Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng xếp hạng tiền gửi dài hạn của Sacombank từ Caa1 lên B3 với triển vọng ổn định, đồng thời nâng bậc đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh lên Caa1 từ Caa2.
Lần thay đổi hạng tín nhiệm của Sacombank này thể hiện Moody’s nhìn nhận nghiêm túc nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng theo lộ trình chiến lược tái cơ cấu. Kể từ sau giai đoạn sáp nhập, cấu trúc sở hữu và quản trị ngân hàng của Sacombank, theo Moody’s, đã có những cải thiện vượt bậc và trở nên minh bạch hơn trước.
Những thách thức của môi trường kinh tế xã hội trong năm 2020 đã không làm chậm tiến độ thực hiện chiến lược tái cơ cấu và phát triển kinh doanh của Sacombank. Hầu hết các mục tiêu tiến độ của Đề án tái cơ cấu đã được Sacombank hoàn thành trọn vẹn.
Tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng tính đến ngày 31/12/2021 đạt gần 493.000 tỷ đồng, tăng gần 10%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 13%. Tổng huy động đạt hơn 447.000 tỷ đồng với huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 439.000 tỷ đồng. Cơ cấu danh mục huy động ngày càng đa dạng với kỳ hạn bình quân dài hơn so với các năm trước.
Khả năng thanh khoản và huy động vốn của Sacombank, theo Moody’s, vẫn là điểm mạnh nhờ mạng lưới kinh doanh rộng khắp và nền tảng khách hàng cá nhân bền vững. Bên cạnh đó, ngân hàng ít phụ thuộc vào nguồn vốn nhạy cảm với biến động thị trường như nhận/gửi tiền liên ngân hàng, chỉ chiếm khoảng 3% tổng tài sản và là mức thấp nhất trong các ngân hàng Việt Nam được Moody’s xếp hạng. Do đó, điểm số thanh khoản của Sacombank luôn đạt mức B3, ổn định từ năm 2017 đến nay.
Trong báo cáo cập nhật lần này, Moody’s đã xác nhận vấn đề quản trị ngân hàng và cơ cấu cổ đông có những tiến triển tích cực. Điều này xuất phát từ việc Sacombank triển khai cơ chế quản trị điều hành ngân hàng theo hướng quản lý tập trung – điều hành phân cấp; đảm bảo sự công khai, minh bạch, thượng tôn pháp luật trong mọi hoạt động với nguyên tắc hành động bảo vệ, gia tăng lợi ích hợp pháp cho cổ đông, ngân hàng và khách hàng ở cấp độ cao nhất trong suốt những năm qua.
Khả năng hoàn trả nợ vay được Moody’s nhìn nhận là cực kỳ thách thức cho Sacombank khi khối lượng tài sản có vấn đề lớn và tỷ lệ tổng tài sản có vấn đề so với dự phòng tín dụng và vốn chủ sở hữu hữu hình ở mức rất cao vào thời điểm sau sáp nhập. Đây là điểm trọng yếu, có tính chi phối đến quyết định xếp hạng tín nhiệm của Moody’s dành cho Sacombank. Nhờ áp dụng chiến lược xử lý tài sản có vấn đề linh hoạt, phù hợp với khẩu vị thị trường và tiến trình triển khai quyết liệt, dứt điểm nợ xấu qua từng năm, Sacombank đã kéo giảm tỷ lệ nói trên một cách ấn tượng. Từ mức cao 415% (vào cuối năm 2016), tỷ lệ nói trên giảm xuống 384% (cuối năm 2017) và chỉ còn 151% vào cuối năm 2020. Để đạt được kết quả ấn tượng đó, Sacombank đã đẩy mạnh thu hồi và xử lý nợ xấu với doanh số đạt hơn 15.200 tỷ đồng, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu về mức 1,6% trong suốt năm 2020.
Moody’s cũng lưu ý rằng các mức xếp hạng tín nhiệm của Sacombank có thể gia tăng trong tương lai một khi ngân hàng cải thiện đáng kể khả năng hoàn trả nợ vay thông qua thanh lý tài sản có vấn đề nhận về tiền mặt, tăng trích lập dự phòng và được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng vốn.
H. Kim