Hồi ‘thái lai’ của cổ đông ngân hàng đã đến

photo1618823004735 1618823004807641715138

Hồi thái lai của cổ đông ngân hàng đã đến - Ảnh 1.

Cổ phiếu STB đã có mức tăng cao nhất kể từ khi niêm yết. Ảnh: HOÀNG TÂN

Đua nhau chia cổ tức

Trong phiên giao dịch ngày 30-3, cổ phiếu Sacombank (STB) tăng trần lên mức 20.500 đồng, với khối lượng giao dịch đạt gần 100 triệu cổ phiếu, cao nhất kể từ khi ngân hàng này niêm yết trên sàn. Đà tăng mạnh tiếp tục duy trì trong bốn phiên sau đó với khối lượng trao tay tiếp tục duy trì ở mức cao từ 40-50 triệu cổ phiếu/ phiên.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Kiên Long (KLB) cho biết đã xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm liên quan đến dư nợ của một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB, thông qua hàng loạt giao dịch thỏa thuận trong giai đoạn cuối tháng 3 vừa qua. Trong đó, số cổ phiếu STB đảm bảo cho khoản vay nói trên tại Kienlongbank lên tới 176 triệu cổ phiếu, với dư nợ có khả năng mất vốn liên quan đến khoản vay này là gần 1.900 tỉ đồng.

Nhờ xử lý xong các khoản nợ được thế chấp bằng cổ phiếu STB nói trên, Kiên Long đặt ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm 2021 tăng vọt lên 1.000 tỉ đồng, gấp hơn 6,3 lần so với kết quả năm 2020. Kèm theo đó, Kiên Long cũng dự kiến chia cổ tức cho năm 2021 theo tỷ lệ 17%, cao hơn so với mức 13% của năm 2020 mà cũng sẽ được chia trong năm nay.

Ngay cả Sacombank – ngân hàng dù vẫn đang trong lộ trình tái cơ cấu từ năm 2015 đến nay, cũng muốn sử dụng hết nguồn lợi nhuận chưa phân phối còn lại gần 6.500 tỉ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông và tăng thêm vốn điều lệ cho ngân hàng. Trong suốt năm năm qua, Sacombank không được phép chia cổ tức do phải tập trung mọi nguồn lực để tái cấu trúc.

Một ngân hàng khác nằm trong diện không được chia cổ tức từ năm 2015 đến nay để tập trung nguồn lực cho tái cấu trúc là Eximbank (EIB). Tuy nhiên, ngân hàng này mới đây cũng tỏ ý muốn dùng hơn 2.200 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối chia cổ tức cho cổ đông, với lý do ngân hàng đã thanh toán hết trái phiếu VAMC đến cuối tháng 3 vừa qua. Trong năm nay, Eximbank đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 60%, lên 2.150 tỉ đồng. Đáng chú ý là ngân hàng này cũng đang nắm giữ 74,9 triệu cổ phiếu STB và khả năng cũng sẽ bán ra trong năm nay để thu hồi nợ.

Hay như SaigonBank (SGB) mới đây cũng đề xuất phân phối lợi nhuận năm 2020 với tỷ lệ chia cổ tức 5%, sau ba năm liên tiếp không chia cổ tức cho các cổ đông. SeABank (SSB) sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 9,12% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối 1.127 tỉ đồng. Ngân hàng Việt Á có kế hoạch phát hành 95 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 21,35%.

Bên cạnh những ngân hàng đang trong lộ trình tái cấu trúc nhưng gây bất ngờ khi vẫn muốn chia cổ tức, các ngân hàng khác tiếp tục mạnh tay chi cổ tức và chia cổ phiếu thưởng trong năm nay. Có thể kể đến như VIB chia cổ phiếu thưởng 40%, MBBank chia cổ tức 35%, MSB chia 30%, ACB, HDBank và OCB chia 25%.

Ngoài ra, một số ngân hàng trong những năm qua không được phép chia cổ tức nên gần đây đã dồn chia với tỷ lệ khủng nhờ lợi nhuận giữ lại rất lớn, như là một cách để tri ân cổ đông. Đơn cử như VietinBank sắp tới sẽ thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu gần 28,8% từ phần lợi nhuận giữ lại trong ba năm 2017, 2018 và 2019, bên cạnh việc chia cổ tức 5% tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu cho năm 2020.

