến khi ra được phiên bản thực sự tốt về mặt vận hành và giá cả. Khi đó mình sẽ sẵn sàng phát triển thêm nhiều mẫu xe không những phục vụ khách hàng ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á”.
Kỳ vọng trở thành Elon Musk của Đông Nam Á trong mảng xe 2 bánh
Hơn 1 năm sau khi rời Shark Tank, Nguyễn Bá Cảnh Sơn vẫn giữ cho mình phong thái bình tĩnh, khiêm tốn và thậm chí có phần hơi rụt rè. Vậy nên tất nhiên, kỳ vọng Sơn sẽ trở thành Elon Mush của Đông Nam Á xuất phát từ phía Jungle Ventures hơn là suy nghĩ của chính bản thân anh.
“Đây là khoản đầu tư rất ngoại lệ, đầu tư rất sớm bởi chúng tôi thật sự mong muốn xây dựng Sơn trở thành hình ảnh Elon Musk của Đông Nam Á cho mảng xe hai bánh tại thị trường này.
Về cơ bản sẽ có 3 thị trường xe máy lớn trên thế giới, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á. Khi nhìn vào 2 thị trường là Trung Quốc và Ấn Độ thì ta thấy cả 2 quốc gia này đều đã có những nhà sản xuất xe máy lớn; họ không chỉ là những nhà sản xuất chủ đạo chiếm lĩnh thị trường trong nước mà họ còn đang mở rộng ra thị trường khu vực nữa. Trong khi đó ở Đông Nam Á, có thể nói đến nay chưa có một nhà sản xuất nào thật sự nổi bật”.
Jungle Ventures đánh giá điểm đặc biệt là phía Dat Bike tự chủ hoàn toàn về công nghệ phần mềm cũng như phần cứng trên xe, chứ không phải lắp ráp từ các linh kiện có sẵn giống nhiều hãng khác. Sau hơn 2 năm thành lập, Dat Bike đã tự phát triển từ những chi tiết nhỏ như khung sườn, đèn, hộp pin, yên xe,… cho đến bộ phận được coi là “linh hồn” của xe như pin, hệ thống điều khiển,… Chỉ duy có động cơ đang phải nhập từ bên ngoài và trong năm 2021 này, Dat Bike sẽ tự hoàn thiện nốt.
“Các đối thủ đơn thuần nhập xe nguyên chiếc hay nhập linh kiện về để sản xuất những xe có hiệu năng thấp hoặc không hấp dẫn với người dùng nhưng Dat Bike lại có hướng đi hoàn toàn khác. Họ phát triển xe điện, là 1 dòng xe thuận tiện, bảo vệ môi trường trong khi đó vẫn có thể cạnh tranh với xe chạy xăng về quãng đường và hiệu suất. Đó chính là lý do Jungle Ventures đầu tư vào Dat Bike”.
Còn với Sơn, Đông Nam Á là thị trường mà xe 2 bánh hiện rất phổ biến, từ chở người đến chở hàng. Thị trường xe 2 bánh tại Đông Nam Á ước tính giá hơn 26 tỷ USD và đang vào thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp gặt hái lợi nhuận từ việc phát triển xe máy điện và tự động hóa.
Dat Bike đặt mục tiêu trong vòng 12-18 tháng tới, sẽ mở rộng ra các nước có nhu cầu xe máy rất cao như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Phillipin. Xa hơn nữa, sau khoảng 2-3 năm, Dat Bike tính tới nhiều khu vực khác trên thế giới chứ không chỉ giới hạn ở Đông Nam Á.
“Chúng tôi muốn chuyển đổi 250 triệu xe máy xăng ở Đông Nam Á thành xe máy điện. Chúng tôi tin rằng khi có lựa chọn thì người tiêu dùng sẽ chọn xe chạy điện thay vì xe chạy xăng. Nguồn vốn mới sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục sáng tạo và phát triển ra những chiếc xe máy điện hoàn thiện nhất dành cho người dùng khu vực Đông Nam Á và cả thế giới”.