Ngâm rau với chanh, giấm: Không mang lại nhiều lợi ích
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội, các bà nội trợ chia sẻ kinh nghiệm rửa rau với chanh và giấm giúp làm sạch thuốc trừ sâu. Theo đó, rau sẽ được ngâm với nước giấm hoặc chanh. Mẹo đơn giản này được cho là sẽ tạo ra các phản ứng để trung hòa các độc tố hóa học có trong rau.
Theo bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn, rửa rau là công việc vô cùng đơn giản nhưng không ít người mắc phải những lỗi sai khiến cho rau bị hao hụt vi chất có lợi cho sức khoẻ.
Nguồn rau chính của chúng ta hiện nay gồm: lá, hoa, củ, quả. Trong đó, lá là loại có tồn dư chất bảo vệ thực phẩm nhiều nhất, củ quả sẽ ít hơn.
Phân tích thêm về thông tin dùng chanh, giấm để đẩy độc tố ra khỏi rau, bác sĩ Đào cho hay: chanh và giấm là nguồn axit có tác dụng khử mùi tanh của các thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật. Đối với rau củ quả, ít khi dùng chanh và giấm để ngâm rửa. Việc ngâm, rửa rau mục đích chủ yếu là làm sạch, khó có thể loại bỏ được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (nếu có).
Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn
“Chanh rất hiếm khi được dùng để ngâm rửa rau. Còn đối với giấm, bản chất là axit axetic, nếu dùng với lượng vừa đủ thì không hại. Tuy nhiên, để pha giấm có được một tỷ lệ thuận lợi để ngâm rau củ là việc không hề đơn giản.
Việc dùng chanh và giấm ngâm rau củ để loại bỏ tồn dư chất bảo quản sẽ không mang lại nhiều lợi ích. Vì axit trong chanh và giấm khó có thể hòa tan được nhóm chất hữu cơ (thuốc bảo vệ thực vật) có trong rau củ quả“, bác sĩ Đào cho hay.
Đối với chất bảo vệ thực vật, cần phải có thời gian nhất định để phân giải hết đi các độc tố. Trung bình thời gian thu hoạch an toàn sau phun thuốc là từ 15-20 ngày.
Ngâm rau với nước muối đúng cách
Mọi loại rau, củ, quả trước khi chế biến đều phải được rửa sạch. Bác sĩ Đào khuyến nghị rửa rau dưới vòi nước sạch nhiều lần. Sau khi rửa dưới vòi nước, ngâm rau với nước muối pha loãng trong 5-10 phút và rửa lại bằng nước sạch.
Rất nhiều người không rửa lại rau sau khi ngâm muối và điều này vô tình góp phần đưa thêm muối vào cơ thể.
“Bản thân muối có tính chất sát khuẩn, sát trùng giúp làm sạch rau. Nhưng do đặc tính của muối, nếu ngâm quá lâu sẽ có sự thẩm thấu vào rau củ quả, có thể làm tăng độ héo của các loại lá.
Vì vậy, nguyên tắc ngâm rau với nước muối cần chú ý như sau: một chậu nước 10 lít sẽ dùng 5g muối tạo ra nồng độ 5%. Sau khi ngâm nước muối từ 5-10 phút, tiếp tục xả rau dưới vòi nước sạch để giảm đi nồng độ muối thẩm thấu vào trong rau củ quả. Điều này sẽ đảm bảo được rau củ quả không bị thẩm thấu một lượng muối quá cao.
Đặc biệt với các loại cây có mô lỏng lẻo như dọc mùng, quả roi, nấm rất dễ thẩm thấu muối, không cần thiết phải ngâm muối.
Chỉ ngâm nước muối với các sản phẩm rau dùng ngay. Đối với các thực phẩm lưu trữ trong tủ sẽ không ngâm muối”, bác sĩ Đào nói.
Rửa rau là thao tác rất quan trọng trước khi chế biến. Nhưng một số cách rửa rau có thể làm mất đi vi chất. Bác sĩ Đào đưa ra lời khuyên về một quy trình rửa rau giúp giữ trọn vẹn vi chất như sau:
– Trước khi rửa rau, loại bỏ những phần bị hỏng, héo, vàng úa, dập nát.
– Nguồn nước rửa rau phải đảm bảo nguồn nước sạch, hạn chế tận dụng nước đã qua sử dùng để rửa rau.
– Dụng cụ rửa rau, rổ đựng phải sạch. Ví dụ nếu chậu rửa rau và rổ bẩn, mốc thì rau cũng dễ bị nhiễm khuẩn.
– Bàn tay khi rửa rau cũng cần phải đảm bảo sạch sẽ. Nếu tay không sạch sẽ khiến rau bị nhiễm bẩn.
– Rửa rau nhiều lần dưới vòi nước sạch.
– Ngâm rau với nước muối nồng độ 5%. Sau 5-10 phút ngâm nước muối phải rửa lại rau dưới vòi nước sạch trước khi chế biến.