John D. Rockefeller là trùm kinh doanh sinh năm 1839. Từ năm 16 tuổi, ông đã trở thành trợ lý kế toán cho một doanh nghiệp. Năm 20 tuổi ông bắt đầu xây dựng quan hệ đối tác kinh doanh. Năm 31 tuổi, ông chính thức thành lập Standard Oil, kiểm soát 90% tổng lượng dầu ở Hoa Kỳ vào thời kỳ đỉnh cao. Thời điểm giá xăng dầu tăng vọt nhanh chóng đưa ông trở thành người giàu nhất đất nước.
Thời điểm đó, tài sản của Rockefeller xấp xỉ 2% giá trị nền kinh tế Hoa Kỳ, và nếu điều chỉnh theo lạm phát, thì tài sản ròng của ông vua dầu mỏ sẽ sẽ có giá trị khoảng 418 tỷ USD ở hiện tại. Ước tính, nếu như Jeff Bezos – người giàu nhất hành tinh hiện nay – muốn sở hữu 2% giá trị nền kinh tế Hoa Kỳ giống như Rockefeller ở năm 1916, thì tài sản ròng của ông chủ Amazon phải đạt hơn 400 tỷ USD – hơn gấp đôi những gì vị tỷ phú này đang nắm giữ.
Bản lĩnh và giàu có là thế nhưng ít người biết, thuở nhỏ John D. Rockefeller chỉ là một cậu bé nhà nghèo tầm thường. Trong khi cha ông là người bán hàng rong, nổi tiếng chuyên lừa gạt mọi người thì mẹ ông, người chỉ ở nhà nội trợ, đã dạy cho con trai rằng: ”Mọi sự lãng phí cố ý đều mang đến ước muốn tồi tệ”.
Vậy nên Rockefeller từng chia sẻ rằng: ”Ngay từ nhỏ, tôi được học cách lao động và tiết kiệm.” Đó nguyên nhân mà tiết kiệm dường như đã trở thành bản tính, ăn sâu vào máu của người đàn ông này. Thậm chí, đến từng tiểu tiết của cuộc sống cũng thể hiện rõ khía cạnh này của vị tỷ phú dầu mỏ.
Chân dung của vị tỷ phú USD đầu tiên trên thế giới John D. Rockefeller.
Thời kỳ của Kỷ nguyên vàng, những khối tài sản khổng lồ không ngừng được tạo ra và chảy vào túi của người giàu, từ đó sinh ra những lối sống đầy phóng túng và xa hoa. Rockefeller cũng sở hữu điền trang và biệt thự, nhưng ông luôn dạy con cháu của mình giá trị của lối sống thanh bạch để tránh cho chúng bị hủy hoại bởi chính những khoản thừa kế lớn.
Điển hình là bọn trẻ nhà Rockefeller chỉ có duy nhất một chiếc xe ba bánh. Chúng buộc phải học cách tự chia sẻ với nhau nếu muốn ai cũng được sử dụng. Các con trai của vị tỷ phú cũng không được đưa đón bằng xe hay có người phục vụ đi cùng, mà chỉ đi bộ từ nhà đến trường. Tiền tiêu vặt mỗi tháng cũng bị cha mình kiểm soát chặt chẽ, thậm chí là phải làm công để nhận được nhiều hơn.
Không chỉ với mọi người xung quanh, bản tính cần kiệm còn được ông áp dụng lên chính mình. Bất chấp sự phản đối của gia đình, ông kiên quyết mặc những bộ comple cũ cho tới khi chúng sờn rách. Thói quen ăn uống của ông cũng rất dung dị. Một trong những món ăn ông yêu thích vẫn là bánh mì và sữa.
Một lần, ở Cleveland, ông mời hai vợ chồng doanh nhân nổi tiếng của địa phương đến trang trại Forest Hill nghỉ hè. Sau khi trở về, họ đã vô cùng bất ngờ khi nhận hóa đơn đề nghị thanh toán tiền ăn, trị giá 600 đô-la từ Rockefeller.
Một lần khác, khi đi ăn cùng hai vị mục sư của nhà thờ Baptist tại châu Âu, ông ngồi kiểm tra rất kỹ từng khoản trên hóa đơn thanh toán. Dù không biết nhiều về tiếng Pháp, ông vẫn hỏi mọi người để xác định rõ ràng từng thứ trên đó, xong xuôi mới đồng ý thanh toán.
Con trai của ông từng cho biết: “Bố tôi không bao giờ muốn thanh toán một hóa đơn khi chưa biết mọi khoản trên hóa đơn có chính xác hay không. Đối với một số người, bận tâm đến những thứ nhỏ nhặt dường như là bủn xỉn, nhưng đối với cha tôi, đó là cách thể hiện của một quy tắc sống”.
