Mục Lục
Không chỉ là thành phố nghỉ dưỡng
Đà Lạt là địa danh xuất phát từ cái tên Đạ Lạch, tức là dòng sông của người Lạch. Kể từ ngày được phát hiện bởi bác sỹ Yersin, nơi đây được xây dựng thành một chốn nghĩ dưỡng cao cấp cho tầng lớp quý tộc, quan chức thời thuộc Pháp.
Chính vì phát triển dựa trên chức năng này, Đà Lạt đã trở thành một đô thị xanh trên cao nguyên Lâm Viên, với đặc điểm kiến trúc, hạ tầng rất hài hòa, lãng mạn và sang trọng.
Đà Lạt nhìn từ Núi Voi.
Khoảng 20 năm trở về trước, Đà Lạt chủ yếu thu hút khách du lịch quốc tế và một lượng nhỏ khách nội địa tới nghỉ mát. Tuy nhiên, càng về sau, khách du lịch nội địa càng tăng mạnh. Kéo theo đó là sự phát triển ồ ạt của các loại hình khai thác lưu trú, nhà ở. Từ khoảng 15 năm nay, Đà Lạt cũng đón nhận thêm rất nhiều người nhập cư. Hiện sở hữu nhà, đất, vườn tại Đà Lạt đã trở thành một trào lưu, đặc biệt là với tầng lớp khá giả ở mọi miền.
Tình trạng này khiến cho quy hoạch Đà Lạt thường xuyên ở trong nguy cơ bị phá vỡ. Việc quản lý đất đai và xây dựng đòi hỏi nhiều nỗ lực kiểm soát, xử lý của các ngành chức trách địa phương.
Chia sẻ chức năng ra vùng phụ cận
Nhìn thấy viễn cảnh này, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định 704, về quy hoạch Đà Lạt và các vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Điểm nổi bật của đồ án là quy mô của Đà Lạt sẽ tăng lên gần 9 lần so với hiện tại, từ 39.440ha lên tới 335.930ha.
“Bây giờ Đà Lạt quá tải thì phải chia sẻ. Quỹ đất ở trong Đà Lạt không còn nhiều, dân thì càng ngày càng tăng, khách đến du lịch càng ngày càng nhiều. Từ thời điểm đó, địa phương đã nhìn thấy được vẫn đề là phải chia sẻ các chức năng chia ra để giãn dân. Đó là lý do tại sao mật độ xây dựng và tầng cao tại thành phố Đà Lạt khống chế toàn bộ là như vậy. Nếu không làm tốt việc này, Đà Lạt sẽ là một đô thị nén, phát triển theo hướng tầng cao, mật độ xây dựng sẽ dày. Hiện mật độ gộp cho các khu đô thị ở đây rất là thấp, có nơi chỉ 15%”, ông Phan Văn Trung – Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng nói.
Theo định hướng, Đà Lạt là đô thị lõi. Xoay quanh là 5 đô thị vệ tinh, gồm: Lạc Dương, D’Ran, Finôm – Thạnh Mỹ (một phần huyện Đơn Dương), Liên Nghĩa – Liên Khương (huyện Đức Trọng), và đô thị Nam Ban (một phần huyện Lâm Hà). Về tổng thể, Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ có phía bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía nam giáp huyện Di Linh, phía Đông giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp phần còn lại của huyện Lâm Hà.
Nét thanh bình trên hồ Xuân Hương.
Mặc dù vẫn chưa thành hình rõ ràng trên thực địa sau 6 năm Quyết định 704 của Chính phủ có hiệu lực, nhưng tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt đã vận dụng đồ án một cách chặt chẽ để giữ cho vùng lõi Đà Lạt không bị “biến dạng” trước làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ từ bất động sản du lịch và nhập cư. Ông Trung cho biết: “Sau khi ban hành đến nay, thì cơ bản mình đã giữ được rất là nhiều yếu tố. Đầu tiên là yếu tố về cảnh quan cảnh quan thiên nhiên, các không gian của đô thị là mình kiểm soát rất chặt chẽ. Rồi thông qua việc cấp phép, thông qua việc tổ chức lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì đều bám theo đồ án này và hiện nay là mình đã giữ được toàn bộ cái trục chủ đạo theo đồ án và nó không mất đi cái tính chất ban đầu của thành phố Đà Lạt khi mới hình thành”.
Một phần của trục cảnh quan cây xanh, nhìn từ Dinh Bảo Đại về Núi Voi.
Giữ bằng được hai trục di sản và cảnh quan
Song song với việc dãn nở và chia sẻ các chức năng về nhà ở đô thị, giao thông, du lịch sinh thái, nông nghiệp… Thành phố Đà Lạt đã xác lập 2 trục chính đi qua vùng lõi. Cụ thể là trục di sản Đông – Tây theo hướng D’Ran về Cam Ly. Trên trục này đang có hệ thống các nhà ga và hầm xe lửa được xây dựng từ thời Đà Lạt mới hình thành. Tiếp đó là hệ thống dinh thự, biệt thự, nhà thờ cổ kính kéo dài dọc theo đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ… Đây chính là các công trình xây dựng ghi dấu lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt từ hơn một thế kỷ qua. Lối kiến trúc kết hợp giữa phong cánh và văn hóa bản địa trên trục di sản này đã là nét đặc sắc không thể lẫn vào đâu được của Đà Lạt.
Toàn cảnh thành phố Đà Lạt.
Trục thứ 2 chính là trục cảnh quan cây xanh Bắc – Nam. Trục này kéo dài từ đỉnh Lang Biang qua Viện Sinh học, trường Đại học Đà Lạt, Đồi Cù, Hồ Xuân Hương, Dinh Bảo Đại, đèo Prenn và Núi Voi.
Việc xác lập 2 trục này giúp cho chính quyền địa phương bám sát việc quản lý, tránh mọi biểu hiện xâm hại chủ quan hoặc khách quan. “Chúng tôi khẳng định thành phố Đà Lạt vẫn là một thành phố du lịch, trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế. Ngoài ra cũng là thực hiện các chức năng khác, như là trung tâm về giáo dục, thể thao. Nhưng quan trọng nhất vẫn là đảm bảo phát triển Đà Lạt nhưng cũng cần vừa đảm bảo yếu tố bảo tồn. Vì Đà Lạt có 2 yếu tố chính, đó là kiến trúc, di sản kiến trúc Pháp để lại. Thứ hai là khí hậu, cảnh quan. Cả hai đều rất cần phải bảo tồn”, ông Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng nói.