Với lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31-12-2020 là hơn 1.292 tỉ đồng, Ngân hàng Nam Á trong năm nay cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ tối đa là 27,16%, trong đó, cổ tức năm 2019 là 12,48% và cổ tức năm 2020 là 14,68%. SHB cũng sắp chia 20,5% gồm 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020, tiếp nối mức chia 20,9% cho năm 2017 và 2018 đã thực hiện vào năm ngoái.

Giá cổ phiếu tăng vọt

Có thể thấy sau giai đoạn bị hạn chế chia cổ tức trong nhiều năm do phải tập trung nguồn lực để hoàn tất lộ trình tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra, nhiều ngân hàng nay đã phần nào xử lý và khắc phục tốt, nên mạnh tay chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối khá lớn. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ liên tiếp trong những năm vừa qua cũng như kế hoạch kinh doanh tham vọng cho giai đoạn tới, đã tạo động lực cho các ngân hàng mạnh tay chia cổ phiếu thưởng và cổ tức cho cổ đông.

Đáng lưu ý là ngoài chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu quen thuộc, không ít ngân hàng còn bắt đầu chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, khi hiện nay NHNN cũng không còn quá ràng buộc các chính sách chia cổ tức của các ngân hàng. Dù vậy, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ vẫn chiếm đa số, khi hầu hết các ngân hàng vẫn đang khát vốn để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh doanh dài hạn.

Trước đây việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thường bị nhiều cổ đông bức xúc phản đối, do giá cổ phiếu ngân hàng giai đoạn trước quá thấp. Giai đoạn hiện nay, giá cổ phiếu vua đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và là động lực chính dẫn dắt thị trường chung tăng điểm mạnh mẽ trong suốt một năm qua. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng có lẽ cũng tận dụng thời điểm thuận lợi này để chia cổ tức bằng cổ phiếu mà vẫn khiến cổ đông vui vẻ.

Đáng lưu ý là theo quy định tính toán các chỉ tiêu an toàn theo vốn tự có hiện nay, vốn tự có cấp 1 của các ngân hàng gồm các thành phần như vốn điều lệ, các quỹ dự trữ, thặng dư vốn và lợi nhuận không chia lũy kế.

Do đó, việc các ngân hàng giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ gần như không ảnh hưởng đáng kể lên vốn tự có, nhưng nhiều ngân hàng vẫn thích chuyển đổi lợi nhuận chưa phân phối này thành vốn điều lệ nhiều hơn, do vẫn có một số chỉ tiêu an toàn chỉ tính theo vốn điều lệ như các tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, cho vay khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu, hoặc như việc mở rộng mạng lưới theo quy định của Thông tư 21/2013/TT-NHNN cũng dựa trên quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng.

Quyết định chia cổ tức với tỷ lệ khủng của hàng loạt ngân hàng đã tạo ra sự hứng khởi cho nhiều nhà đầu tư và thu hút dòng tiền hướng vào tâm điểm là cổ phiếu ngân hàng. Như cổ phiếu SHB từ mức đáy cuối tháng 1 tính đến nay tăng hơn gấp đôi, VIB tăng 85%, KLB tăng 70%, CTG, STB, MBB và MSB đã tăng xấp xỉ 50%, ACB và NAB tăng 45%, EIB tăng 40%, SSB từ lúc lên sàn hôm 24-3 đến nay tăng hơn 40%,…

Ở chiều ngược lại, vẫn có những ngân hàng năm nay trình không chia cổ tức, dù nguồn lợi nhuận giữ lại đang rất lớn và có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay. Có thể kể đến như Techcombank có lợi nhuận chưa phân phối cuối năm 2020 lên đến hơn 31.800 tỉ đồng, năm nay đặt mục tiêu lãi 19.800 tỉ đồng. VPBank có lợi nhuận chưa phân phối hơn 17.400 tỉ đồng và năm nay đặt kế hoạch lãi hơn 16.600 tỉ đồng.

ABBank có lợi nhuận đang giữ lại là hơn 2.860 tỉ đồng và năm 2021 đặt kế hoạch lãi trước thuế hơn 1.970 tỉ đồng. TPBank có lợi nhuận chưa phân phối là hơn 6.000 tỉ đồng, năm nay đặt kế hoạch lãi trước thuế kỷ lục 5.500 tỉ đồng, nhưng vẫn trình không chia cổ tức năm thứ hai liên tiếp. Nguyên nhân chung được đưa ra cho việc không chia cổ tức và giữ lại lợi nhuận là để đảm bảo nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *