Sáng 26-3, tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cùng đại diện Bộ Quốc phòng đã làm việc với UBND TP HCM để gỡ vướng một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) và dự án đường Vành đai 3.
Thống nhất sớm đồng bộ hạ tầng khu vực sân bay
Báo cáo về tiến độ thực hiện dự án xây dựng nhà ga T3, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HÐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết ACV đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án sau khi có quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 từ tháng 5-2020. Tuy nhiên, đến nay chưa có mặt bằng để thi công vì gặp một số vướng mắc.
Mới đây, Bộ Quốc phòng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép bàn giao đất trước để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga T3 sân bay TSN với 16,05 ha (nằm trong phần diện tích hơn 36 ha của Cảng Hàng không quốc tế TSN). Sau đó, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai thủ tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn TP. “Hôm nay, chúng tôi báo cáo và mong có sự thống nhất của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ nhanh chóng trình Thủ tướng chấp thuận kiến nghị của Bộ Quốc phòng về bàn giao đất trước” – ông Lại Xuân Thanh nói và cho biết nếu thống nhất được về bàn giao mặt bằng thì theo kế hoạch, nhà ga T3 sẽ khởi công ngay trong tháng 10-2021 và hoàn thành vào quý III/2023.
Khẳng định tầm quan trọng của nhà ga T3 sân bay TSN, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết bộ rất ủng hộ việc bàn giao 16,05 ha đất trước để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga. “Chính vì vướng quy hoạch đất quốc phòng nên chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bàn giao trước. Nếu chúng ta không giải quyết được vướng mắc này thì có lẽ rất khó bàn giao đất quốc phòng để xây dựng nhà ga T3” – vị này nói và khẳng định dự án này chủ yếu vướng về mặt thủ tục, trình tự. Để đồng bộ hệ thống giao thông khu vực sân bay TSN, phía TP HCM cũng đang gấp rút thực hiện các đầu việc liên quan đến đường nối đường Trần Quốc Hoàn với Cộng Hòa.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình thống nhất quan điểm nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho nhà ga T3 và triển khai dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa để đồng bộ hệ thống hạ tầng, giao thông cho khu vực sân bay.
Được triển khai nhiều năm trước nhưng đến nay, dự án đường Vành đai 3 mới chỉ làm được đoạn Mỹ Phước – Tân Vạn
Chung tay vì Vành đai 3
Dự án quan trọng thứ 2 được đem ra bàn bạc, thảo luận chi tiết để tìm hướng tháo gỡ là Vành đai 3. Dự án này dài hơn 90 km chạy qua TP HCM, Bình Dương, Ðồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn – Bình Chuẩn, Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 – Bến Lức. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên đến nay, dự án này mới chỉ làm được đoạn Mỹ Phước – Tân Vạn dài 16,3 km qua địa phận tỉnh Bình Dương
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị thay Bộ GTVT quản lý dự án đường Vành đai 3), cho biết đoạn đi qua TP HCM đang bị vướng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng nên dự án chưa thể triển khai tại đây. Theo ông Trần Văn Thi, kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn qua TP HCM tăng từ 148 tỉ đồng lên khoảng 1.800 tỉ đồng sau khi tiến hành kiểm đếm, lập phương án lại. Tuy cả Bộ GTVT và TP HCM đều có những động thái để thúc đẩy dự án nhưng đến nay cả hai bên đều lấn cấn trong giải quyết số tiền tăng thêm này. “Phía TP HCM đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp thẩm quyền trung ương sẽ đảm nhận phần kinh phí giải phóng mặt bằng tăng thêm, còn Bộ GTVT thì cho rằng trước mắt TP cứ ứng vốn ra giải phóng mặt bằng” – ông Trần Văn Thi nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết Vành đai 3 là dự án giao thông rất quan trọng. Tuyến này sẽ điều hòa dòng xe đường cao tốc và các đường khác về TP HCM, giảm ùn tắc giao thông trong nội đô TP. “TP HCM mong muốn Bộ GTVT nhận phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng thêm. Thế nhưng, vốn trong năm 2020 của Bộ GTVT đã bố trí hết, vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2015-2020 đã xong, còn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 thì chưa lập kế hoạch. Vì vậy, Bộ GTVT mà đồng ý với TP HCM thì Đồng Nai sẽ so bì” – ông Lê Anh Tuấn lý giải. Do đó, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị TP HCM vẫn thực hiện theo chủ trương, chịu trách nhiệm chi tiền giải phóng mặt bằng, đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Về phía TP HCM, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Ðức, cho biết lúc đầu tính toán chi phí giải phóng mặt bằng (37 ha) trên giá đất nông nghiệp chỉ hơn 148 tỉ đồng. Nhưng hiện nay, bồi thường thực hiện theo thẩm định giá thị trường, được điều chỉnh bởi hệ số K nên tính toán sơ bộ chi phí giải phóng tăng lên khoảng 1.800 tỉ đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình, các dự án bên trong TP cũng đang gặp khó khăn về vốn. Khi vốn bồi thường giải phóng mặt bằng tăng thì tổng vốn dự án cũng đội theo. Phó Chủ tịch UBND TP giao TP Thủ Ðức phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tính toán kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Qua tuần sau báo cáo lại để báo cáo Thường trực UBND TP. Kết thúc buổi họp, Bộ GTVT và TP HCM đã thống nhất tiếp tục cùng nhau tìm giải pháp giải quyết vấn đề trên để dự án sớm được triển khai.
Lấn cấn hướng thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất
Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện việc thoát nước cho sân bay TSN.
Theo đó, Công ty CP Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam – TEDI South đề xuất bổ sung tuyến cống hộp kích cỡ 2,5 m x 2 m, chiều dài 1,35 km chạy thẳng từ sân bay ra kênh Tham Lương để thoát nước cho sân bay. Tuy nhiên, TP HCM cho rằng sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc vì giao thông khu vực này phức tạp. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn giao đơn vị tư vấn nghiên cứu, hoàn thiện đề án, bảo đảm giao thông trong quá trình thi công. Còn phía TP HCM sớm triển khai dự án cải tạo kênh Hy Vọng và kênh A41, bảo đảm khả năng thoát nước cho sân bay.