Hãng tin CNN dẫn một báo cáo từ Hiệp hội Quốc gia Các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) cho biết giá bán trung bình một căn nhà ở nước này trong tháng 3 là 329.100 USD – cao nhất kể từ khi NAR bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 1999. So với cùng kỳ năm ngoái, giá nhà trung bình ở Mỹ đã tăng 17,2%.
Giá nhà bị đẩy lên cao chủ yếu do người mua phải cạnh tranh để mua được. Lượng nhà tồn kho ở Mỹ trong tháng 3 tăng nhẹ so với tháng 2 nhưng vẫn giảm 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc người mua phải hành động cực nhanh.
Theo NAR, trong tháng 3, thời gian bình quân chờ bán một căn nhà ở Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 18 ngày – một mức thấp kỷ lục. 80% số căn nhà được bán trong tháng 3 là những căn được rao bán trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Tuy nhiên, nguồn cung nhà sụt giảm cũng đã bắt đầu ảnh hưởng đến doanh số, khi số nhà bán được trong tháng 3 giảm 3,7% so với tháng 2.
“Doanh số của tháng 3 lẽ ra phải cao hơn nhiều nếu nguồn cung dồi dào hơn”, chuyên gia kinh tế trưởng Lawrence Yun của NAR phát biểu. “Khi được hỏi ‘nếu có thêm 20% số nhà rao bán, thì các bạn có tăng doanh số thêm được 20% không?’, thì tất cả các nhà môi giới đều trả lời rằng ‘đúng thế’”.
Cũng theo báo cáo của NAR, nguồn cung nhà dồi dào hơn ở phân khúc cao cấp. Nhà có giá trên 1 triệu USD là phân khúc duy nhất mà nguồn cung tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, ở phân khúc này, doanh số tháng 3 cũng tăng gấp đôi so với tháng 3/2020.
Trong khi đó, nguồn cung nhà có giá từ 100.000-200.000 USD giảm 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh số giảm 10,2%.
“Nguồn cung nhà khan hiếm tiếp tục đẩy giá nhà lên mức cao kỷ lục, làm cho việc sở hữu nhà ngày càng xa tầm với của nhiều người Mỹ”, chuyên gia kinh tế Robert Frick thuộc Navy Federal Credit Union phát biểu.
Ông Frick cho rằng nước Mỹ sẽ phải mất một thời gian mới có thể giải quyết được vấn đề này. “Tốc độ xây dựng đang cao, cho dù có nhiều hạn chế về đất đai, nhân công và vật tư. Tuy nhiên, trong vòng 1 thập kỷ qua, lượng nhà xây mới ở Mỹ vào hàng thấp nhất trong lịch sử”, ông nói.
Việc giá nhà tăng nhanh đặt ra mối lo bong bóng bất động sản ở Mỹ. Tuy nhiên, điều khiến ông Yun lo ngại nhất là các điều kiện kinh tế hiện nay có thể khiến giá nhà không ngừng tăng, dẫn tới khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa người có nhà và người không có nhà.
“Người có nhà sẽ ngày càng giàu, còn người phải đi thuê nhà sẽ bị ngoài cuộc”, ông nói.
Xu hướng leo thang của giá này có thể dẫn tới điều mà ông Yun gọi là “phán quyết” về tài sản của một gia đình. Ông lấy San Francisco làm ví dụ. Nhiều năm trước, thành phố này còn chưa phải là nơi có giá nhà đắt đỏ nhất ở Mỹ như hiện nay. Giả sử có hai gia đình cùng thu nhập trung bình ở thời điểm đó, một gia đình mua nhà và gia đình kia thì không. Đến hiện tại, gia đình thứ nhất đã trở thành hộ triệu phú còn gia đình không có nhà thì không.
Ông Yun kêu gọi Chính phủ Mỹ có những cân nhắc kỹ lưỡng để tăng nguồn cung nhà, bao gồm các quy định về phân khu và xây dựng để đẩy nhanh tốc độ xây dựng các dự án nhà ở mới, cũng như giảm giá vật tư xây dựng.
Gói đầu tư hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất mới đây bao gồm một số điều khoản nhằm gia tăng nguồn cung nhà. Ông Yun cho rằng Chính phủ có thể giảm tạm thời thuế tài sản gia tăng (capital gains tax) để khuyến khích một số nhà đầu tư bán nhà, theo đó làm gia tăng nguồn cung nhà trên thị trường.