Xe tải hạng nặng gây ô nhiễm quá lớn. Nó cũng là một trong những loại phương tiện khó khử carbon nhất của ngành giao thông vận tải. Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy những cải tiến đáng kể về chi phí pin (cho động cơ điện) và công nghệ đồng nghĩa tương lai cho các dòng xe tải chở hàng không phát ra khí thải không còn xa. Đây có thể là thành quả vĩ đại của ngành năng lượng sạch trong thập kỷ tới.
Xe tải hạng nặng là một trong những nguồn phát thải carbon lớn nhất hiện nay.
Tổng chi phí vận hành xe tải chở hàng chạy điện có thể rẻ hơn 50% so với xe chạy bằng động cơ diesel vào năm 2030, tiết kiệm hàng tỷ USD. Chi phí pin giảm, phạm vi sử dụng pin ngày càng tăng và mạng lưới sạc mở rộng tạo ra tương lai rộng mở cho việc điện hoá ngành vận tải.
Chi phí sở hữu rẻ hơn, giảm phát thải là động lực để các công ty vận tải chuyển sang xe điện nhưng họ vẫn cần được hỗ trợ bởi các chính sách thông minh để thúc đẩy ngành công nghiệp non trẻ này.
Nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley – Đại học California – Los Angeles và Đại học California – Berkeley cho thấy việc chuyển sang sử dụng xe tải hạng nặng chạy điện cũng sẽ thúc đẩy giá pin giảm xuống. Thực tế, giá pin xe điện đã giảm hơn 85% trong một thập kỷ qua và sẽ tiếp tục giảm.
Tiềm năng của thị trường xe tải chạy điện là cực kỳ lớn.
Xe điện cũng đang là xu hướng được ưa chuộng bậc nhất hiện nay, hơn hẳn các phương thức vận tải thân thiện với môi trường khác, chẳng hạn xe sử dụng nhiên liệu hydro. Chưa quá phổ biến nhưng Tesla, Volvo, Scania và Kenworth đều đã tung các mẫu xe tải chạy điện, đồng nghĩa ngày những xe này xuất hiện trên các tuyến đường khắp thế giới không còn xa.
Tiến sĩ Amol Phadke của Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley cho biết: “Việc điện khí hoá xe tải hạng nặng mang lại những lợi ích kinh tế và môi trường đáng kể và đang được thúc đẩy nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Chi phí pin cho xe điện cũng giảm ấn tượng hơn so với những gì được dự báo cách đây vài năm”.
Giá các gói pin quốc tế hiện ở mức 135 USD/kWh, mức chấp nhận được với nhà sản xuất xe tải điện quy mô lớn. Với mức giá này, một chiếc xe tải điện hạng 8 – (trên 33.000 pound – 14,7 tấn) di chuyển quãng đường trung bình 300 dặm/ngày sẽ tiết kiệm được 13% chi phí so với xe dùng nhiên liệu diesel. Với tầm hoạt động khoảng 375 dặm/1 lần sạc, một chiếc xe tải chạy điện sẽ tiết kiệm cho chủ nhân của nó khoảng 200.000 USD trong suốt vòng đời. Với 2 triệu xe tải đang hoạt động thường xuyên trên các cung đường nước Mỹ, con số tiết kiệm được sẽ là nhiều tỷ USD.
Tuy nhiên, chi phí ban đầu cho mỗi chiếc xe tải chạy điện sẽ cao hơn so với xe chạy diesel. Cụ thể, một chiếc xe tải chạy điện với tầm hoạt động 375 dặm, pin giá 135 USD/kWh sẽ đắt hơn 75% so với xe truyền thống. Tuy nhiên, chi phí này sẽ giảm đi khi giá pin giảm xuống. Theo dự đoán, giá pin xe điện sẽ giảm xuống mức 60 USD/kWh vào khoảng năm 2025 – 2030. Kết hợp với khả năng tối ưu chi phí từ nhà sản xuất, các chính sách hỗ trợ, xe tải điện có thể giảm 50% chi phí tổng thể trên mỗi dặm so với xe chạy diesel truyền thống.
Chi phí sở hữu ban đầu cao là rào cản lớn nhất đối với xe tải chạy điện.
Tiêu chuẩn mang tên Advanced Clean Trucks của bang California – tiêu chuẩn xe tải sạch đầu tiên trên thế giới, minh hoạ khả năng tiết kiệm từ việc chuyển sang vận tải bằng xe điện. Nghiên cứu cho thấy việc áp dụng tiêu chuẩn này có thể tiết kiệm hơn 7 tỷ USD cho các nhà điều hành xe cho đến năm 2040. Các lợi ích sức khoẻ kiên quan từ việc giảm ô nhiễm không khí có thể đạt 9 tỷ USD trong 20 năm tới. Nếu chi phí pin cho xe tải tương đương xe chở khách, tổng chi phí tiết kiệm được có thể lên tới 12 tỷ USD.
Theo Forbes, lợi ích của việc chuyển sang sử dụng xe tải điện là không phải bàn cãi nhưng nếu muốn việc chuyển dịch được tiến hành nhanh chóng, sự hỗ trợ về mặt chính sách là vô cùng cần thiết. Các chính sách ở đây bao gồm việc khuyến khích chuyển đổi và hỗ trợ tài chính và cải tiến quy hoạch, chẳng hạn sửa sang lại các nhà máy, lắp đặt và bảo trì cơ sở hạ tầng sạc, các cơ sở bảo dưỡng bảo trì xe tải điện để tạo ra một hệ thống đồng nhất.
Tham khảo nguồn: Forbes