Chị Phụng – “thánh hàng rong” bán gì không bao giờ hứa, miễn ngon là chơi!
Là một người mê ăn vặt, “tôn sùng” các hàng quán lề đường vì cái sự dân dã, ngon mà rẻ như tôi thì khi nhắc đến chị Phụng hẳn sẽ có không ít người đã từng nghe danh qua một hoặc vài lần.
Cách đây vài năm, chị Phụng bắt đầu nổi danh tại khu vực ngã tư Ba Tháng Hai và Lê Đại Hành nhờ hàng ốc 8 món. Nhờ cách bày biện khéo léo cùng khả năng nêm nếm, chế biến của mình mà tuy chỉ bán hàng lề đường nhưng lại có không ít các Youtuber, Food Vlogger tìm tới bởi lượng khách đông, phản hồi ăn ngon đến lạ.
Các video về chị trên mạng xã hội luôn chiếm một lượng view không hề nhỏ. Thậm chí cộng đồng người Việt ở bên Mỹ, Anh, Úc, Hongkong,… cũng bảo lúc hết dịch về lại Việt Nam nhất định phải ghé ăn, ủng hộ chị Phụng cho bằng được.
Từ bán ốc chuyển sang bán gỏi cuốn rồi bán xoài, bán mận,… chị Phụng được nhiều người gọi là “thánh hàng rong” là vì thế. Ảnh: Tổng hợp
“Thời chị Phụng đã tới…” ấy thế mà sau vài tháng ở đỉnh cao của 8 món ốc thì chị lại bất ngờ “bỏ nghề” chuyển sang bán gỏi cuốn, gỏi khô bò rồi còn bày cả hàng xoài xẻ bông hoa. Có khách tới hỏi “Ủa ốc đang ngon, mắc gì nghỉ chi uổng vậy?” thì chị bảo: “Ốc nó ngon mà đắt quá bây ơi, mua hàng ngon mà giờ tăng mấy chục ngàn về bán hõng có lời, Phụng chuyển sang bán gỏi cuốn đây nè”.
Nhưng lại được mấy tháng thì chị Phụng lẳng lặng dẹp xe gỏi cuốn để chuyển sang bán gỏi đu đủ, ngó sen, tôm thịt! Có mấy người khách quen bảo chứ: “Thấy bả bán mà tức cái lồng ngực. Kiểu mình ăn chưa kịp đã là bả nhảy sang bán món mới, muốn cắt cái nư ăn của mình hay sao á?!”
Tánh kỳ!…
Thế mà lạ cái là chị Phụng bán gì cũng đông. Khách khứa cứ tìm tới rồi mặc định hỏi “nay bán gì Phụng” rồi mua ăn liền. Một kiểu mua vì niềm tin với người bán, chứ không phải vì bán cái món mà người ta thích mua. Phụng chia sẻ: “Mốt có đổi sang bán cái gì Phụng không có hứa, cứ cái nào ngon, cái nào theo mùa là Phụng bán hoặc cũng có thể là Phụng bán gỏi luôn cũng nên!”
50k/phần gỏi 2 con tôm càng – nhiều người chê đắt chứ tiền nào của đó
Ở thời điểm hiện tại chị Phụng đã chuyển sang bán món gỏi đu đủ, ngó sen tôm thịt đã khoảng gần 2 tháng. Chị Phụng nói: “Hồi đầu bán kèm với gỏi cuốn, nhưng phản hồi mọi người về món gỏi nghe đâu thích hơn nên giờ đổi sang làm luôn cho gọn. Với lại chồng chị đợt đi Hà Nội không có ở nhà phụ nên có bán nhiều món chị làm cũng không nổi”.
Gánh gỏi của “thánh hàng rong” thu hút mọi cặp mắt của người đi đường.
Cái hay của chị Phụng là dù bán món gì đi chăng nữa cũng rất “đầu tư” gian hàng về phần nhìn. Điển hình như gánh gỏi của chị Phụng, dù là khách chạy xe máy rất nhanh qua cũng phải “hớp hồn” bởi hàng tôm càng đỏ tươi như gạch xếp một cách có hàng có lối. Rồi phần đu đủ, ngó sen xanh xanh, vàng vàng đan xen với mấy con tôm càng làm cho gánh hàng của chị Phụng thêm phần ngon mắt.
Đu đủ và ngó sen luôn được ướp đá và được che chắn khá kỹ lưỡng.
Hàng nguyên liệu của chị Phụng lúc nào cũng tươi và chuẩn bị hàng mới mỗi ngày.
Thoạt nhìn nhiều người lầm tưởng chắc bà chủ hàng phải ngồi cả tiếng đồng hồ để xếp thế này chứ chẳng chơi!? Mà quan trọng là làm sao nghĩ ra được cái cách trang trí vô cùng ấn tượng thế này thì mới tài. Nhưng theo chị Phụng cho biết thì do công việc bán đồ ăn này đã là một cái nghề truyền thống của gia đình, nó gắn bó với chị từ khi mẹ chị Phụng còn bán và bây giờ là tới chị Phụng. “Riết thành quen, kinh nghiệm nó dạy nên buôn bán cái gì là tự bày biện, sắp xếp hồi nó ra. Mấy con tôm chị cũng dùng tăm tre xiên lại cho chắc, lúc bán mình dịch chuyển không có sợ rớt. Mà quan trọng là khách thích mấy đứa ơi”.
Kinh nghiệm buôn bán nhiều năm giúp chị Phụng dễ dàng nhận ra việc khách của mình thích gì để “chiều lòng” khách.
Quầy hàng mà ai đi ngang qua cũng phải ngoái nhìn.
Hiện tại một phần gỏi của chị có giá là 50k, bao gồm đu đủ bào, ngó sen ngâm chua, lỗ tai heo và 2 con tôm càng đất. Ai thích có thể gọi phần thập cẩm sẽ có thêm gỏi khô bò đen (loại ăn với bánh tráng trộn). Thời gian đầu có nhiều người “chê” gỏi gì mà sao đắt quá!? Món ăn vặt nhưng mà tốn tới tận 50k.
Phần gỏi tai heo với khô bò.
Tuy nhiên khi nhìn kỹ thì phần gỏi của chị Phụng làm vô cùng chất lượng. Đu đủ và ngó sen thì tươi mọng nước, lỗ tai heo rất tươi được làm sạch, luộc kỹ nên hoàn toàn không có mùi. Quan trọng nhất là dù bán hàng rong nhưng chị Phụng nhất quyết dùng tôm càng đất vì theo kinh nghiệm của chị là nó ngon hơn, thịt chắc hơn và giá cả cũng không quá đắt.
Một phần đầy ắp với giá 50k nhưng vô cùng chất lượng, và hoàn toàn có thể đủ cho 2 người cùng ăn.
“Ở đây khách đa dạng lắm, nhưng nói chung là ai cũng thích ăn ngon. Hồi trước chị cũng dùng mấy con tôm nhỏ nhưng nó không có ngon bằng, nhìn lại càng không bắt mắt nên giờ có mối bán tôm với giá hợp lý thì chị bán luôn. Còn đắt hay rẻ thì chị không biết, tùy mọi người ăn rồi cho ý kiến” – chị Phụng nói.
Nước chấm thần thánh gia truyền mấy đời của “thánh hàng rong”
Hiện tại thời tiết ở Sài Gòn vô cùng nắng và oi, nên hầu hết những người khi đi ngang tuyến đường này gần như đều bị gánh gỏi của chị Phụng thu hút vì sự xanh mướt và tươi mát. Tôi nghĩ khi chị Phụng lựa chọn bán món này thì đâu đó cũng là có một sự chủ ý. Bởi chẳng thể nào khi không mà chị lại liên tục thay đổi món bán, thay vào đó chị rất tâm lý, hiểu được với thời điểm nào thì khách của mình thích ăn món gì và việc của chị là chiều theo khách.
Nhiều loại để bạn có thể lựa chọn tùy theo sở thích.
Chị Phụng luôn chuẩn bị những chai nước mắm để bán riêng cho ai có nhu cầu.
Tuy nhiên dù “kinh” qua bao nhiêu món thì lúc nào chị Phụng cũng trung thành với món nước mắm chua ngọt do gia đình chị đặc chế. Chị cho biết: “Đây là món nước chấm đặc chế của gia đình chị làm mấy chục năm rồi, ăn món gì cũng ngon, món nào cũng hợp. Hồi trước chị bán ốc khách cứ đòi mua riêng nước mắm nên từ đó tới giờ chị luôn chiết sẵn ra chai, ai thích mua thì chị bán thêm”.
Nước mắm ăn tại chỗ và cho những ai không thể ăn cay.
Phần nước mắm thoạt nhìn nhiều người lầm tưởng là tương ớt hay phải cay lắm thì mới đỏ đến thế này. Nhưng không, nó chỉ cay ở mức vừa phải, nước mắm kẹo, sóng sánh, thơm phức, được pha kèm với chanh và đường cát nên trong vắt với vị chua, cay, mặn, ngọt vô cùng chuẩn! Tôi nghĩ ngoài việc khéo léo và tâm lý trong việc buôn bán ra thì phần nước chấm này cũng là một trong những bí quyết khiến hàng đồ ăn của chị Phụng lúc nào cũng đông, và dù đổi sang món nào khách khứa cũng luôn ủng hộ.