Làm thế nào 1 kẻ từng “nhúng chàm” lại có thể che mắt hàng loạt ngân hàng sừng sỏ trên phố Wall?

photo1617357093385 1617357093693219111170

Chỉ trong vài tuần, cổ phiếu của 1 công ty truyền thông lâu đời đã tăng gần 300%. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ xì xào bàn tán về “thuyết âm mưu”: giống như GameStop, ViacomCBS đang ở mức quá thấp so với giá trị thực!

Tuy nhiên, bên trong những ông lớn hàng đầu phố Wall, các nhà đầu tư sừng sỏ có 1 ý tưởng về những gì đang diễn ra phía sau. Một “cá voi” – Bill Hwang, nhà sáng lập của Archegos Capital Management – đang mua vào một lượng lớn cổ phiếu này.

Một loạt ngân hàng lớn trên khắp thế giới đã liên tục cung cấp đòn bẩy mà Hwang cần để vơ vét cổ phiếu Viacom. Nhưng điều mà họ không nhìn thấy là quy mô cú đặt cược của Hwang. Bill Hwang đã lén lút tích lũy tới 10 tỷ USD cổ phiếu Viacom và điều tương tự cũng xảy ra ở vài công ty nữa.

Những lỗ hổng trong giám sát và quản lý rủi ro như trên cũng chính là một trong những lý do khiến các ngân hàng toàn cầu phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng khi Archegos bị margin call và sụp đổ tuần trước.

Đối mặt với thực tại phũ phàng là vụ margin call lớn nhất trong lịch sử và phải vội vàng tìm ra cách giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất, các ngân hàng phục vụ Archegos đã nhóm họp khẩn cấp. Theo nguồn tin thân cận, đại diện của Credit Suisse đã đưa ra 1 ý tưởng: chúng ta có nên chờ đợi các cổ phiếu mà Hwang đặt cược hồi phục? Họ lưu ý rằng giá cổ phiếu Viacom dường như đang ở mức thấp giả tạo sau khi vượt mốc 100 USD chỉ 2 ngày trước.

Nhưng sự thật là chính những cú đặt lệnh của Hwang đã giúp Viacom trở thành cổ phiếu tăng điểm tốt nhất trong chỉ số S&P 500 kể từ đầu năm đến nay, buộc các nhà đầu tư chỉ số và những quỹ ETF cũng phải mua vào. Không có Hwang, Viacom và những cổ phiếu khác trong danh mục của anh ta gần như không có cơ hội hồi phục.

Đôi lúc trong các cuộc trao đổi, các ngân hàng đã van nài Hwang tự tìm lối thoát cho mình bằng cách bán một số cổ phiếu và huy động tiền mặt để tăng ký quỹ. Nhưng Hwang vẫn tỏ ra cứng rắn và không hề nao núng.

Giờ đây, vụ đổ vỡ của Archegos đang lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra và thói quen sẵn sàng cho những khách hàng vip vay tiền mà không cần giám sát kỹ lưỡng của phố Wall đang trở thành tâm điểm chú ý.

Tại ít nhất 9 công ty, công ty quản lý tài sản gia đình (family office) của Hwang đã tích lũy đủ số cổ phiếu để nhân vật này trở thành một trong những cổ đông lớn nhất. Hwang lấy tiền từ đâu để làm điều đó? Nhờ những khoản vay ký quỹ lớn đến mức bất thường kể cả khi xét theo tiêu chí của 1 quỹ đầu cơ.

Nhưng tại sao Hwang không bị sờ gáy? Hwang có thể thực hiện những cú đặt cược lớn đến vậy là nhờ những hợp đồng phái sinh. Và với tư cách là 1 công ty tư nhân, Archegos không cần phải công bố thông tin với hầu hết các nhà đầu tư. Một cách bí mật, Hwang đã tích lũy được danh mục có giá trị lên tới 100 tỷ USD mà không ai hay biết.

Ngày càng có nhiều chi tiết về cách các ngân hàng đã giúp Archegos thực hiện những cú đặt cược táo bạo được hé lộ. Từ đó chúng ta càng nhìn thấy rõ ràng hơn những “điểm mù” đang ngăn cản hệ thống tài chính quản lý những rủi ro do chính họ tạo nên.

Tầm nhìn bị hạn chế

Theo những nguồn tin thân cận, Nomura, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Credit Suisse và các ngân hàng khác có manh mối về những gì Archegos đang làm. Tất nhiên họ biết về những giao dịch mà mình đang tài trợ. Điều mà họ không thể nhìn thấy là Hwang liều lĩnh đặt cược lớn vào nhiều công ty cùng một lúc.

Mặc dù hầu hết các khách hàng muốn mập mờ như vậy, điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng: chỉ việc tháo gỡ một chuỗi những cú đặt cược lớn và sử dụng nhiều đòn bẩy của 1 tài khoản đã là rất khó khăn, và công việc trở nên khó khăn hơn gấp bội khi họ phải làm như vậy trong lúc các ngân hàng đối thủ cũng ráo riết thoát khỏi những tài sản đó, được nắm giữ bởi cùng 1 khách hàng.

Hôm 25/3, các môi giới của Hwang gặp nhau 1 lần nữa và thảo luận về việc rút lui có trật tự. Tuy nhiên bất cứ thỏa thuận nào đạt được cũng đều chỉ là ngắn hạn. Cùng ngày hôm đó, một số đã thông báo Archegos vỡ nợ, mở đường bán tháo cổ phiếu. JPMorgan Chase ước tính một số ngân hàng có thể lỗ tổng cộng 10 tỷ USD vì vụ này.

“Hi vọng rằng sự việc sẽ khiến các ngân hàng, công ty môi giới và cả các bên giám sát họ phải đánh giá lại mối quan hệ giữa họ và các quỹ sử dụng đòn bẩy cao”, Sheila Bair, cựu Chủ tịch Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang, viết trên Twitter.

Đây không phải là lần đầu tiên trong đời Hwang gặp khủng hoảng. Năm 2012, anh bị buộc tội lừa đảo và giao dịch nội gián liên quan đến cổ phiếu Trung Quốc. Hwang nộp tiền phạt mà không nhận tội hay chối bỏ tội lỗi của mình. Archegos chính là quỹ quản lý tài sản mà Hwang thành lập sau khi giải thể Tiger Asia Management.

Dù dính phải lùm xùm trước đó, Hwang vẫn nhận được sự hỗ trợ của những ngân hàng tên tuổi. Morgan Stanley là một trong những người hỗ trợ đầu tiên. Ít nhất 1 lãnh đạo cấp cao của Deutsche Bank tin rằng Hwang không làm gì sai và ngay lập tức đưa Archegos vào danh sách khách hàng.

Giai đoạn 2016-2018, Archegos đã vài lần tiếp cận JPMorgan nhưng đều bị từ chối. Đó là quãng thời gian mà JPMorgan vẫn đang tập trung sửa chữa mảng môi giới chứng khoán đã mua lại từ Bear Stearns trong khủng hoảng tài chính 2008. Tình cờ họ đã tránh được 1 thảm họa.

Trường hợp Goldman Sachs cũng khá đặc biệt. Nhiều năm nay các lãnh đạo của mảng tự doanh của Goldman đã cố gắng mở 1 tài khoản cho Hwang nhưng phòng giám sát kiên quyết nói không. Cuối cùng Goldman cũng “lên tàu” trong những tháng cuối của năm 2020, đủ thời gian để tăng cường quan hệ với Archegos và cũng bị vướng vào cơn bão tuần trước. May mắn cho Goldman là họ tẩu thoát nhanh hơn và thiệt hại không đáng kể.

Công cụ mà Hwang sử dụng là swap, loại hợp đồng mà ngân hàng và khách (ở đây là Archegos) sẽ thỏa thuận trên cơ sở là sự thay đổi giá của tài sản cơ sở (ví dụ ở đây là cổ phiếu Viacom). Lợi ích của swap là chúng cho phép những nhà đầu tư lớn như Hwang mua vào 1 lượng lớn cổ phiếu mà không cần công khai danh tính. Ngân hàng sẽ mua cổ phiếu, đứng tên chủ sở hữu trong khi trên thực tế là Archegos mới là bên gánh chịu rủi ro từ biến động giá.

Để thực hiện 1 hợp đồng swap như vậy, Archegos sẽ trích một phần giá trị của vị thế làm tài sản ký quỹ (bằng tiền mặt). Phần còn lại của giao dịch sẽ được tài trợ bởi ngân hàng.

Bởi vì lãi và lỗ từ các hợp đồng hoán đổi được tính toán hàng ngày, Archegos cũng phải mở 1 khoản ký quỹ thứ hai gọi là “ký quỹ biến động giá”. Nếu giá trị danh mục đầu tư giảm, ngân hàng tịch thu số tiền ký quỹ đó. Còn nếu giá tăng, ngân hàng sẽ trả thêm tiền mặt cho Archegos.

Nếu Hwang không thể đóng thêm tiền khi bị margin call, các ngân hàng phục vụ Hwang cũng có quyền tịch thu tất cả các tài sản đảm bảo trong các tài khoản swap của anh ta và bán số cổ phiếu đó để thu lại tiền. Đó chính là những gì đã xảy ra tuần trước, khi cổ phiếu Viacom lao dốc.

Động thái mua vào của Hwang đã giúp cổ phiếu Viacom vượt mốc 100 USD lần đầu tiên trong lịch sử, và số cổ phiếu mà Hwang nắm giữ cũng có giá trị thị trường vào khoảng 10 tỷ USD. Cổ phiếu lớn thứ hai trong danh mục của Hwang là ông lớn quỹ chỉ số Vanguard, theo số liệu của Bloomberg.

Tối muộn ngày 22/3, Viacom thông báo bán 3 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi. 2 ngày sau, cổ phiếu Viacom giảm 30%, khiến Archegos cháy túi và rung lên hồi chuông báo động tại các ngân hàng môi giới. Chỉ đến khi họp khẩn cấp, họ mới nắm bắt được toàn bộ quy mô đặt cược của Hwang.

Sự cứng đầu của Hwang

Ban đầu, một số ngân hàng do dự không muốn bỏ rơi Hwang. Nhóm các ngân hàng đã yêu cầu Hwang bán bớt cổ phiếu – quyết định sẽ buộc anh ta phải chịu lỗ. Nhưng Hwang từ chối.

Khi phiên giao dịch ngày 25/3 sắp đóng cửa, cổ phiếu Viacom giảm thêm 5,3%, xuống còn 66,35 USD. Credit Suisse đề xuất hãy bình tĩnh và chờ cổ phiếu hồi phục.

Nhưng đến sáng hôm sau, ngay cả trước khi sàn New York mở cửa, Goldman đã bán ra các cổ phiếu trong danh mục của Archegos với các giao dịch lô lớn có tổng trị giá 3,3 tỷ USD. Morgan Stanley và Wells Fargo nhanh chóng tiếp bước. Đến tận chiều thứ hai, tại Zurich, Credit Suisse mới tiết lộ họ đang đối mặt với khoản lỗ nghiêm trọng từ một khách hàng Mỹ. Nomura cũng cho biết có thể lỗ 2 tỷ USD.

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *