Trao đổi trên báo chí mới đây, đại diện Tổng Cụ thuế cho biết đang nghiên cứu, đề xuất Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ trình Quốc hội nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế đối với hoạt động cho thuê nhà trong chương trình sửa Luật thuế giá trị gia tăng trong thời gian tới.
Lý do đề xuất là bởi hoạt động cho thuê nhà của cá nhân hiện nay phải đóng mức thuế suất cao nhất (10%) so với nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ khác (từ 4,5% đến 7%), ngưỡng này đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Nếu so sánh với việc gửi tiền tiết kiệm ngân hàng không phải chịu thuế thì việc cá nhân bỏ nhiều tỷ để đầu tư bất động cho thuê phải chịu thuế 10% mà không được trừ bất kỳ khoản chi phí nào là không hợp lý.
Theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNCN) thì cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu trở xuống không thuộc diện chịu thuế. Các trường hợp cá nhân có BĐS cho thuê có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm (trên 8,3 triệu đồng/tháng) được xác định là đối tượng phải kê khai, nộp thuế.
Theo quy định tại Biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính thì hoạt động cho thuê tài sản không kèm theo dịch vụ lưu trú chịu thuế 10% (GTGT 5%, TNCN 5%).
Những trường hợp cho thuê BĐS thuộc diện chịu thuế 10% đều được xác định là những trường hợp kinh doanh BĐS (theo Luật kinh doanh bất động sản). Việc kinh doanh BĐS theo hình thức cho thuê trong thời gian vừa qua mặc dù không bằng lãi tiết kiệm khi để tiền ngân hàng, khách hàng thuê không ổn định nhưng vẫn thu hút nhiều cá nhân có tiền nhàn rỗi hoặc tiền vay (nhưng khả năng trả nợ tiền vay tốt) đầu tư vào lĩnh vực này vì cái được lớn nhất là có được tài sản để dành, sở hữu lâu dài và tài sản đó có thể đem lại dòng tiền ổn định theo năm tháng, không bị mất giá, thậm chí là tài sản tích luỹ.
Cũng theo đại diện Tổng Cục Thuế, sẽ không nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế với dịch vụ lưu trú. Theo đó, dịch vụ lưu trú không tính vào hoạt động cho thuê tài sản gồm: Thứ nhất, cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai; cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự; cung cấp cơ sở lưu trú cùng dịch vụ ăn uống và các phương tiện giải trí. Thứ hai, dịch vụ lưu trú không bao gồm: cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn được coi như cơ sở thường trú như cho thuê căn hộ hàng tháng hoặc hàng năm được phân loại trong ngành BĐS theo quy định của pháp luật về Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
Thuế suất đối với hoạt động cho thuê BĐS ở mức cao hơn so với các loại hình kinh doanh dịch vụ khác, đã loại trừ các hoạt động mang tính lưu trú, các hoạt động cho thuê đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội như sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự.
Theo Trí thức trẻ