Điều khiến dư luận và các doanh nghiệp trong giới kinh doanh, khai thác cát sông ngạc nhiên, bất ngờ vì mức giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có độ chênh lệch “khủng”.
Cụ thể, mỏ cát trên sông Hậu có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng nhưng một doanh nghiệp ở thị xã Tân Châu (An Giang) trúng với mức giá gần 273 tỷ đồng, cao trên 62 lần so với giá khởi điểm.
Riêng mỏ cát trên sông Tiền, có giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, kết thúc phiên đấu giá, một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh trúng đấu giá với mức giá 2.811 tỷ đồng, cao tương đương 390 lần so với giá khởi điểm.
Các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh cát sông tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cho rằng với mức giá mà các đơn vị trúng đấu giá với trữ lượng cát đã nêu thì “vô phương” có lãi. Hiện giá cát sông dùng trong san lấp trên địa bàn tỉnh An Giang, cũng như tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 50.000 – 80.000 đồng/khối. Tuy nhiên chi phí khai thác và thuế đã chiếm trên khoảng 50% giá thành bán ra.
“Chỉ cần nhẩm tính thì với 2,3 triệu khối cát thì không tài nào khai thác và kinh doanh để đạt được số tiền 2.811 tỷ đồng. Nếu trúng đấu giá ở mức vài chục tỷ thì còn cố gắng có “cửa ra”, chứ giá trên thì thua” – đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh, khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang khẳng định.
Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, việc đấu giá khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu đã từng được tổ chức. Tuy nhiên, với kết quả một doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền với số tiền 2.811 tỷ đồng thì đây là kết quả bất ngờ.
“Rất nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ bỏ quyền khai thác cát”, ông Trí nói và cho biết thêm, đối với mỏ cát trên sông Tiền, để có giấy phép khai thác đúng quy định, doanh nghiệp trúng đấu giá phải đóng tiền đợt 1 khoảng 140 tỷ đồng. Còn trong trường hợp doanh nghiệp “bỏ chạy” thì mất tiền cọc 1,4 tỷ đồng. Hiện, quy định pháp luật cũng chưa có chế tài xử lý trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá rồi bỏ.
Công an nhân dân