Nỗ lực giải cứu siêu tàu Ever Given đang bị mắc kẹt và chắn ngang kênh đào Suez sẽ chưa thể thành công cho đến ít nhất là thứ 4 tới, lâu hơn dự báo ban đầu, làm dấy lên viễn cảnh vụ tai nạn này sẽ làm náo loạn chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều loại hàng hóa từ dầu mỏ đến ngũ cốc và xe hơi.
Theo Bloomberg dẫn một số nguồn tin thân cận, việc giải cứu con tàu nặng 200.000 tấn sẽ phải mất 1 tuần nữa, thậm chí lâu hơn. Trước đó mọi người dự báo sẽ chỉ mất vài ngày mà thôi.
Hiện ngành vận chuyển container đã phải hoạt động hết công suất và bị kéo căng hết mức, do đó vụ mắc kẹt này là 1 mối đe dọa lớn đối với các công ty châu Âu vốn đang phụ thuộc lớn vào dòng chảy hàng hóa nhập khẩu từ châu Á cũng như những người tiêu dùng đã quen với việc các đơn hàng online sẽ được giao đến nhanh chóng.
Trước đó, tuyến đường vận chuyển hàng hóa nhộn nhịp nhất thế giới (kết nối Mỹ với Trung Quốc) đã đối mặt với gần 5 tháng bị nút thắt cổ chai tại 2 cảng biển Los Angeles và Long Beach, nơi các nhà nhập khẩu phải chờ tới hàng tuần vì hàng đi quá chậm hoặc các nhà xuất khẩu thiếu container rỗng để xuất hàng đi. Giờ đây sự cố trên kênh đào Suez càng khiến thách thức logistic của châu Âu thêm nghiêm trọng với những chuyến đi bị hủy, container khan hiếm và cước phí tăng vọt.
“Chắc chắn cước phí sẽ tăng, tạo ra áp lực lạm phát sâu rộng lên chuỗi cung ứng”, Chris Rogers, chuyên gia phân tích của S&P Global Market Intelligence nhận định. “Trong ngắn hạn, có thể xuất hiện tình trạng cháy hàng các hàng hóa tiêu dùng và chuỗi cung ứng just-in-time tiếp tục bị đứt gẫy sau khi đã bị các sự kiện như Brexit và khủng hoảng khan hiếm hàng hóa tàn phá”.
Theo dữ liệu của Bloomberg, mặc dù máy xúc và máy kéo – những thiết bị dù to lớn nhưng trở nên nhỏ xíu khi đặt cạnh siêu tàu khổng lồ – đã miệt mài làm việc suốt từ thứ 3, cho đến nay nỗ lực giải cứu vẫn chưa thành công. Số lượng các con tàu đang chất đầy số hàng hóa trị giá hàng tỷ USD đang xếp hàng chờ đã nhanh chóng tăng từ 186 lên 300. Theo Randy Giveans, chuyên gia tại Jefferies, nếu như buộc phải dỡ hàng hóa khỏi tàu hoặc phải sửa kênh đào, con kênh có thể bị tê liệt trong ít nhất là 2 tuần.
Hiện nhiều tàu đã bắt đầu chuyển hướng đi vòng dù đó là chặng đường rất đắt đỏ và tốn thời gian. Ví dụ, công ty của Hàn Quốc HMM đã chuyển hướng 1 tàu container sang đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. Ít nhất 7 tàu chở khí hóa lỏng cũng đã chuyển hướng đi để tránh kênh đào Suez.
Cước vận chuyển cũng tăng mạnh – chi phí để chuyển 1 container kích thước 40 foot từ Trung Quốc sang châu Âu đã tăng gần gấp 4 so với cách đây 1 năm, làm tăng thêm gánh nặng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà sản xuất trên toàn cầu đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc cả thành phẩm và các nguyên liệu tối quan trọng với dây chuyền sản xuất của họ đều bị giao hàng chậm trễ. Có thể nhìn vào danh sách những mặt hàng trên con tàu HMM đang đợi ở bên ngoài kênh đào để quay trở lại châu Á để đánh giá bao nhiều ngành bị ảnh hưởng: trên tàu có máy móc, đồ gỗ, thịt bò đông lạnh, giấy, sữa bột, đồ nội thất, bia, linh kiện ô tô, socola và cả mỹ phẩm.
Tham khảo Bloomberg