Thông tin tới truyền thông mới đây bên lề Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội, ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có 75 sân golf đang hoạt động, trong đó 3/4 do nhà đầu tư Việt Nam làm chủ, 1/4 do người Hàn Quốc đầu tư.
Ông Trí thông tin: “Thời gian gần đây, tính trung bình cứ 2 tuần Việt Nam có thêm 1 sân golf được cấp phép. Sắp tới mỗi năm Việt Nam có thể thêm 50 – 100 sân golf. Tỉnh Bắc Giang đang có 1 sân golf, 2 sân chuẩn bị ra mắt, 8 sân golf đang trong quá trình xin cấp phép; Vĩnh Phúc cũng cấp phép 10 sân; Quảng Nam có 3 sân và sắp có thêm 10 sân”…
Mặc dù tỷ lệ sân golf ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình của thế giới, nhưng việc phát triển ồ ạt mang tính thời điểm khiến một số chuyên gia lo ngại. Đó là việc làm mất đi một diện tích đất canh tác lớn, làm biến đổi địa hình và nguồn nước ngầm tại địa phương. Người ta cũng lo ngại khả năng nhiều chủ đầu tư lợi dụng biến sân golf thành “điểm nhấn” đi kèm cho các dự án bất động sản.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng: việc tỉnh Hòa Bình thu hồi hơn 61ha trong tổng số hơn 140ha rừng trồng để giao cho nhà đầu tư xây dựng sân golf; phê duyệt quy hoạch sân golf trên đất lâm nghiệp được giao cho Tổng Công ty Lâm nghiệp quản lý là sai với quy hoạch sân golf quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cần tách bạch
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, phát triển các sân golf là việc cần làm để kích cầu du lịch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có nhiều chủ đầu tư sân golf lạm dụng xin dự án để lách luật kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng. Nguồn thu từ bất động sản “ăn theo” sân golf thực chất là nguồn lợi chính của nhà đầu tư.
Hầu hết các dự án sân golf và bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, xét về quy hoạch, theo ông Võ, đều không hình thành nên đơn vị ở hay đơn vị dân cư, nghĩa là đơn thuần chỉ thuộc quy hoạch du lịch. Do đó các dự án bất động sản cùng sân golf không có thời hạn sử dụng lâu dài. Các chủ đầu tư thường thuê đất trả tiền hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho suốt thời gian thuê.
Vì thế người mua các sản phẩm bất động sản này không sở hữu tài sản như đối với nhà ở thông thường được. “Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư sử dụng 10% quỹ đất dịch vụ cho sân golf cho việc xây khách sạn, biệt thự để bán và kinh doanh không đúng quy định, thậm chí còn có bán cả condotel trong dự án sân golf”, ông Đặng Hùng Võ nói.
“Vì sao nhiều sân golf lỗ triền miên, thu không đủ chi nhưng chủ đầu tư vẫn tính làm sân golf tiếp, mở rộng thêm dự án?”, GS Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi và đề xuất nên có quy định chặt chẽ về 10% quỹ đất dịch vụ thì chỉ được kinh doanh, các dịch vụ về golf và cho người đánh golf. Hiện nay, nhiều sân golf đang nhập nhằng việc này. Ngoài ra, theo ông Võ, cần đánh thuế, thu tiền sử dụng đất theo dạng đất dịch vụ xây khách sạn, xây biệt thự để bán, cho thuê để tránh thất thu ngân sách.
Một số chuyên gia đồng tình với quan điểm của ông Võ và cho rằng, quy định cho sử dụng 10% diện tích đất dịch vụ trong sân golf tạo kẽ hở trong cấp phép sân golf. Cần có quy định diện tích sân golf không được làm các dịch vụ khác, phần đất dịch vụ trong sân golf phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính như đất dịch vụ.