“Con đi học, khi trở về điều đầu tiên con muốn là đi tắm biển Vũng Tàu cho da đen để được làm công nhân…”. Đó là câu cậu con trai nói với vợ chồng ông Lê Viết Hải (Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình) trước ngày cậu quyết định đi du học.
Cuộc phỏng vấn của tôi và ông Lê Viết Hải không bắt đầu từ câu chuyện về ông, về Hòa Bình, mà về cậu “quý tử” Lê Viết Hiếu như thế. Hơn 10 năm, ánh mắt người cha vẫn toát lên niềm vui, sự tự hào khi nhớ về quyết định táo bạo đã thay đổi cả cuộc đời con trai mình và Tập đoàn Hòa Bình hôm đó.
Ở tuổi 60, chỉ sau hơn nửa năm chuyển giao vị trí CEO cho con trai, ông Hải lại tiếp tục giấc mơ mới. Giấc mơ cho những người trẻ như Hiếu, được ông “nuôi dưỡng” bằng tình phụ tử như ông từng dành cho Hiếu, mà ông gọi: “Thời gian cuối đời để xây dựng công trình vĩ đại, mang tên: Thế hệ vàng”.
Ông Lê Viết Hải: (Cười) Đúng thế, nhưng là nhân viên!
Hơn 6 năm ở Mỹ, Hiếu quay về nước. Hiếu từ chối về Hòa Bình, tự nộp hồ sơ, bắt đầu làm chân nhân viên tập sự ở một ngân hàng và tự lập sống bằng những đồng lương ít ỏi từ công việc đầu tiên.
Sang năm thứ 2, Hiếu 24 tuổi đã làm ở vị trí xét cấp tín dụng doanh nghiệp của một ngân hàng nước ngoài tại TP.HCM. Khi ấy, thấy tôi thường xuyên đi sớm về khuya vì khối lượng công việc công ty lớn, Hiếu quyết định về tập đoàn.
Nó nhận phụ trách phát triển dự án Hòa Bình tại nước ngoài. Năm 2019, nó lên vị trí Phó TGĐ đối ngoại khu vực miền Bắc. Cũng trong năm này công ty nhận được nhiều dự án mới, riêng khu vực phía bắc đóng góp 40% doanh thu.
Giữa năm 2020, công ty quyết định bổ nhiệm CEO mới và Hiếu là một trong các ứng cử viên.
Một buổi chiều, tôi gọi Hiếu lên phòng, nói: “Hiếu lên làm TGĐ nhé!”. Nó chỉ ngồi im lặng, rất lâu, rồi nói: “Con sẽ nhận. Nhưng công ty cần có nhiều sự lựa chọn cho Hội đồng quản trị, Hòa Bình có nhiều người tài hơn”.
Tháng 7/2020, thông qua phỏng vấn, Hiếu được HĐQT chính thức giao chức vụ TGĐ và sau đó làm lễ chuyển giao thế hệ. Hôm đó, nhìn con chững chạc nhận nhiệm vụ, tôi ôm hôn con, trong lòng vô cùng xúc động.
Ông Lê Viết Hải: Bố con cũng đúng, mà hơn cả bố con cũng đúng!
Bạn biết đấy, năm nay tôi đã ngoài 60, thế hệ chúng tôi trải đủ tất cả thời kỳ của Việt Nam: Chiến tranh, giải phóng, bao cấp, đổi mới, cấm vận đến gia nhập WTO, hòa nhập nền kinh tế thế giới… Phải nói rất khổ cực!
Gia đình tôi ở Huế, sau đó chuyển vào Sài Gòn sinh sống (năm 1967), ba mẹ có hết thảy 11 người con, nhưng chỉ sống nhờ vào đồng lương nghề giáo ít ỏi. Mà thời điểm ấy cái chuyện mỗi nhà có 7-8 người con, nó rất bình thường. Thế hệ phụ thuộc lớn, người lao động ít khiến chúng tôi sống thiếu thốn.
