Tại hội thảo do Nhà đầu tư tổ chức sáng nay (16/4), TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) nhận định các thông tin quy hoạch vùng TP HCM như Thủ Đức, thành phố biển Cần Giờ và nhiều tuyến cao tốc huyết mạch tại TP HCM được đề xuất gây tình trạng sốt đất cục bộ. Điều này còn khiến giá đất khó kiểm soát, nhà đầu tư có nguy cơ gặp rủi ro cao.
Ở mức độ rộng hơn, ông Mười cho rằng các cơn “sốt đất” trên cả nước gần đây đa phần đều xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về dự án, quy hoạch. Do đó, trước khi thực hiện đầu tư, các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương, pháp lý bất động sản, giá trị sử dụng thực của đất. Tình trạng đầu tư vào phát triển bất động sản tại một số tỉnh mà dự án chưa phù hợp quy hoạch, các nhà đầu tư cần xem xét kĩ trước khi quyết định đầu tư.
Quy hoạch vùng TP HCM đến 2030, tầm nhìn 2050 bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Diện tích toàn vùng hơn 30.400 km2 với đất xây dựng đô thị khoảng 290.000 ha đến năm 2030.
Cấu trúc không gian vùng TP HCM được quy hoạch gồm tiểu vùng đô thị trung tâm (bao gồm TP HCM và vùng phụ cận các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai); tiểu vùng phía Đông (bao gồm các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu); tiểu vùng phía Bắc – Tây Bắc (gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương); tiểu vùng phía Tây Nam (bao gồm tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An).
Quy hoạch vùng TP HCM đến 2030, tầm nhìn 2050.
Ông Mười chỉ ra một trong những điểm cốt lõi trong chiến lược phát triển của TP HCM là sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị. Trong đó, các khu vực như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ dần hình thành nên những trung tâm đô thị mới tiềm năng và hấp dẫn trong xu thế giãn dân đô thị. Việc phát triển giao thông kết nối tạo đà phát triển cho thị trường bất động sản TP HCM và các tỉnh lân cận hưởng lợi theo hướng bền vững. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đã tạo ra một liên kết vùng không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp mà thị trường bất động sản hưởng lợi đầu tiên.
Cũng theo ông Mười, năm 2010, khi cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết và Xa lộ Hà Nội, và sắp tới là các dự án lớn như sân bay Long Thành, cầu Cát Lái bắc từ TP HCM qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai khiến thị trường vùng ven đã ngay lập tức phát triển mạnh. Các dự án luôn nằm giáp với địa phận TP HCM và đặc biệt là dự án bám sát vào hạ tầng giao thông kết nối với TP HCM. Còn tại Dĩ An (Bình Dương), thị trường bất động sản đã tăng trưởng nhanh chóng khi khu vực này tiếp giáp và kết nối thuận tiện với TP HCM qua các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 1.
Tương tự, là cửa ngõ kết nối TP HCM – Tây Nam Bộ, thị trường bất động sản tại các khu vực giáp TP HCM trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã gia tăng nhanh chóng với việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương, mở rộng các tuyến Quốc lộ 22, QL1, đường Lê Trọng Tấn, Trường Chinh.
Tuy nhiên, ông Mười nhìn nhận hiện nay đang có sự phát triển đô thị tập trung chủ yếu tại tiểu vùng phía Đông trong khi các tiểu vùng khác có sức hút đầu tư kém hơn, dẫn đến tình trạng mất cân bằng. Do đó, ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối cần có những chính sách thu hút đầu tư phát triển đồng bộ các khu vực trong vùng TP HCM đảm bảo thực hiện đúng theo quy hoạch.