Giá trị vốn hoá thị trường của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã CK: PDR – HOSE) đã vượt qua mốc 1 tỷ đô-la Mỹ tại mức 59.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) vào 03/02/2021. Phát Đạt chính thức gia nhập nhóm “doanh nghiệp tỷ đô” ngay trước thềm Tết Nguyên Đán giữa bối cảnh kinh tế – xã hội đầy bất lợi.
Cuộc bứt phá mạnh mẽ liên tục trong 4 năm qua của Phát Đạt được ví như chuyến vượt vũ môn kỳ diệu, không chỉ đưa doanh nghiệp từ “bậc trung” lên những “đỉnh cao” mà còn thiết lập bệ phóng vững vàng cho một chiến lược lớn với tầm nhìn xa hơn.
Trong các cuộc chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đạt, những bài học từ thăng trầm trong quá khứ được doanh nghiệp này lĩnh hội triệt để để đảm bảo cho sự chắc chắn của những cuộc tăng tốc trong tương lai.
Cổ phiếu PDR chính thức vượt qua mốc tỷ đô la vốn hóa, cảm xúc của ông như thế nào?
Lộ trình đến giá trị vốn hoá 1 tỷ đô-la đã được Phát Đạt hoạch định ngay từ lúc niêm yết và kiên trì thực hiện nên kết quả không phải là “phần thưởng” bất ngờ. Song cột mốc chính thức đó phản ánh sự ghi nhận của thị trường, giống như đã được cấp giấy chứng nhận vậy. Tôi vui vì điều đó.
Tại thời điểm khoảng năm 2017 nhiều người thậm chí còn nghi ngờ khả năng “thoát hiểm” của Công ty. Bài học nào đáng giá nhất với ông và Phát Đạt từ những trải nghiệm mang tính sinh tử ấy, thưa ông?
Phát Đạt là một doanh nghiệp non trẻ nên sẽ có nhiều thách thức phải trải qua và rất nhiều bài học để học. Trong đó, bài học quan trọng nhất là làm kinh doanh, bắt buộc phải chú trọng dòng tiền. Không thể mơ mộng viển vông, mà phải đối diện với điều ấy! Từ đó, phải có chiến lược quản trị rủi ro để đảm bảo sự dồi dào liên tục của dòng tiền. Chuyện này nghe có vẻ rất hiển nhiên, nhưng trải qua những thử thách khắc nghiệt của thị trường, mới thực sự thấm thía thành bài học nằm lòng.
Từ trải nghiệm đó, chúng tôi nhìn mọi thứ rất rõ ràng hơn và “công thức” để ra quyết định trở nên rất ngắn gọn. Phát Đạt xác định chỉ tập trung phát triển các dự án bất động sản tại vị trí đắc địa, có triển vọng lợi nhuận cao và dòng tiền thu hồi nhanh. Những dự án chưa rõ ràng về pháp lý, không hội đủ điều kiện để triển khai nhanh, chúng tôi tuyệt đối không sa đà vào, cho dù tiềm năng lợi nhuận có thể rất lớn.
Kiên định và nhất quán với “công thức” đó đã đem lại kết quả đột phá như đã thấy. Năm 2019, chúng tôi đã vượt qua ngưỡng lợi nhuận 1.000 tỷ đồng và từ năm nay, ngưỡng mới sẽ là 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận luỹ kế dự kiến cho giai đoạn 2019 – 2023 là 14.270 tỷ đồng.
Điều quan trọng hơn, để đảm bảo cho tiêu chí tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, tạo dòng tiền nhanh và bền vững, chúng tôi luôn có sẵn kế hoạch 5 năm ở phía trước, trong đó, phải đảm bảo nguồn lợi nhuận chắc chắn cho ít nhất là 3 năm tiếp theo. Hiện tại, chúng tôi đã có kế hoạch hành động cụ thể cho đến năm 2025 và chắc chắn nguồn lợi nhuận cho đến năm 2023. Kế hoạch hành động và nguồn doanh thu – lợi nhuận còn được tiếp tục cập nhật hàng năm như vậy nên chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho tương lai tiếp theo nữa.
Bên cạnh bài học đắt giá về tài chính, sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua của Phát Đạt còn là kết quả của những bài học sâu sắc về quản trị công ty, về con người, văn hoá doanh nghiệp… Đã có rất nhiều nỗ lực thay đổi và đầu tư để có được nền tảng ổn định, vững vàng và hướng đến sự chuyên nghiệp cao hơn.