Thói quen chú ý tới tiểu tiết này thể hiện rõ nét nhất thông qua câu chuyện “ăn bớt” tại Standard Oil – một truyền kỳ trong giới kinh doanh.
Trong một lần đi xem xét tình trạng hoạt động của một nhà máy, tại khu hàn, ông hỏi người vận hành máy rằng: “Để hàn hoàn chỉnh một lon đựng dầu, cậu sử dụng bao nhiêu giọt chất hàn?”
Người này đáp: “40 giọt, thưa ngài”.
Rockefeller ngay lập tức đặt ra bài toán mới: “Vậy cậu đã bao giờ thử dùng 38 giọt chưa?”
Sau câu hỏi, ông yêu cầu mọi người thử nghiệm chỉ với 38 giọt chất hàn, kết quả nhận được là có một số lon xuất hiện tình trạng rò rỉ. Sau đó, họ tiếp tục thử nghiệm với 39 giọt chất hàn, mọi thứ đều ổn. Và cuối cùng, tất cả nhân viên đều phải “ăn bớt” 1 giọt chất hàn trong quá trình làm việc. Con số 39 trở thành tiêu chuẩn mới cho tất cả các nhà máy lọc dầu của Standard Oil.
Như vậy, chỉ với việc thay đổi một tiểu tiết rất nhỏ, Standard Oil tiết kiệm 2.500 USD trong năm đầu tiên. Tuy bị “ăn bớt” nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của mối hàn, hoạt động xuất khẩu dầu của công ty không hề bị ảnh hưởng mà trái lại, nó tiếp tục tăng gấp đôi và thậm chí là gấp 4 lần, dẫn đến việc số tiền tiết kiệm được từ tiêu chuẩn 39 giọt chất hàn đã tăng lên đến hàng trăm nghìn USD.
Có thể thấy rằng, chính thói quen tiết kiệm được rèn giũa từ nhỏ đã giúp vị tỷ phú nhận ra giá trị của việc “tích tiểu thành đại”. Ngay cả một xu tiết kiệm được cũng sẽ được nhân lên hàng nghìn lần đối với hoạt động kinh doanh khổng lồ của tập đoàn.
Trong suốt quá trình điều hành công việc của mình, ông cũng luôn chỉ trích gay gắt “sự phí phạm” trong cạnh tranh không kiểm soát và quyết tâm “ít phô trương nhất ở mức có thể”.
Ông luôn cho rằng, “điều quan trọng nhất đối với một người là tạo dựng được uy tín, danh tiếng và tư cách”, chứ không phải vẻ hào nhoáng bề ngoài.
Từ ngoại hình, thói quen buổi sáng, thói quen hàng ngày, các mối quan hệ nghề nghiệp, nỗi ám ảnh về những con số, Rockefeller đều chú ý đến từng tiểu tiết và thể hiện bản tính tiết kiệm đã ăn vào máu của bản thân. Những thói quen nhỏ này kết hợp lại để tạo nên doanh nhân quyền lực bậc nhất thế giới.
Dù là người tiết kiệm, chăm chỉ và yêu công việc, song tỷ phú dầu mở cũng rất quan tâm tới sức khỏe của bản thân. Một trong 5 nguyên tắc “bất di bất dịch” của ông là chăm sóc bản thân.
Trong cuốn hồi ký của mình, Rockefeller nói về tầm quan trọng của việc chăm sóc bản thân. Ông cảnh báo mọi người không nên hy sinh sức khỏe chỉ vì làm giàu. Ông khuyên nhân viên không nên dành phần lớn thời gian (trừ lúc ngủ) để làm việc mà phải chú ý đến các khía cạnh khác của cuộc sống. Và ông chính là ví dụ điển hình nhất: Nhờ chăm sóc bản thân tốt, ông sống đến 97 tuổi.
Một trong những câu nói hay nhất của ông là “Người làm việc cả ngày là người không kiếm được tiền”. Rockefeller tin rằng người không dành thời gian chăm sóc bản thân sẽ không kiếm được tiền.
Theo vị tỷ phú, chăm sóc bản thân bắt đầu bằng một giấc ngủ ngon, uống nhiều nước, tập thể dục và chế độ ăn uống điều độ.
Tỷ phú Rockefeller cũng là một người trung thực. Các nhân viên ngân hàng yêu mến điểm này của ông và sẵn sàng hợp tác cũng như hậu thuẫn cho hầu hết các dự án kinh doanh của vị tỷ phú vì họ tin tưởng ông.
Rockefeller xây dựng văn hóa làm việc của mình dựa trên sự trung thực. Ông yêu cầu mọi người phải luôn nói sự thật và chịu trách nhiệm với lời nói cũng như hành động.
Ông từng nói: “Điều quan trọng nhất đối với một người là tạo dựng được uy tín, danh tiếng và tư cách”.