Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (mã ACV – HOSE) vừa công bố báo cáo kiểm toán 2020. Năm qua là một năm chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không, các chuyến bay thương mại quốc tế bị dừng từ tháng 3, các đợt giãn cách xã hội tháng 4 trên toàn quốc và tháng 7,8 tại Đà Nẵng đã ảnh hưởng đáng kể đến ngành hàng không và du lịch.
Doanh thu bán hàng của ACV năm 2020 đạt 7791 tỷ đồng, giảm hơn 10.562 tỷ đồng so với năm trước, tương đương giảm 57,62%. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 2.231 tỷ đồng, tăng 16%, trong khi chi phí tài chính lên tới 968 tỷ đồng, tăng 832% so với năm 2019 do có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 842 tỷ. Lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán năm 2020 của ACV đạt 1.641,5 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với năm 2019.
Trong cơ cấu doanh thu của ACV, tổng doanh thu dịch vụ hàng không đạt gần 5.970 tỷ đồng, giảm 59,4% so với năm 2019, trong đó doanh thu phục vụ hành khách giảm 62%, doanh thu soi chiếu an ninh giảm 57,5%, doanh thu phục vụ mặt đất giảm 24%, doanh thu dịch vụ hàng không khác giảm 56,5%.
Với các dịch vụ phi hàng không, mức sụt giảm không quá mạnh, doanh thu cho thuê mặt bằng chỉ giảm 38%, đạt hơn 550 tỷ đồng, doanh thu sử dụng hạ tầng nội cảng, giảm 45%, ACV vẫn thu về 236 tỷ đồng tiền cho thuê quảng cáo tại các sân bay, con số này chỉ giảm 22% so với năm trước.
Trong khi cả ngành gặp khó khăn, thậm chí Vietnam Airlines thua lỗ chục nghìn tỷ đồng thì năm 2020 ACV vẫn còn một khoản “cứu cánh” đó là khoản tiền gửi ngân hàng khổng lồ 33.683 tỷ tích luỹ từ các năm trước. Riêng lãi tiền gửi của ACV trong năm 2020 đạt 2.147 tỷ đồng, tăng 336 tỷ so với năm trước.
Tiền nhiều vẫn không đủ: Đầu tư sân bay Long Thành vốn 16 tỷ USD
ACV đang quản lý 22 sân bay trên cả nước. Tháng 1/2021, ACV đã chính thức khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – Dự án thành phần 3. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ 030 triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn. Khi hoàn thành, Cảng HKQT Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án có diện tích 5.000 ha.
Tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không, bao gồm: hạ tầng chung (rà phá bom mìn, san lấp và chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hàng rào, giao thông kết nối tuyến số 1, số 2 và các nút giao; đường và bãi đỗ ôtô, cầu, hầm, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông…); công trình tại khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không, hệ thống thiết bị ILS/DME…); sân đỗ tàu bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hoá số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành Cảng và các công trình phụ trợ khác.
Phần ACV làm chủ đầu tư có giá trị khoảng 109.111 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. Theo lãnh đạo ACV, kế hoạch đến 2025, ACV tích luỹ hơn 36.000 tỷ đồng tiền mặt, cộng thêm vốn chủ sở hữu hơn 36.600 tỷ đồng (tương đương hơn 1,56 tỷ USD), số còn thiếu ACV sẽ đi vay, hiện đã có 12 tổ chức tín dụng cam kết cho ACV vay khoảng 5 tỷ USD (thời hạn vay 15 năm) để làm sân bay Long Thành. Dịch COVID-19 đã tác động không ít tới ACV, và cả kế hoạch tích lũy vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản đến năm 2025. Dù vậy, ACV vẫn ưu tiên nguồn lực tài chính cho sân bay Long Thành, bên cạnh việc cân đối vốn để hoàn thiện các dự án quan trọng khác, như nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga sân bay Phú Bài, Cát Bi, Vinh, mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài, mở rộng sân bay Điện Biên…
Dự án Cảng HKQT Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia. Đây cũng là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Theo một tổ chức quốc tế của Australia đánh giá, Cảng HKQT Long Thành khi hoàn thành đưa vào hoạt động có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3 đến 5%.
Sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính là vị trí địa lý với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc phòng.