JP Morgan nâng mục tiêu VN-Index lên 1.400 điểm
JP Morgan vừa ra báo cáo cập nhật mục tiêu VN-Index lên 1.400 điểm (từ mức 1.200 điểm) và MSCI Vietnam lên 1.100 điểm (từ 1.000) vào thời điểm kết thúc năm 2021. Ở mức này, VN-Index sẽ giao dịch ở mức PE ước tính 17,5x cho năm 2021.
Động lực cho dự báo này đến từ xu hướng gia tăng lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp tiếp tục trong giai đoạn 2022 – 2023, tiềm năng nâng hạng lên thị trường mới nổi và sự quay trở lại của dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo, một chu kỳ kinh doanh đang diễn ra mạnh mẽ, các chính sách hỗ trợ sự thay đổi cấu trúc, giảm rủi ro từ gián đoạn COVID-19 và khả năng các chuyến bay quốc tế trở lại trong nửa cuối 2021.
JP Morgan quan sát các tín hiệu về thu nhập, thay đổi vị thế của các nhà đầu tư nước ngoài và định giá thị trường không cao so với mức trung bình trong lịch sử cũng như so với các công ty cùng ngành trong khu vực.
Ngân hàng, công nghệ thông tin, tiêu dùng, bất động sản là những lĩnh vực mà JP Morgan phân bổ. Các lĩnh vực này đã đánh bại hiệu suất chung của thị trường từ 3 – 20% tính từ đầu năm. Tuy nhiên, JP Morgan tin rằng, xu hướng tăng thu nhập mạnh mẽ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa khi định giá vẫn hấp dẫn so với các công ty cùng ngành trong khu vực.
Ngoài ra, tổ chức này cho rằng các cổ phiếu ngành dịch vụ du lịch (hàng không, sân bay, trung tâm thương mại, F&B…) vẫn còn giao dịch với mức định giá trước COVID-19. Do đó việc giảm bớt hạn chế đi lại và du lịch quay trở lại nửa cuối năm sẽ là chất xúc tác chính để đánh giá lại những cổ phiếu này.
Dòng tiền nước ngoài giảm nhưng không rút
Trong 12 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,2 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam (trong đó quý 1/2021 là 809 triệu USD), khiến tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức thấp.
Tuy nhiên, JP Morgan cho rằng, xu hướng này được thúc đẩy bởi việc chốt lời và cơ cấu danh mục, tổ chức này ngụ ý dòng tiền có thể quay trở lại trong trung hạn.
Hầu hết rút ròng xảy ra ở các cổ phiếu hàng đầu, thay vì độ mở nhiều cổ phiếu. 10 cổ phiếu hàng đầu chiếm khoảng 740 triệu USD giá trị bán ròng.
Quan trọng hơn, một cựu lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lưu ý rằng các nhà đầu tư vẫn giữ tiền tại thị trường Việt Nam, tích lũy 2,7 tỷ USD tiền mặt tính đến hết tháng 12/2020 (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái) và chờ đợi cơ hội để mua vào.
Ngoài ra, các sản phẩm ETF nội đang có sức hút ổn định với dòng vốn. VNDiamond ETF thu hút hầu hết dòng tiền vào kể từ năm 2020, quỹ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các cổ phiếu đã kín room.
Kinh tế vĩ mô có đà để tăng tốc
Tăng trưởng GDP quý 1 của Việt Nam đạt 4,48%, dưới mức dự báo. Nhưng các chỉ số cho thấy tốc độ tăng sẽ cải thiện trong các quý tiếp theo.
Việt Nam công bố PMI cao nhất Asean, xuất nhập khẩu tăng 24% so với cùng kỳ, đầu tư công tăng 13%, tăng trưởng tín dụng nhanh hơn ở mức 2,9% so với đầu năm (năm ngoái 0,7%), giải ngân vốn FDI tăng 6,5%…
Dữ liệu ngân sách cho thấy khả năng phục hồi bất chấp làn sóng COVID-19 thứ ba, doanh thu từ thuế tăng 5%. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Chính phủ vẫn có dư địa chi tiêu tài khóa nếu cần, cán cân ngân sách thặng dư.
Bối cảnh kinh tế vững chắc đã tái khẳng định mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ trong năm nay ở mức 6,5%. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ ngành ngân hàng bằng cách cho phép các ngân hàng mở rộng phân loại lại và xử lý các khoản dự phòng đối với các khoản cho vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19.