Nhà ở xã hội dành cho cán bộ được rao bán công khai

photo1616809455589 1616809455717643928494

Dự án phát triển nhà ở xã hội độc lập cho cán bộ, công chức, viên chức tại khu dân cư Km 4-5, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2016 do Quỹ Đầu tư phát triển Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Dự án nằm ở khu vực được xem là một trong những “khu nhà giàu” của tỉnh Đắk Lắk do được quy hoạch bài bản, gần các tiện ích xã hội.

Rao bán tràn lan với giá cao

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 6-2017, gồm 2 khối nhà 6 tầng, với tổng diện tích hơn 16.000 m2. Có tổng cộng 180 căn hộ, trong đó có 140 căn để bán và 40 căn để cho thuê. Tổng mức đầu tư xây dựng là 108 tỉ đồng từ nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách. Công trình chính thức khánh thành, đi vào hoạt động đầu tháng 12-2020.

 Nhà ở xã hội dành cho cán bộ được rao bán công khai  - Ảnh 1.

Nhà ở xã hội độc lập cho cán bộ, công chức, viên chức tại khu dân cư Km 4-5, phường Tân An

Theo tìm hiểu của phóng viên, có 4 loại căn hộ là 40 m2, 53 m2, 57 m2 và 67 m2. Giá bán thực tế cho cán bộ, công chức, viên chức trung bình 10 triệu đồng/m2, giá cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng. Những người thuộc diện được mua, thuê nhà phải là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các cơ quan, đơn vị nhưng chưa có đất thổ cư, chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích nhà ở bình quân dưới 10 m2/người.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên mạng xã hội Facebook lẫn một số trang web đăng tải thông tin rao bán các căn hộ tại khu nhà ở xã hội này với giá chênh lệch khá lớn. Phóng viên liên hệ với 1 số điện thoại rao bán nhà ở xã hội thì được người phụ nữ giới thiệu làm ở một công ty môi giới bất động sản trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. Người này khẳng định vừa bán 1 căn với giá 680 triệu đồng. Hiện còn một căn hộ 55 m2 (chưa trừ tường) bán với giá 720 triệu đồng (cao hơn giá thực tế bán cho cán bộ gần 150 triệu đồng).

 Nhà ở xã hội dành cho cán bộ được rao bán công khai  - Ảnh 2.

Nhà ở xã hội dành cho cán bộ rao bán tràn lan trên mạng

“Chủ đầu tư đã cấp cho người sở hữu đầu tiên một giấy chứng nhận, khi mua nhà chỉ viết giấy tay chuyển nhượng và chờ 4 đến 5 năm sau mới cấp sổ. Anh phải trả hết tiền, chỉ giữ lại 30 triệu đồng khi nào ra sổ trả nốt. Căn hộ này thuộc diện chỉ bán cho cán bộ, công nhân viên chức nhưng nếu anh là người dân thì vẫn mua được, không có vấn đề gì” – người này quả quyết.

Chủ đầu tư khẳng định không tiếp tay

Theo đại diện Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Đắk Lắk, dự án phát triển nhà ở xã hội ra đời với mục đích ổn định cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức để họ yên tâm công tác. Để đủ điều kiện mua căn hộ, người có nhu cầu phải làm hồ sơ gửi cơ quan đang công tác xác nhận và chủ đầu tư, các sở ngành liên quan thẩm định, xét duyệt với quy trình nghiêm ngặt. Qua 2 đợt rao bán, số căn hộ chưa có chủ dư đến một nửa nên chủ đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh xin mở rộng nhóm người được phép mua có thêm lực lượng quân đội, công an, người đang công tác tại doanh nghiệp có 50% vốn nhà nước trở lên.

 Nhà ở xã hội dành cho cán bộ được rao bán công khai  - Ảnh 3.

Văn bản khuyến cáo của chủ đầu tư về việc mua bán nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Đắk Lắk, thừa nhận có tình trạng nhà ở xã hội dành cho cán bộ bị rao bán và đơn vị cũng đã có văn bản với nội dung lưu ý rằng, việc bán lại căn hộ vào thời điểm này là không phù hợp với hợp đồng mua bán đã ký và quy định về pháp luật về nhà ở xã hội. Trường hợp những khách hàng không còn nhu cầu về nhà ở thì liên hệ với đơn vị để thoả thuận chấm dứt hợp đồng mua bán. Nếu phát hiện có việc bán lại căn hộ thì người mua nhà đã ký hợp đồng với chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thực tế cũng đã có một số trường hợp xin trả lại nhà.

“Theo hợp đồng, nếu không còn nhu cầu sử dụng thì phải bán lại cho chủ đầu tư hoặc cùng đối tượng với giá tương đương giá quy định. Từ 5 năm trở lên, người mua nhà mới được phép bán lại nên việc rao bán cho mọi đối tượng thời điểm này là vi phạm” – ông Thắng nói.

 Nhà ở xã hội dành cho cán bộ được rao bán công khai  - Ảnh 4.

Dự án nằm ở khu vực nhà giàu của tỉnh Đắk Lắk

Theo ông Thắng, tổ công tác của các phòng Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với đơn vị để nắm tình hình về việc mua bán nhà ở xã hội. Hiện các đơn vị này đang thu thập hồ sơ, chứng cứ phối hợp với chủ đầu tư làm rõ vụ việc.

“Hoàn toàn không có sự tiếp tay của nhân viên, cán bộ lẫn lãnh đạo đơn vị với môi giới bất động sản hay cố tình xét duyệt hồ sơ qua loa cho người mua căn hộ để rồi móc nối bán ra. Hồ sơ người mua được hội đồng xét duyệt, thẩm định rất kỹ và có thêm nhiều tiêu chí thẩm định nên khó có sơ hở” – ông Thắng trả lời thắc mắc của phóng viên.

Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết với mục đích, ý nghĩa nói trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định miễn tiền thuê đất cho dự án. Đến thời điểm này, ngoài 6 căn ở tầng dưới sử dụng vào muc đích kinh doanh, đang chuẩn bị bán đấu giá thì đơn vị đã ký hợp đồng mua bán 139/140 căn (10 căn chưa lấy tiền) và 24/40 căn cho thuê nhưng chỉ mới thu hồi được hơn 70 tỉ đồng. “Phải 5 năm sau, 40 căn cho thuê mới được phép bán thì mới tính chuyện thu hồi vốn. Qũy làm dự án này mang tính chất xã hội chứ theo phê duyệt thì lãi chỉ mấy phần trăm” – ông Thắng cho biết.

Theo Điều 30, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội thì UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn.

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *