Nhắc đến tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” không thể không nhắc tới phẩm chất trung nghĩa, hai chữ “trung nghĩa” này đã xuyên suốt cả bộ tiểu thuyết, cũng chính phẩm chất tốt đẹp này đã giúp “Tam quốc diễn nghĩa” lay động tâm hồn người đọc, khiến người ta cảm nhận được một giá trị khác ngoài tiền bạc và lợi ích.
Song khi nói đến những vị tướng trung nghĩa nhất trong “Tam quốc diễn nghĩa” thì trên thực tế chỉ có 5 người, ngoài 5 người này thì những người khác đều không đáng nhắc tới. Đáng nói là trong danh sách này, 2 người đứng đầu danh sách đều phò tá cho Lưu Bị.
1. Quan Vũ
Nói đến trung nghĩa thì phải kể tới Quan Vũ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, Quan Vũ đã trở thành biểu tượng cho sự trung nghĩa, Quan Vũ là người “thân tại Tào doanh tâm tại Hán”, sự trung nghĩa một lòng hướng về Lưu Bị của Quan Vũ đã làm cảm động biết bao người.
Bấy giờ, Lưu Bị đã bị Tào Tháo đánh bại, không biết nên chạy trốn chỗ nào, có thể nói thế lực của Lưu Bị khi ấy đã hoàn toàn bị đánh tan, hơn thế ngay cả tính mạng bản thân cũng không giữ được.
Chính vào lúc ấy, Tào Tháo đã ngỏ lời chiêu mộ Quan Vũ, nếu so sánh với Lưu Bị khi ấy, Tào Tháo có thế lực lớn hơn nhiều, lại có thiên tử và danh nghĩa trong tay, càng có nhiều cơ hội để thống nhất thiên hạ hơn.
Nếu như Quan Vũ đầu hàng Tào Tháo, sẽ càng có được nhiều lợi ích hơn, hơn thế việc này cũng chẳng có gì đáng trách, vì suy cho cùng con người cũng luôn chọn chỗ cao hơn mà đến, những danh tướng đầu hàng Tào Tháo trước đây cũng chẳng ít người.
Nhưng đối diện với quan cao lộc hậu mà Tào Tháo đưa ra, Quan Vũ lại thẳng thắn từ chối, hơn thế cũng nói rõ ràng rằng, Quan Vũ ông sẽ không đầu hàng Tào Tháo, chỉ cần ông biết được tin tức của Lưu Bị thì ông sẽ đi tìm Lưu Bị.
Tấm lòng trung nghĩa này của Quan Vũ đã khiến Tào Tháo vô cùng cảm động. Sau này Quan Vũ mang theo hai chị dâu (vợ của Lưu Bị), vượt năm quan chém sáu tướng, trải qua biết bao gian khổ cũng quay trở về được bên cạnh Lưu Bị.
Thử hỏi, khi đối mặt với đãi ngộ hậu hĩnh “ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn, trên có ngựa vàng, dưới có ngựa bạc” như vậy, sẽ có bao nhiêu người có thể giữ nguyên quyết tâm ban đầu? Từ hành động này có thể thấy được tấm lòng trung nghĩa lớn lao của Quan Vũ.
Tuy nhiên, vì những sai lầm của Quan Vũ, ông không chỉ khiến bản thân mất mạng mà còn liên đới đến cả gia tộc.
2. Triệu Vân
Nói đến Quan Vũ rồi thì không thể không nhắc tới Triệu Vân. Khi Triệu Vân vừa mới đầu quân dưới trướng Công Tôn Toản, thì mới phát hiện ra Công Tôn Toản chỉ là một kẻ đạo đức giả, nên ông muốn đi theo Lưu Bị.
Nhưng khi đó Lưu Bị là thuộc hạ của Công Tôn Toản nên Lưu Bị đã khuyên Triệu Vân đợi sau này nếu có cơ hội.
Sau khi Công Tôn Toản thất bại rồi qua đời, Viên Thiệu cũng đã từng ngỏ lời chiêu mộ Triệu Vân, nhưng Triệu Vân lại không để ý tới, ngược lại còn trăn trở tìm kiếm Lưu Bị, sau đó đầu quân dưới trướng Lưu Bị.
Về sau, Triệu Vân đảm nhiệm vị trí hộ vệ bên cạnh Lưu Bị, bảo vệ an toàn cho cả nhà Lưu Bị. Triệu Vân kiên định quyết đoán quay về phá vòng vây, tấm lòng sắc son, gan dạ của ông khiến người khác phải cảm động.
Triệu Vân vì nghĩa mà vượt nghìn dặm đi tìm Lưu Bị, vì trung mà một mình phá vòng vây cứu A Đẩu, hành động của ông chính là điển hình cho sự trung nghĩa, mà đó cũng chính là lí do khiến mọi người yêu quý Triệu Vân.
(Còn tiếp)
*Theo quan điểm của Sohu (Trung Quốc)