Theo báo cáo hoạt động tháng 3 được công bố, Pyn Elite Fund ghi nhận hiệu suất đầu tư 1,41% trong tháng nhờ biến động tích cực của CTG, VCI và HDB, con số này thấp hơn mức tăng 2% của VN-Index nhờ lực kéo từ VIC và nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Tính chung trong quý 1, hiệu suất hoạt động của Pyn Elite Fund đạt 5,13%, thấp hơn so với VN-Index và nhiều quỹ. Trong khi đó vào năm 2020, Pyn Elite Fund là quỹ có hiệu quả cao nhất thị trường.
Vào cuối quý 1, quy mô danh mục Pyn Elite Fund đạt 631,1 triệu Euro (khoảng 17.300 tỷ đồng) và là một trong những quỹ ngoại lớn nhất đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Về cơ cấu danh mục, VHM vẫn là khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund với tỷ trọng 13% (khoảng 82 triệu Euro). Trong khi đó, chứng chỉ quỹ VFM VNDiamond ETF đã vươn lên chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong danh mục với 9,7% (61,22 triệu Euro, tương đương 1.682 tỷ đồng). Lượng chứng chỉ quỹ VFM VNDiamond mà Pyn Elite Fund nắm giữ tương đương 17% quy mô quỹ ETF này.
HDB cũng được Pyn Elite Fund đẩy mạnh giải ngân trong tháng 3 và đã vươn lên vị trí thứ 3 với tỷ trọng 9,3%. Trong khi đó, CTG đã bị “chốt lời” và hiện chỉ còn chiếm tỷ trọng 8,9% trong danh mục quỹ. Cách đây không lâu, CTG còn là khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund.
Các khoản đầu tư có hiệu suất tốt nhất của Pyn Elite Fund trong tháng 3 là VCI (+18,8%), CEO (+12%), CTG (+7,8%). Ở chiều ngược lại, VRE, NLG và VHM là 3 khoản đầu tư có hiệu suất “tệ” nhất.
Kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ tăng mạnh khi hết nghẽn lệnh, đặt niềm tin vào MBB
Pyn Elite Fund cho rằng đà tăng của trường thời gian qua được hỗ trợ bởi nhà đầu tư trong nước khi mà lãi suất thấp khiến kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn. Giá trị giao dịch bình quân trong quý 1 lên tới 810 triệu USD/phiên, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2021 đã có khoảng 143 nghìn tài khoản chứng khoán được mở mới, gấp 5 lần cùng kỳ 2020.
Pyn Elite Fund kỳ vọng thanh khoản thị trường có thể đạt mức cao hơn khi HoSE khắc phục được sự cố nghẽn lệnh gần đây.
Bloomberg dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 khoảng 7,5%, cao thứ 2 Châu Á, chỉ sau Trung Quốc. So sánh với năm 2019, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã lớn hơn 11%. Moody’s và Fitch đã điều chỉnh triển vọng của Việt Nam lên “tích cực”. Việc kiểm soát tốt làn sóng Covid-19 lần thứ ba đã giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng GDP quý 1 ở mức 4,5%, doanh số bán lẻ tăng 5,1%. PMI cũng tăng lên 53,6 điểm trong tháng 3. Hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 khoảng 25-35%.
Pyn Elite Fund đánh giá tích cực với cổ phiếu MBB. Theo Pyn Elite Fund, MBB là ngân hàng cho vay theo sổ sách lớn thứ 5 tại Việt Nam. MBB có bề dày hoạt động trong lĩnh vực cho vay, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, môi giới. Triển vọng tăng trưởng cho vay và thu nhập từ phí là rất tốt. Pyn Elite Fund cho rằng phong cách của MBB là “chất lượng” và “thận trọng”.
Các chỉ số hoạt động của ngân hàng như NIM, CIR, ROE tốt hơn so với các ngân hàng cùng ngành và MBB đã chủ động hơn trong việc xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng. Trong năm 2020, MBB đã trích lập đủ chi phí dự phòng, do đó năm 2021 có thể sẽ trích lập ít hơn và điều này sẽ giúp lợi nhuận năm nay bứt phá.
Pyn Elite Fund cho rằng MBB vừa gây bất ngờ cho thị trường với lợi nhuận quý 1 cao kỷ lục, gấp đôi cùng kỳ năm trước. MBB hiện giao dịch với P/B dự phóng 1,51x, thấp hơn các ngân hàng khác dù ROE tốt hơn và tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.