Mãi đến thập kỷ 80, anh em trưởng thành, đi làm, ba mẹ mới dễ thở. Lúc đó tôi nhận ra: Chính khi người phụ thuộc ít, lực lượng lao động dồi dào, gia đình sống thoải mái nhất.
Tôi bắt đầu tìm hiểu các công trình nghiên cứu kinh tế trên thế giới. Và đúng! Họ đều chỉ ra điều kiện tiên quyết để các nước như Việt Nam thành cường quốc chỉ nằm trong giai đoạn bùng nổ dân số. Gọi là “Thập kỷ vàng”!
Tại Việt Nam, “thập kỷ” này chỉ còn hơn 1 thập kỷ nữa, bắt đầu từ 2021 đến năm 2034, khi dân số Việt Nam trong tuổi lao động đạt độ cực đại trong suốt 25 năm. Mà Hiếu, con trai tôi sẽ chính là thế hệ trung tâm của cái “thập kỷ vàng” ấy.
Từ nhỏ, tôi đã truyền đạt cho Hiếu rõ điều này. Sang lớp 10, Hiếu chủ động xin tôi đi du học để tiếp thu tinh hoa thế giới, bắt đầu công việc công nhân vì nó biết đây là lực lượng thu nhận kinh nghiệm nhiều nhất. Với tôi, Hiếu vừa là đứa con hết mực tôi thương yêu, vừa là hy vọng, là sự phát triển của cả Hòa Bình và ngành xây dựng.
Ông Lê Viết Hải: Là cơ hội duy nhất và sống còn!
Vì sao tôi dám khẳng định vậy? Vì nó chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại!
Thứ nhất, trong điều kiện xã hội ngày càng đô thị hóa như hiện nay, con người sẽ có xu hướng ít muốn lập gia đình, sinh con sớm. Từ 2006 đến nay, mức sinh thay thế tại Việt Nam chỉ còn 2,1 con. Tỉ lệ sinh giảm, tuổi thọ tăng khiến trẻ em sinh ra không bao giờ đủ bù vào lực lượng lao động đang thiếu hụt.
Thứ hai, sau “thập kỷ vàng”, nhiều món nợ quốc gia sẽ đến hạn phải trả. Khó khăn sẽ càng chồng chất khó khăn.
Đó chính là lý do năm 2020 nhà nước báo động, bắt đầu thực hiện rất nhiều chính sách điều chỉnh mức sinh, như khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, hỗ trợ gia đình có 2 con tại thành phố có tỷ suất sinh thấp… Cốt nhằm kéo dài “cơ cấu dân số vàng” lâu nhất.
Bởi nếu thời điểm người phụ thuộc lớn, người lao động gánh trên vai quá nhiều gánh nặng thì họ sẽ không còn khả năng tích luỹ tài chính, còn lực lượng lao động khan hiếm kinh tế đất nước khó phát triển.
Tôi ra nước ngoài, đã chứng kiến một số nước trong khu vực mà theo đánh giá là chậm trễ, vụt mất cơ hội “vàng” này. Dân họ giờ chỉ có tăng thu nhập chứ chẳng bao giờ vượt trên mức trung bình. Nó thành “cái bẫy thu nhập trung bình”!
Quay về Việt Nam, nước ta đã phát triển nhiều song đâu đó vẫn còn trì trệ! Nếu không nhanh chóng xây dựng “móng nhà”, chuẩn bị nền tảng về hệ thống quản lý, cơ sở, phương tiện,… thì ngay cả khi “thập kỷ vàng” đến, chúng ta biết đó, thấy đó, nhưng chúng ta chẳng còn thời gian để đón nó nữa rồi.
Và kết cục, Việt Nam sẽ lại rơi vào “cái bẫy thu nhập trung bình” giống các nước bạn.
Ngay cả vấn đề pháp lý đầu tư xây dựng ngày nay thôi, nó đã tồn tại nhiều vướng mắc, quy định bất hợp lý. Ở các nước phát triển, đã ban luật là họ thực hành ngay và ít sai sót vì sự rà soát rất chặt chẽ. Nhưng Việt Nam mình, ra luật rồi đấy, nhưng nếu chưa thông qua nghị định thì xem như chưa áp dụng.