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho cả trung và dài hạn, xác định mục tiêu rõ ràng, có sức khoẻ tài chính ổn định, nguồn tích luỹ đã dồi dào, năng lực quản trị vững vàng hơn… giúp nội lực của chúng tôi ngày càng mạnh. Đó là lý do mà ngay trong bối cảnh toàn thị trường bị rúng động bởi Covid-19, chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai các dự án như hoạch định, thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh hơn, liên tục mở rộng quỹ đất và nhanh chóng mua thêm các dự án mới.
Vì vậy, nếu nhìn lại, những thách thức trước đây rất có ý nghĩa với Phát Đạt, cho chúng tôi những bài học đáng giá để trở nên mạnh mẽ hơn, giống như được chuẩn bị sức đề kháng vậy. Việc Phát Đạt vẫn tiếp tục tăng trưởng rất nhanh trước thách thức khốc liệt của thị trường từ năm ngoái đến nay chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho những gì mà chúng tôi đã trải nghiệm.
Có thể nói, phía sau cột mốc 1 tỷ đô-la của Phát Đạt là những bài học quý giá, còn phía trước là một tương lai rất tự tin.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đi theo hướng phát triển hệ sinh thái xung quanh sản phẩm cốt lõi. Trong khi đó, Phát Đạt vẫn chỉ tập trung theo hướng “đi nhanh, thắng chắc”. Liệu chiến lược về dòng tiền nhanh có khiến Phát Đạt phải đánh đổi những cơ hội lợi nhuận lớn hơn?
Mỗi doanh nghiệp, tuỳ theo điều kiện và cách nhìn, sẽ có chiến lược khác nhau. Đối với Phát Đạt, như đã nói, chúng tôi quyết định chỉ tập trung vào những gì chúng tôi có năng lực vượt trội để làm tốt nhất. Năng lực vượt trội của Phát Đạt là năng lực phát triển dự án, cụ thể là phát triển dự án bất động sản. Trong đó, chúng tôi mang đến những dự án phù hợp nhất với nhu cầu hiện hữu của thị trường, triển khai dự án nhanh, bàn giao sản phẩm đúng tiến độ, đảm bảo về chất lượng của không gian sống cho cư dân đô thị hiện đại, đầy đủ thủ tục pháp lý… Đây cũng chính là những gì khách hàng mong đợi nhất hiện nay.
Chúng tôi không đi vào kinh doanh các lĩnh vực có liên quan khác như thi công, bán hàng…. Phát Đạt không trực tiếp bán sản phẩm cho khách hàng nhưng cũng không bán dự án. Chúng tôi là chủ đầu tư, phát triển dự án và chia sẻ cơ hội bán hàng cho các đối tác, hợp tác với các đối tác để phân phối sản phẩm. Chia sẻ cơ hội cho người khác cũng chính là một cách quản trị rủi ro.
Đây cũng là một điển hình cho sự thay đổi tư duy của chính tôi. Trong kinh doanh, không thể bỏ qua cơ hội để tối ưu lợi nhuận. Song, những trải nghiệm đã qua khiến tôi quyết đoán hơn trong việc lựa chọn những gì mình nên ưu tiên. Đồng thời, mạch lạc hơn trong tư duy về hợp tác kinh doanh để cùng phát triển. Chia sẻ cơ hội cho người khác cùng làm, mình chẳng thiệt đi đâu cả! Ngược lại, chỉ tập trung vào những việc mình có thể làm tốt nhất thì kết quả thậm chí còn cao hơn rất nhiều lần.
Được biết, từ cuối quý 3 năm ngoái, Phát Đạt bắt đầu định hướng đa dạng hoá và trong năm nay, sẽ phát triển mô hình tập đoàn. Có điều gì khác biệt trong tiêu chí “chỉ tập trung làm những gì có thể làm tốt nhất” của ông không?
Hoàn toàn không. Tôi vẫn nhất quán với tiêu chí ấy. Chiến lược đa dạng hoá mà chúng tôi bắt đầu triển khai cũng hoàn toàn để phục vụ cho định hướng phát triển tốc độ và bền vững của Phát Đạt.
