Ngày 12/4, TC Motor công bố kết quả bán hàng tháng 3/2021. Không ngạc nhiên khi doanh số xe Hyundai tăng vọt so với một tháng trước đó. Cụ thể, đã có 6.807 xe Hyundai bán ra trong tháng 3, tăng 125% so với tháng trước. Tính cộng dồn 3 tháng đầu năm, TC Motor đã bán ra 15.866 xe.
“Vua doanh số” của TC Motor chính là mẫu sedan hạng B Hyundai Accent với 2.094 chiếc đến tay khách hàng. Soi với tháng trước (915 xe) mẫu xe này tăng trưởng 128,8%. Doanh số cộng dồn 3 tháng đầu năm của Accent đạt 3.199 xe.
Bên cạnh Accent, hàng loạt mẫu xe khác thuộc thương hiệu Hyundai cũng tăng trưởng vượt bậc về doanh số. Chẳng hạn, Hyundai Grand i10 tăng 152%, lên 1.293 xe, Hyundai Tucson đạt 928 xe (tăng 222%), Hyundai Santa Fe đạt 882 xe (tăng 114%). 2 mẫu xe con khác trong danh mục kinh doanh của TC Motor là Hyundai Kona và Elantra lần lượt đạt doanh số 334 xe và 179 xe.
Trong nhiều tháng qua, Hyundai Accent liên tục là mẫu xe bán chạy nhất của TC Motor, cho thấy sức hút của mẫu xe này. Theo đánh giá của thị trường, Accent sở hữu hàng loạt ưu điểm như thiết kế trẻ trung, hiện đại, nhiều trang bị an toàn trong khi giá bán được xem là cạnh tranh bậc nhất phân khúc.
Hyundai Accent 2021 ra mắt tại Việt Nam từ đầu tháng 12/2020 – là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời (facelift). Model này sử dụng động cơ Kappa 1.4L MPI, công suất cực đại 100 mã lực, mô men xoắn cực đại 132 Nm. Xe có 2 tùy chọn hộp số sàn 6 cấp và hộp số tự động 6 cấp Shiftronic.
Các trang bị an toàn trên xe bao gồm hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), phân bổ lực phanh điện tử (EBD), hỗ trợ lực phanh khẩn cấp (BA), cân bằng điện tử (ESC), kiểm soát thân xe (VSM), hệ thống chống trộm Immobilizer, hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAC), cảm biến lùi và 6 túi khí.
Hyundai Accent 2021 được lắp ráp trong nước với 4 phiên bản gồm Accent 1.4MT Tiêu chuẩn giá 426 triệu đồng, Accent 1.4MT giá 472 triệu đồng, Accent 1.4AT giá 501 triệu đồng và Accent 1.4AT Đặc biệt giá 542,1 triệu đồng. 2 đối thủ lớn nhất của Hyundai Accent tại Việt Nam là Toyota Vios và Honda City.
Theo Nhịp sống kinh tế