Chính những “kẽ hở” ấy khiến doanh nghiệp, cá nhân không biết vận dụng thế nào. Áp dụng không hiệu quả thì cuối cùng “xé rào”, “lách luật”. Thực tế là cán bộ, doanh nghiệp lại là người dễ đi vào con đường tù tội, dù không cố tình làm sai mà chỉ vì không hiểu biết luật thấu đáo.
Ông Lê Viết Hải: Tôi đã từng được giới thiệu nhiều lần chứ không phải bây giờ.
Hồi năm 2011, tôi từng được giới thiệu vào Đảng, sau đó còn nhiều cơ hội tham gia bầu cử vào ĐBQH. Nhưng tôi từ chối!
Nhiệm kỳ Chính phủ vừa rồi thật sự cởi mở và đón nhận các ý kiến của doanh nghiệp đóng góp. Hầu hết mọi cuộc họp có sự tham gia của Chính phủ đều quá giờ vì muốn nghe mọi người ý kiến.
Tôi đã 3 lần gửi đề xuất kiến nghị cho Chính phủ. Trong cả 3, tôi đều nhấn mạnh nội dung trọng tâm về chiến lược đưa ngành công nghiệp xây thành ngành kinh tế mũi nhọn và xuất khẩu dịch vụ tổng thầu.
Lần này, may mắn tôi lại được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM giới thiệu đề cử đại biểu quốc hội khóa mới. Tôi thấy rất vinh dự và thấy mình cần có trách nhiệm với trọng trách được tin tưởng của hiệp hội, của thành phố nên nhận lời.
Ông Lê Viết Hải: (Cười)… Tôi không lo và không bao giờ lo! Từ xưa đến nay, tôi sống đơn giản lắm, chưa từng có nhu cầu gì lớn cho bản thân mình cả!
Mỗi ngày tôi chỉ ăn đúng 3 bữa như người thường, không cần bất kỳ cao lương mỹ vị gì. Chưa từng có một bộ đồ hàng hiệu trong tủ quần áo. Ngay cả chiếc áo hôm nay tôi mặc để gặp bạn, lên báo và đi họp hội nghị tại Hà Nội cả ngày, nó cũng chỉ là hàng thủ công Việt Nam.
Tôi đã dự tính hết rồi, sau này toàn bộ cổ phần tôi có được tại công ty, tôi chỉ giữ cho tuổi già một ít, phần còn lại đóng góp cho Hòa Bình phát triển và các hoạt động công tác xã hội cộng đồng. Tôi không có nhu cầu tiêu nhiều tiền!
Ông Lê Viết Hải: Thứ nhất, Chính phủ cần nắm các xu hướng kinh tế. Từ đó, thông tin, làm cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu.
Thứ hai, trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại, Chính phủ cần chú trọng những điều khoản ưu tiên cho sự phát triển thị trường công nghiệp xây dựng Việt Nam như công nhận bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành được cấp bởi tổ chức giáo dục chính quy tại Việt Nam, giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu lao động, vật tư, phương tiện tại các nước sở tại.
Thứ ba, đối với trong nước, nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia các dự án quy mô lớn. Ví dụ, đối với dự án trong ngành xây dựng như dự án cao tốc, đường sắt Bắc – Nam, dự án tàu điện ngầm,… nên chia thành nhiều giai đoạn với các gói thầu không quá lớn. Tạo điều kiện đấu thầu rằng nhà thầu nước ngoài phải liên danh với trong nước theo tỉ lệ nhà thầu Việt Nam chiếm tối thiểu 35%.
Thứ tư, về phía doanh nghiệp, cần nỗ lực phấn đấu, thông qua các chương trình đào tạo nhanh chóng nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế. Cần đoàn kết, khẩn trương và quyết liệt thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược để lập một hệ sinh thái kinh doanh tối ưu, liên kết cùng phát triển.
