“Tài khóa nghịch chu kỳ” là tiết kiệm ngân sách khi kinh tế tăng trưởng tốt để có thể chi tiêu mạnh tay khi khủng hoảng. Báo cáo mới nhất của IMF đề cao chính sách “tài khóa nghịch chu kỳ” của Việt Nam trong 5 năm qua.
Nếu giai đoạn 2011 – 2015, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam là 5,91% thì giai đoạn 5 năm qua đã cải thiện rõ rệt ở mức 5,99%, ngay cả khi chịu tác động của khủng hoảng COVID-19 . Còn nếu chỉ tính giai đoạn 2016 – 2019, con số này lên tới 6,78%. Tuy nhiên, mấu chốt căn bản trong mô hình tăng trưởng 5 năm qua lại không nằm ở chữ tăng trưởng.
Ưu tiên ổn định rồi mới tăng trưởng
“Dù trong bối cảnh đại dịch, những điều kiện vốn có của Việt Nam vẫn hấp dẫn, ví dụ như chính trị ổn định, điều hành chính sách tài khóa tốt. Không có một công cụ quảng bá nào hiệu quả hơn là chính kết quả chống dịch của Việt Nam. Nhà đầu tư khi tìm thông tin từ Việt Nam họ thấy rất nhiều tin tốt nên họ rất tin tưởng khi bỏ tiền vào đây”, ông Jacques Morisset – chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.
Thực tế đã cho thấy, các chỉ số đo lượng hiệu quả nền kinh tế như ICOR, TFP đều cải thiện đáng kể. Tăng trưởng kinh tế dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ và giảm phụ thuộc vào các hoạt động đầu tư, hay khai khoáng. Nói cách khác, tăng trưởng đã chú trọng nhiều vào chất.
Cũng trong báo cáo của IMF, nhờ tăng trưởng cao và ổn định trong cả giai đoạn, tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam đã giảm từ 10% năm 2015, xuống còn chưa đầy 3% trong năm 2020.
Thực tế cho thấy là không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, mà ngược lại đặt ổn định vĩ mô là ưu tiên số 1, lại chính là nhân tố tạo đà tăng trưởng.
Báo cáo mới nhất của IMF đề cao chính sách “tài khóa nghịch chu kỳ” của Việt Nam trong 5 năm qua. Ảnh: VGP.
Bội chi ngân sách từ mức 5,4% GDP giai đoạn trước, giảm xuống còn bình quân 3,7% cả giai đoạn 5 năm qua. Hay tỷ lệ nợ công trên GDP giảm từ mức hơn 62% vào năm 2015, áp sát mức trần 65% của Quốc hội, xuống chỉ còn hơn 56% vào năm 2019. Đây chính là những nền tảng của chính sách “tài khóa nghịch chu kỳ”.
Điều đó để thấy rằng, trong những điều kiện thuận lợi nhất Việt Nam vẫn luôn cần giữ tâm thế phải củng cố và xây dựng để sẵn sàng cho những tình huống xấu có thể xảy đến. Năm khủng hoảng 2020 lại chính là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả chính sách kinh tế của cả giai đoạn.
Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nói: “Giai đoạn 4 năm trước COVID-19, Việt Nam đã giảm thâm hụt ngân sách, giảm tỷ lệ nợ công trên GDP, tăng dự trữ ngoại hối, giữ lạm phát trong tầm mục tiêu. Đó chính là những tấm đệm chống sốc, tạo không gian tài khóa cho Việt Nam khi khủng hoảng xảy ra”.
“Không nhờ sự cải thiện không gian tài khóa trong 4 năm thì hiện nay chúng ta không có của để dành. Bởi vậy phải thực hiện chính sách nghịch chu kỳ, chấp nhận tăng thâm hụt. Bởi nếu không tăng thâm hụt không những nợ công trên GDP không giảm mà nó còn tăng”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – chuyên gia kinh tế nói.
Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế
Nhờ có không gian tài khóa đã được tích lũy trước đó, không chỉ các gói hỗ trợ y tế, mà cả các gói hỗ trợ kinh tế mới được kịp thời tung ra. Cụ thể, Bộ Tài chính có gói hỗ trợ giãn hoãn thuế 180.000 tỷ đồng, với mức thực hiện 53.645 tỷ đồng và giảm nhiều loại phí cho doanh nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH có gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cấp tiền ngân sách trực tiếp và cả cho vay với nhiều đối tượng người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Đáng chú ý hơn cả là sự quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công, khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt hơn 91% – mức cao nhất trong cả giai đoạn.
Giải ngân đầu tư công cũng là minh chứng rõ nét cho vai trò của Chính phủ. Tỷ lệ đầu tư công trên GDP của Việt Nam thuộc mức cao nhất trong khu vực, cao hơn các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, hay Singapore.
Không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, mà ngược lại đặt ổn định vĩ mô là ưu tiên số 1 là nhân tố tạo đà tăng trưởng của Việt Nam. Ảnh minh họa – TTXVN.
Những sự chuẩn bị của giai đoạn 5 năm qua thay đổi căn bản về vai trò của sự ổn định trong tăng trưởng, nỗ lực cải thiện thể chế và nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân lại chính là tiền đề cho giai đoạn tới.
Ông Jason Yek – Chuyên gia Phân tích Rủi ro khu vực châu Á, Fitch Solutions cho biết: “Chúng tôi dự báo ngành sản xuất, xây dựng và dịch vụ sẽ tiếp tục khởi sắc và là trụ đỡ tăng trưởng. Đặc biệt là lĩnh vực xây dựng sẽ hưởng lợi từ luật PPP có hiệu lực từ đầu năm nay”.
“Thành công chống dịch của Việt Nam được cả thế giới nhìn nhận, đặc biệt là với du khách quốc tế, rồi sẽ thúc đẩy du lịch Việt Nam phục hồi nhanh hơn và mạnh hơn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nói.
Với cách nhìn nhận tăng trưởng đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, kết thúc giai đoạn 5 năm qua, với điểm nhấn đặc biệt là năm 2020 như cách mà tờ Nikkei Asia đã gọi, chính là khoảnh khắc bứt phá của Việt Nam. COVID-19 và cách ứng xử của Việt Nam với COVID-19, đã tạo ra cơ hội cho kinh tế chưa từng thấy cho Việt Nam trong hàng thập kỷ qua.