Hội chứng hoa tulip, hay là bong bóng Uất kim hương (tên tiếng Hà Lan còn có: tulpenmanie, tulpomanie, tulpenwoede, tulpengekte và bollengekte) là một giai đoạn trong Thời kỳ hoàng kim của Hà Lan, giá thỏa thuận của một củ tulip (uất kim hương) khi ấy mới xuất hiện tăng vọt tới mức bất thường rồi đột ngột sụp đổ.
Nhà sử học người Anh Mike Dash, tác giả của cuốn sách “Tulipomania: Câu chuyện về loài hoa được thèm muốn nhất thế giới và những khát khao phi thường mà nó khơi dậy” cho biết, khi cơn sốt hoa tulip lên tới đỉnh điểm vào tháng 2/1637, một số củ tulip được bán với giá gấp hơn 10 lần thu nhập hàng năm của một thợ thủ công lành nghề.
Đây có thể được coi là bong bóng đầu cơ đầu tiên được ghi lại trong lịch sử (hay là bong bóng kinh tế), mặc dù một số nhà nghiên cứu lưu ý rằng Kipper- und Wipperzeit trong giai đoạn 1619-22, một chuỗi các vụ phá giá đồng tiền kim loại tại châu Âu để lấy chiến phí cũng có những đặc điểm tương tự với một bong bóng. Thuật ngữ “Hội chứng hoa tulip” nay đôi khi vẫn được dùng để chỉ các bong bóng tài sản (khi giá tài sản tách rời giá trị nội tại).
Theo thông tin trong cuốn sách “Những ảo giác nổi tiếng và sự điên loạn của đám đông” xuất bản năm 1841 của nhà báo Anh Charles Mackay, đã có lúc người ta sẵn sàng trả 5 hecta đất để có một củ tulip loại Semper Augustus. Mackay cũng kể lại câu chuyện về một thủy thủ đã ăn củ hoa tulip của một thương gia và nghĩ rằng đó là một củ hành tây. Anh ta đã “mục xương” trong tù.
Mackay cho rằng những nhà đầu tư tulip có thể sẽ phá sản khi giá giảm và thương mại Hà Lan phải chịu một cú sốc nặng nề.
Hoa tulip được đưa từ Đế quốc Ottoman vào châu Âu vào giữa thế kỷ XVI và rất được ưa chuộng tại Các tỉnh thống nhất, nhanh chóng trở thành xa xỉ phẩm, một biểu tượng cho địa vị. Chúng được phân thành nhiều nhóm theo màu sắc, trong đó có những màu rất hiếm gặp. Những củ tulip kỳ lạ và rất được săn đón này sẽ cho ra những bông hoa có màu sắc sặc sỡ với sọc và ánh hồng trên cánh hoa. Sau này, khoa học tìm ra rằng loại hoa này đã bị nhiễm một loại virus riêng của hoa tulip còn gọi là “virus ăn hoa tulip”.
Vào mua thu năm 1636, thứ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tại Hà Lan không phải là chỉ số chứng khoán Dow hay Nasdaq, mà chính là giá của những bông hoa tulip. Lượng cầu về hoa tulip đã vượt hơn hẳn lượng cung, vì sự say mê của những nhà làm vườn.
Hà Lan khi đó vừa mới phục hồi sau cơn khủng hoảng kinh tế, nông dân có tiền để mạnh tay “vung”. Việc mua bán củ hoa tulip trở thành cách đầu cơ điên cuồng vì họ tin là giá loài hoa này nhất định sẽ tăng lên trong tương lai. Có những tuần giá có thể tăng gấp đôi. Doanh nhân , thợ nề, mục sư và cả luật sư đều trở thành những thương nhân tulip.
Cho đến đỉnh điểm, một số củ tulip hiếm nhất được bán với giá tương đương 100.000 USD ngày nay. Thậm chí còn có thông tin cho rằng, lượng tiền để mua củ tulip có thể mua được: 8 con lợn, 4 con bò, 12 con cừu, 24 tấn lúa mì, 1 con tàu, 1 chiếc giường ngủ, 48 tấn lúa mạch đen, 2 thùng rượu lớn (loại 240 lít), 4 thùng bia, 2 tấn bơ, 453 kg phomat và 1 tách bạc.
Sau khoảng một thời gian tăng giá điên cuồng, tháng 2/1637 giá mặt hàng này đột nhiên rớt thảm hại, chỉ còn 1% so với trước, thậm chí thấp hơn. Lợi nhuận ảo trên giấy tờ bị xóa sạch. Tulipomania (hội chứng hoa tulip) bị dập tắt.
Tham khảo The Paris Review