Ngân hàng dồn dập báo lãi đậm quý 1

photo1617768119373 16177681197652076477695

Gay cấn vị trí quán quân lợi nhuận

Theo báo cáo cập nhật mới đây, SSI đánh giá các ngân hàng thương mại quốc doanh có khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng quý 1/2021 ngoạn mục hơn mức bình quân ngành khi các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Trong đó, SSI ước tính lợi nhuận của VietinBank trong quý 1 đạt 7.500 tỷ đồng (tăng 152% so với cùng kỳ).

Trong khi trước đó, tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, lợi nhuận của nhà băng này trong quý 1/2021 ước đạt 7.000-8.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ 2 năm gần nhất. Đáng chú ý, ngân hàng chưa ghi nhận khoản phí trả trước của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Manulife nhưng đã có lãi “khủng” như trên.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, VietinBank vẫn để ngỏ mục tiêu lợi nhuận năm 2021, chỉ cho biết sẽ đảm bảo hiệu quả kinh doanh và bám sát diễn biến tác động của Covid-19. Trong khi đó, SSI dự báo, lợi nhuận trước thuế năm 2021 và 2022 lần lượt đạt 21,6 nghìn tỷ và 25,9 nghìn tỷ nhờ vào sự dịch chuyển kênh bán lẻ và giảm gánh nặng nợ xấu.

Còn tại Vietcombank, Chủ tịch HĐQT ông Nghiêm Xuân Thành mới đây cho biết, trong quý 1 năm nay, ngân hàng đạt lợi nhuận khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng 28% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm (25.200 tỷ).

Tín dụng đến hết 3 tháng của Vietcombank đã đạt tăng trưởng 3,7%, cao hơn nhiều so với mức hơn 2% của toàn ngành và cũng cao hơn mức tăng trưởng của 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại (Agribank, BIDV, VietinBank). Đây còn là mức tăng trưởng tín dụng trong quý 1 cao nhất nhiều năm ở Vietcombank.

Như vậy, dường như VietinBank đã tạm vượt Vietcombank để trở thành quán quân lợi nhuận trong quý 1 năm nay. Tất nhiên, con số chắc chắn hơn sẽ phải chờ sau khi báo cáo tài chính được công bố.

Xét về triển vọng cả năm, Vietcombank vẫn có nhiều lợi thế hơn, trong đó phải kể đến hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN giao cho Vietcombank là 10,5%, cao nhất trong nhóm Big4. Ngoài ra, Vietcombank vẫn đang là ngân hàng có nguồn tiền giá rẻ quy mô lớn nhất hệ thống; đứng đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu (380%). 

Nhiều ngân hàng tăng trưởng theo cấp số nhân

Một số ngân hàng tư nhân lớn như MB, ACB, HDBank cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 với mức lãi kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước.

MB cho biết, lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất ước đạt trên 4.570 tỷ đồng, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ giảm mạnh từ 1,46% hồi đầu năm xuống còn 1,14%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì mức cao gần 150%. Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lãi khoảng 13.200 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hôm qua (6/4), lãnh đạo ACB cho biết, ngân hàng ước lợi nhuận quý 1 đạt 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61%. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 10.602 tỷ đồng trong năm nay, tăng 10% so với năm ngoái.

HDBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh với lãi quý 1 ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó lợi nhuận riêng lẻ hơn 1.810 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với quý 1/2020. Dư nợ tín dụng quý 1/2021 của HDBank tăng khoảng 5,2%.

Các ngân hàng tầm trung như SeABank, MSB,…cũng báo lãi đậm với tăng trưởng tính theo lần, tín dụng tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm. SeABank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý đầu năm nay đạt 698,3 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của SeABank đạt 184.302 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; Cho vay khách hàng tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng.

Còn tại MSB, lãnh đạo ngân hàng cho biết, dự kiến đến cuối quý 1, tiền gửi của MSB đạt 92.000 tỷ, tăng 11% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt xấp xỉ mức phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, tăng trên 9%. Ước tính lợi nhuận quý 1 của MSB đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, gấp 4 lần mức đạt được cùng kỳ. Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 9,9% và nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *