Có thể tóm tắt câu chuyện như sau: Archegos, một quỹ đầu tư dưới dạng family office, đã sử dụng đòn bẩy quá lớn để mua vào hơn 10% cổ phiếu tại nhiều công ty. Khi các cổ phiếu này lao dốc, một loạt ngân hàng sừng sỏ ở phố Wall đang phục vụ Archegos như Goldman Sachs, Morgan Stanley, Nomura, Credit Suisse, Deutsche Bank đã nhanh chóng “margin call” đồng thời bán tháo cổ phiếu, khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Tổng cộng số cổ phiếu bị bán ra có giá trị lên tới 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, để hiểu tường tận về vụ việc đòi hỏi bạn cần phải am hiểu về một số thuật ngữ chuyên ngành dưới đây.
Block trade (giao dịch lô lớn)
Đó là những giao dịch với số lượng cổ phiếu cực lớn, thường được đàm phán riêng tư, bên ngoài thị trường đại chúng hoặc trong các sàn giao dịch ngầm “dark pool”. Thông thường các giao dịch lô lớn sẽ không được công khai và thực hiện ngoài giờ giao dịch chính thức để tránh trường hợp giá cổ phiếu biến động quá mạnh trong quá trình thực hiện giao dịch.
Trong vụ Archegos, một loạt giao dịch lô lớn đã được thực hiện đối với những cổ phiếu như ViacomCBS, Discovery, Tencent Music, GSX Techedu… và lại là trong giờ giao dịch, khiến thị trường hoảng loạn.
Margin call
Nhà đầu tư có thể sử dụng tiền đi vay (hay còn gọi là chơi margin) để khuếch đại số lãi thu được, nhưng trong trường hợp ngược lại thì khoản lỗ cũng sẽ nhân lên nhanh chóng. Những công ty môi giới hay các ngân hàng tài trợ cho các giao dịch như vậy sẽ yêu cầu nhà đầu tư phải có 1 khoản ký quỹ để đặt cọc, mà khoản đó sẽ phải tăng lên nếu như các cổ phiếu mà nhà đầu tư đang giao dịch giảm giá. Lệnh yêu cầu tăng tài sản kỹ quỹ được gọi là “margin call”. Khi bị margin call, nhà đầu tư phải bán tống bán tháo cổ phiếu.
Ở vụ margin call lớn nhất trong lịch sử, một loạt cổ phiếu từ các tập đoàn công nghệ Trung Quốc cho đến các ông lớn truyền thông Mỹ đã bị bán tháo, với tổng trị giá lên tới hơn 30 tỷ USD.
Total return swaps
Là các hợp đồng hoán đổi cho phép 1 quỹ đầu cơ trả cho bên khác 1 con số nhất định, đổi lại bên kia sẽ thanh toán dựa trên thu nhập có được từ tài sản cơ sở mà nó sở hữu (ví dụ như cổ phiếu). Nếu giá tài sản giảm, quỹ đầu cơ sẽ phải bù đắp khoản thua lỗ.
Trong trường hợp Archegos, sở dĩ quỹ này có thể bí mật mua lượng lớn cổ phiếu tại nhiều quỹ là vì Archegos đã sử dụng các hợp đồng hoán đổi. Tài sản chỉ được ghi chép trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thay vì trên báo cáo tài chính của quỹ.
Contracts for differences
Là 1 sản phẩm tài chính cho phép nhà đầu tư đặt cược vào chiều hướng biến động của giá cổ phiếu, tiền tệ hoặc hàng hóa mà không cần phải sở hữu chúng. Nhà đầu tư thường sử dụng đòn bẩy để khuếch đại quy mô đặt cược.
Đây lại là 1 công cụ khác mà Archegos được cho là đã sử dụng để vơ vét cổ phiếu tại nhiều công ty.
Family office
Là loại hình công ty tư nhân được quản lý rất lỏng lẻo, được lập ra để quản lý tài sản cho các gia đình giàu có. Thông thường các gia đình cần ít nhất 500 triệu USD để thành lập 1 family office.
Vì Archegos đi theo mô hình family office, Hwang đã có thể thực hiện những vụ đầu tư liều lĩnh mà không bị cơ quan quản lý sờ gáy.
Tham khảo Bloomberg