Thành lập năm 1995, Tổng CTCP Công trình Viettel – Viettel Construction (Mã CK: CTR) là đơn vị phụ trách toàn bộ việc xây lắp hạ tầng cơ sở mạng viễn thông trong nước và quốc tế của Viettel. Sau 26 năm phát triển, Viettel Construction đã trở thành Công ty số 1 Việt Nam trong lĩnh vực xây lắp và vận hành khai thác hạ tầng viễn thông.
Viettel Construction sở hữu đội ngũ nhân sự 10.000 người, phủ khắp 63 tỉnh thành phố và cả ở các thị trường quốc tế mà Tập đoàn Viettel đầu tư, đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển các ngành nghề kinh doanh truyền thống và mở rộng ngành nghề kinh doanh mới ngoài viễn thông.
Thời gian gần đây, Viettel Construction đã mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh mới với nhiều tiềm năng tăng trưởng, có thể kể tới như dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị gia đình (Homecare), lắp đặt camera, đèn thông minh hay các giải pháp công nghệ thông tin.
Cơ hội xâm nhập thị trường sửa chữa thiết bị gia đình
Một trong những lĩnh vực trọng tâm mà Viettel Construction đang đẩy mạnh là cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị điện, nước trong gia đình (Homecare). Homecare được đánh giá là lĩnh vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng khi nhu cầu sửa chữa thiết bị trong gia đình luôn thường trực, trong khi thị trường này khá phân mảnh, chủ yếu đến từ các nhóm thợ cá nhân, trong khi gần như không có đơn vị lớn, uy tín nào tham gia.
Thị trường phân mảnh là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn gia nhập. Điều này có thể thấy rõ qua câu chuyện thị trường điện thoại, điện máy những năm trước khá phân mảnh nhưng Thế giới di động với chất lượng dịch vụ vượt trội đã vươn lên chiếm lĩnh mảnh đất màu mỡ này.
Với lợi thế nhân sự lên tới 10.000 người, hiện diện tại 63 tỉnh thành, Viettel Construction có lợi thế lớn khi có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi miền tổ quốc một cách nhanh chóng. Từ đầu tháng 4, Viettel Construction đã ra mắt app Home Service, giúp khách hàng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ bảo dưỡng tại nhà.
Tiềm năng lớn với giải pháp lắp camera, đèn thông minh
Một lĩnh vực mà Viettel Construction đang đẩy mạnh triển khai là lắp đặt camera xã hội hóa giúp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm. Mô hình này đang được nhân rộng trên toàn quốc và là thị trường lớn cho các doanh nghiệp tham gia.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, cho thấy chỉ riêng quy mô mảng camera an ninh hiện rất lớn, không chỉ từ hộ gia đình mà còn từ các cấp chính quyền.
Thống kê của CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết số lượng camera giám sát bình quân của Việt Nam trên 1.000 dân hiện chỉ khoảng 27,2 chiếc, thấp hơn nhiều so với mức 152,8 chiếc hay 153,6 chiếc tại Trung Quốc cho thấy dư địa phát triển thị trường này còn rất nhiều.
Bên cạnh camera xã hội hóa, nghị định 10/2020 cũng mang đến cơ hội tăng trưởng cho Viettel Construction từ giải pháp lắp camera cho xe ô tô. Cụ thể, theo nghị định, trước 01/7/2021, ôtô kinh doanh vận tải khách từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe khi lưu thông. Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách.
Theo ước tính của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiện có khoảng 200.000 xe khách, container, đầu kéo phải lắp camera từ trước 1/7. Chi phí lắp đặt camera mỗi xe ước tính khoảng 10 triệu đồng, chưa kể tới chi phí truyền dữ liệu lên tới hàng trăm nghìn đồng mỗi tháng. Với lợi thế nằm trong hệ sinh thái Viettel cùng địa bàn hoạt động rộng khắp toàn quốc, Viettel Construction được kỳ vọng sẽ có cơ hội lớn từ quy định lắp camera này.
Cùng với việc triển khai lắp đặt camera, thị trường đèn cao áp thông minh có kết nối, sử dụng năng lượng mặt trời cũng là hướng đi mà Viettel Construction đang triển khai. Thống kê của VCSC cho biết tỷ lệ đèn đường thông minh của Việt Nam hiện rất thấp và điều này mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia như Viettel Constrution.
Theo đánh giá của CTCK Bản Việt (VCSC), mối quan hệ của Viettel Construction với Viettel đem lại vị thế thuận lợi so với các đối thủ tư nhân trong các thị trường được quản lý bởi Nhà nước như năng lượng và thành phố thông minh. Việc Việt Nam ứng dựng còn thấp các giải pháp thành phố thông minh như hệ thống camera giám sát và đèn đường thông minh cho thấy tiềm năng tăng trưởng dồi dào cho Viettel Construction. Ngành giải pháp thông minh của Việt Nam, bao gồm thành phố thông minh và nhà thông minh sẽ có doanh thu tăng trưởng bình quân là 35% trong giai đoạn 2020-2025.
Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chuyển đổi số được đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng tăng trưởng trong nhiều năm tới. Nắm bắt cơ hội này, Viettel Construction đã cung ứng ra thị trường các giải pháp công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Việc hoạt động kinh doanh rộng khắp 63 Tỉnh/Tp và các tuyến huyện của Viettel Construction, sẽ là lợi thế tiếp theo cho doanh nghiệp này. Khi thị trường tuyến tỉnh có nhiều khách hàng tiềm năng chưa được khai phá như: các công ty may mặc/ giày da, hệ thống khách sạn, các hãng taxi có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh bán hàng tạp hóa, các trang trại,…
Do vậy việc chào bán các giải pháp của Viettel Construction như phần mềm quản lý cửa hàng, phần mềm quản lý tưới tiêu trang trại, quản lý kho tài sản, bãi đỗ xe, triển khai hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin,…sẽ là những đơn thuốc hữu hiệu cho cơn khát áp dụng công nghệ vào quá trình chuyển đổi số, thích nghi của doanh nghiệp trong thời kỳ mới như hiện nay.