Sau khi đã thiết lập những nền tảng vững chắc cho mảng bất động sản dân dụng, Phát Đạt tiếp tục sử dụng năng lực cốt lõi là năng lực phát triển dự án để mở rộng sang mảng bất động sản công nghiệp. Từ cuối quý III năm ngoái, chúng tôi chính thức triển khai khu công nghiệp tại Cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đồng thời, chúng tôi đã ký liên kết với nhiều doanh nghiệp lớn có quỹ đất sạch để triển khai Bất động sản Công nghiệp trong thời gian tới và sẽ là một lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn, ổn định.
Đồng thời, hiện nay, chúng tôi đang tích cực triển khai một lĩnh vực mới nữa, cũng dựa trên năng lực cốt lõi của Phát Đạt. Lĩnh vực mới này cũng sẽ có quy mô lớn, nhưng được triển khai chắc chắn, đảm bảo tính hiệu quả, nhất quán với mục tiêu tạo thêm một nguồn thu dồi dào và đều đặn, hình thành thế chân kiềng, củng cố sự bền vững, mạnh khoẻ về lâu dài cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở này, Phát Đạt đang hình thành tập đoàn đúng nghĩa, với những cơ sở chặt chẽ và chuyên nghiệp, theo đúng chiến lược dài hạn mà chúng tôi đã xác định.
Như vậy, phía trước của Phát Đạt đã có rất nhiều kế hoạch, nhưng dường như công chúng chưa bao giờ nghe kế hoạch phát triển ra nước ngoài của doanh nghiệp?
Việc không có kế hoạch kinh doanh ở nước ngoài cũng là minh chứng cho tiêu chí phát triển tập trung của chúng tôi. Có thể ở nhiều lĩnh vực khác, các doanh nghiệp phải tìm đường ra quốc tế, nhưng những lĩnh vực mà Phát Đạt đang và sẽ làm, tôi cho rằng Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng và cơ hội nhất.
Chúng ta có một nền chính trị ổn định, thị trường hùng hậu, nhu cầu và mãi lực đang tăng rất cao. Đó là lý do mà nhiều doanh nhân nước ngoài phải chấp nhận xa gia đình, xa tổ quốc để đến Việt Nam, nhiều tập đoàn quốc tế phải đổ tiền bạc và tâm trí vào đây. Vậy thì, là người Việt Nam, là doanh nghiệp Việt Nam, tại sao chúng ta không phát huy năng lực trên chính đất nước mình trước?
Tôi cho rằng hầu hết các lĩnh vực ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ và nhu cầu thị trường còn mở rộng trong tương lai. Dư địa để phát triển mạnh cho phần lớn ngành nghề sẽ vẫn còn ít nhất trong vài chục năm nữa.
Phát Đạt còn nhiều thứ để làm, nhiều cơ hội để phát huy tốt nhất năng lực và trải nghiệm của mình. Như tôi đã nói, chúng tôi luôn sẵn sàng kế hoạch kinh doanh cho 5 năm tiếp theo và đảm bảo nguồn lợi nhuận ít nhất cho 3 năm tới.
Nền kinh tế – xã hội đang thay đổi rất nhiều và rất nhanh. Nhiều thứ hiển lộ rõ ràng hơn dưới tác động từ Covid-19. Theo ông, để thành công trong môi trường kinh doanh hiện nay và trong tương lai, doanh nhân Việt Nam cần nhất là phẩm chất hay điều kiện gì?
Tất nhiên, cần rất nhiều thứ. Nếu chỉ nói về cốt lõi, thì để kiếm được tiền, cần phải có năng lực kinh doanh. Bây giờ không còn là lúc mà chỉ cần có cơ hội là làm doanh nghiệp được nữa. Thậm chí, môi trường kinh doanh bây giờ có rất nhiều cạm bẫy. Do vậy, tôi cho rằng cần phải luôn tỉnh táo và cẩn trọng. Nếu không, chỉ cần chớp mắt là có thể mắc sai lầm khó cứu vãn.
Mặt khác, không chỉ kiếm được tiền, mà muốn thành công, muốn phát triển được doanh nghiệp ở quy mô lớn, có giá trị đóng góp cho xã hội và được tôn trọng, thì doanh nhân và doanh nghiệp nhất định phải có uy tín. Cụ thể là trong kinh doanh và xử thế, phải giữ sự trung thực, minh bạch, tôn trọng lời hứa và làm đến cùng những gì đã cam kết.
Tôi vẫn nỗ lực với tiêu chí “nói được – làm được” và sống có trách nhiệm với xã hội và những người xung quanh mình.
Xin cảm ơn ông!