Không khuyến khích nhân viên ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm

photo1618306633778 1618306633882395021968

Đây là chia sẻ của ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam bên lề hội thảo khoa học “Thị trường bảo hiểm CVII 2021: Tác động COVID-19, Insurtech, thị trường và chính sách” do Trường ĐH Kinh tế TP HCM tổ chức, ngày 13-4.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 186.221 tỉ đồng, tăng 16,5% so với năm trước. Trong đó mảng phi nhân thọ chiếm 55.664 tỉ đồng, tăng 5,3% và nhân thọ đạt 130.557 tỉ đồng, tăng 22%.

Các doanh nghiệp đã chi trả 47.039 tỉ đồng, tương đương hơn 2 tỉ USD cho quyền lợi bảo hiểm.

 Không khuyến khích nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm  - Ảnh 1.

Khách hàng không bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn ngân hàng

Đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, tức cứ 100 người dân Việt Nam đã có khoảng 11 người có bảo hiểm nhân thọ. Dự kiến tới năm 2025, khoảng 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa đạt 3% và dự kiến đến năm 2025 đạt 3,5%.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) sẽ tiếp tục phát triển mạnh và trở thành một trong những kênh phân phối chính của ngành bảo hiểm. Thực tế, hàng loạt thương vụ hợp tác giữa ngân hàng thương mại với công ty bảo hiểm đã diễn ra gần đây, với hàng ngàn tỉ đồng phí trả trước của hãng bảo hiểm cho ngân hàng.

Nếu khoảng 6-7 năm trước, doanh thu của ngành Bancassurance chỉ chiếm khoảng 6% nhưng tăng dần qua từng năm và đến năm ngoái đã chiếm tới 40% doanh thu bán bảo hiểm mới. Bancassurance là xu thế sẽ tiếp tục phổ biến ở Việt Nam.

Chia sẻ bên lề hội thảo về câu chuyện nhân viên ngân hàng mời chào, thậm chí “ép” khách hàng vay vốn phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, ông Ngô Trung Dũng khẳng định các doanh nghiệp bảo hiểm và cả Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam không khuyến khích điều này.

“Chúng tôi rất khó xử trong câu chuyện này vì đây không phải chủ trương của ngành bảo hiểm nhưng khi công ty bảo hiểm và ngân hàng ký hợp đồng độc quyền khai thác bảo hiểm sẽ có những ràng buộc về chỉ tiêu. Các ngân hàng giao lại chỉ tiêu cho nhân viên và có thể xảy ra chuyện “ép” hoặc mời khách hàng mua nhưng thực ra đây là “con dao hai lưỡi” có thể ảnh hưởng uy tín thương hiệu của cả ngân hàng và công ty bảo hiểm” – ông Ngô Trung Dũng phân tích.

Sau giai đoạn phát triển nóng, từ năm 2021, thị trường bảo hiểm nhân thọ có thể tăng trưởng ở mức khoảng 15%. Với sự cạnh tranh ngày càng mạnh buộc các doanh nghiệp tham gia phải cung cấp sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và ứng dụng công nghệ hiện đại bao gồm cả chuyển đổi số.

Thạc sỹ Hồ Thu Hoài, Khoa tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, chia sẻ các doanh nghiệp bảo hiểm đang tập trung sử dụng công nghệ để gia tăng hiệu quả phân phối sản phẩm có sẵn đến khách hàng. Doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi số nhằm đạt hiệu quả kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo Thái Phương

Người lao động

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *