Lý Trạch Giai sinh ra tại Hồng Kông vào ngày 8 tháng 11 năm 1966, quê gốc ở Triều Châu, Quảng Đông. Ông là con trai thứ hai của tỷ phú giàu nhất Hồng Kông – Lý Gia Thành.
Theo tạp chí Forbes, nhà tư bản công nghiệp 91 tuổi sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 32,8 tỷ USD tính đến tháng 3/2019, qua đó đứng thứ 28 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Tại Hong Kong, doanh nhân Lý Gia Thành là ông vua không ngai. Đó cũng là lý do mà người ta gọi con trai cả Lý Trạch Cự là “Thái tử” và con trai thứ Lý Trạch Giai là “Hoàng tử Hong Kong”.
Năm 1989, Lý Trạch Giai từ Mỹ trở về Hong Kong để làm việc tại Hutchison Whampoa Limited – một công ty Fortune Global 500, ông đã được gọi bằng danh hiệu “tiểu siêu nhân” nhờ kế thừa một phần tài trí kinh doanh từ cha mình.
Tới năm 2018, ông Lý Trạch Giai đã đứng thứ 19 trong Danh sách TOP 50 người giàu Hong Kong, với giá trị tài sản 4,4 tỷ USD. Năm sau đó, khi khối tài sản tăng lên 4,6 tỷ USD, ông được Forbes xếp thứ 413 trong danh sách Tỷ phú toàn cầu.
Mặc dù sinh ra ở vạch đích nhưng người được mệnh danh là “Hoàng tử Hong Kong” không chỉ hưởng thụ cuộc sống nhung lụa. Ông luôn được cha mình dạy dỗ nghiêm khắc để có thể đạt được thành công bằng chính năng lực của bản thân. Muốn làm được điều ấy, phải không ngừng rèn giũa tài năng.
Năm 1983, ông trúng tuyển vào Đại học Stanford, Hoa Kỳ, chuyên ngành Kỹ thuật Máy tính. Năm 1987, ông gia nhập Gordon Capital của Canada để lấy kinh nghiệm thực tiễn cho mình.
Thời gian Lý Trạch Giai sống tại nước ngoài, tuy Lý Gia Thành đã trở thành ông trùm ngành cảng biển quốc tế và nổi tiếng giàu có, nhưng cậu con trai thứ ở Mỹ vẫn phải vừa học vừa làm như các sinh viên có gia cảnh bình thường khác.
Đây cũng là một trong những phương châm dạy con nhất quán của vị tỷ phú giàu nhất Hong Kong: Dạy bằng nghèo khó. Kể cả với trưởng nam Lý Trạch Cự, ông cũng áp dụng những biện pháp tương tự.
Điều này thể hiện rõ ngay từ khi họ còn nhỏ, ông Lý đã đưa con đến khu người nghèo, để chúng đi học bằng xe điện và xe buýt, để hiểu được cái nghèo, cảm thông với người nghèo, mặc dù ông có tài xế và xe hơi riêng.
Theo Lý Gia Thành, nếu chỉ nuôi con bằng sự giàu có, chúng sẽ giống những cái cây lớn lên trong lồng kính, nhìn thì to lớn nhưng gốc rễ lại yếu ớt. Về lâu về dài, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn. Khi vấp ngã, chúng sẽ bất lực. “Như vậy, tôi đã làm hỏng các con mình”, ông Lý nói.
Vì lẽ đó, thời gian ở Mỹ học tập, Lý Trạch Giai cũng phải tự trang trải cuộc sống bằng những công việc tay chân như làm thu ngân ở cửa hàng McDonald’s và nhân viên phục vụ sân golf.
Cậu thiếu gia trẻ nhà họ Lý cũng trưởng thành theo đúng hướng mà cha mình mong muốn khi hiểu được cách hòa nhập cả với những người bạn không cùng tầng lớp. Dù đương nhiên gia đình không hề để ông thiếu thốn, nhưng ông vẫn chủ động xin sống ở ký túc xá, trong một căn phòng bé xíu dù bản thân sở hữu một căn hộ riêng.
Một người bạn của Lý Trạch Giai ở Đại học Stanford kể: “Cậu ấy không muốn mình là người đặc biệt. Cậu ấy chỉ muốn sống một cuộc sống bình dị. Đó là lý do chúng tôi trở thành bạn bè”.
Năm 1990, khi trở lại Hồng Kông, Lý Trạch Giai tham gia Ủy ban Quản lý Tài sản Hutchison của cha mình.
“Sinh ra ở vạch đích” không có nghĩa là sẽ nỗ lực ít hơn người khác. Tỷ phú họ Lý đã làm việc 16 tiếng mỗi ngày đến tận năm 80 tuổi nên ông muốn con trai mình cũng phải như vậy. Do đó, ông luôn tạo điều kiện để Lý Trạch Giai được học tập và rèn luyện bằng chính sức lực của mình.
Năm 1991, Lý Trạch Giai tự nảy ra ý định kinh doanh hoàn toàn mới. Ông đầu tư 400 triệu USD để thành lập StarTV sau khi thuyết phục sự trợ giúp của cha mình. Đây là dịch vụ truyền hình cáp vệ tinh đầu tiên tại châu Á. Chỉ sau 3 năm, Star TV thu hút 45 triệu khán giả từ 11 triệu hộ gia đình tại châu Á, huy động 300 triệu USD tiền quảng cáo từ hàng trăm công ty. Người ta ước tính rằng ông đã kiếm được thu nhập hơn 5 tỷ đô la Hồng Kông chỉ trong vài năm.
Năm 1993, Lý Trạch Giai bán lại Star TV cho gã khổng lồ truyền thông News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch với giá 950 triệu USD. Chàng thiếu gia trẻ họ Lý đã có được hũ vàng đầu tiên với danh tiếng nổi như cồn và đặt nền móng cho công việc kinh doanh trong tương lai.
Cùng năm đó, Lý Trạch Giai thành lập Pacific Century Group (PCG) một tập đoàn đầu tư trên nhiều lĩnh vực như công nghệ, truyền thông, viễn thông, dịch vụ tài chính… Sau đó 3 năm, Pacific Century CyberWorks (PCCW) – một công ty phân phối thiết bị viễn thông ra đời, vượt mặt những đối thủ sừng sỏ nhất trên thị trường bấy giờ sau vài năm hoạt động, trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện thoại lớn nhất Hong Kong.
Vào tháng 10 năm 1998, ông được tạp chí Times bình chọn là một trong TOP 30 “người khổng lồ” về công nghệ hàng đầu thế giới.
Sau đó, dưới sự lãnh đạo của Lý Trạch Giai, PCG mua lại các hoạt động quản lý tài sản của AIG Investments và đổi tên thành PineBridge, cũng như sở hữu các công ty bảo hiểm nhân thọ FWD. Tính đến năm 2017, PineBridge hoạt động tại hơn 20 quốc gia và quản lý hơn 85 tỷ USD tài sản và FWD quản lý hơn 26 tỷ USD tài sản, với hơn 2,5 triệu khách hàng trên thị trường châu Á.
Vào tháng 12 năm 1999, ông đã được trao Giải thưởng Thành tựu Kinh doanh Xuất sắc do South China Morning Post và DHL trao tặng, nhảy lên vị trí thứ tư trong Danh sách người giàu Hong Kong.
Vào tháng 1 năm 2009, ông được trao tặng Huân chương Trung Quốc xuất sắc thế giới năm 2008. Giải thưởng do International Business Daily của Bộ Thương mại đề nghị.
Tính đến thời điểm gần đây nhất, vào ngày 25 tháng 2 năm 2021, với khối tài sản 4,4 tỷ đô la Mỹ, ông Lý Trạch Giai đứng thứ 22 trong “Danh sách người giàu Hong Kong Trung Quốc năm 2021 của Forbes”. Vậy là, dù không thừa kế cơ ngơi khổng lồ của gia đình, vị thiếu gia nhà họ Lý vẫn có thể xây dựng nên một đế chế riêng, trở thành tỷ phú USD giống như cha mình là ông Lý Gia Thành.