Thứ năm, nguồn lực lao động phải có kiến thức, trình độ chuyên môn phù hợp, có kỹ năng, kinh nghiệm lao động, am hiểu pháp luật, thấm nhuần văn hoá dân tộc, phong tục tập quán nước sở tại.
Ông Lê Viết Hải: Tôi còn nhớ thời điểm cách đây đúng một năm tròn.
Suốt một tháng sau Covid-19, cổ phiếu Hòa Bình rớt thê thảm. Và đỉnh điểm buổi chiều cuối tháng 3, Hiếu gọi bảo tôi:“Nó chạm đáy dưới 6.000 đồng rồi ba ạ!”, tôi lặng đi.
Khi ấy, giá cổ phiếu Hòa Bình như con xe máy rồ hết ga mà xổ dốc vậy. Từ giá khoảng 12.000 đồng, cả buổi chiều hôm ấy, tôi đi trong nhà, quanh quẩn mãi lời ba về sự vô thường của Đức Phật: “Mọi thứ trên đời đều không tồn tại vĩnh viễn, chỉ là mình cố gắng kéo dài nó bao lâu”, mới có thể an yên trở lại. Hôm sau tôi đến công ty sớm, đứng trước hội đồng quản trị, tôi nói hết những lời từ tận tâm khảm.
Suốt 1 năm tất cả nhân viên Hòa Bình đều đồng tâm giảm giờ làm, giảm lương. Chính tôi cũng đứng ra giảm 80% thu nhập để san sẻ với anh em.
Từ cuộc khủng hoảng năm 1998, khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2012 đến khủng hoảng Covid-19 năm 2020,… Hòa Bình nếm đủ và cuối năm 2020 Hòa Bình vẫn đứng vững.
Bây giờ bạn đi khắp cả nước xem, trừ công trình đặc thù thì có tòa cao ốc nào không phải của tổng thầu Việt Nam không? Năm 1986, Hàn, Úc, Hồng Kông, Pháp, Trung Quốc,… ồ ạt vào nước ta, thi công tất cả công trình cao tầng. Nhưng bây giờ họ đã gần như hoàn toàn rút khỏi Việt Nam. Nói như cách ông bà ta đánh trận thì trên mặt trận kinh tế bây giờ, chúng ta đang thắng.
Không những thế, từ năm 2011 tôi đưa “con tàu” Hòa Bình ra nước ngoài, quản lý xây dựng chung cư cao cấp Le Yuan Residence (Kuala Lumpur), tòa cao ốc GEMS (Myanmar),… Bây giờ, người Việt hoàn toàn có thể tự hào về những công trình Việt Nam được xây bằng những nhà thầu nội Việt Nam!
Ông Lê Viết Hải: Không đợi đến trúng cử đâu! (Cười).
Hiện tại anh em trong Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, các đối tác, tiến sĩ, luật sư trong và ngoài nước đã liên hệ. Chúng tôi đang lắng nghe nguyện vọng, tiếp tục thành lập tổ tham vấn để vẽ nên bức tranh chính xác, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Chúng tôi cần làm cho Chính phủ thấy phát triển ngành xây dựng Việt Nam ra nước ngoài là hoàn toàn khả thi, chắc chắn phải là mũi nhọn trong tương lai. Và trong một số ngành nước ta đang có lợi thế trên thị trường toàn cầu thì xây dựng không chỉ là ngành có triển vọng nhất mà còn có thị trường toàn cầu lớn nhất. Và tất nhiên, giai đoạn thập kỷ vàng này là duy nhất cần phải nắm bắt lấy.
Trong vai trò ĐBQH, một điều mà tôi quan tâm nữa và sẽ có kiến nghị, đó là thúc đẩy việc thực thi sáng kiến về “hòa bình”. Và Chính phủ Việt Nam cần trình bày sáng kiến này trong cuộc họp sắp tới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm đưa ra nghị quyết thành lập hội đồng soạn thảo chương trình giáo dục công dân toàn cầu – một môn học cho toàn bộ trẻ em trên thế giới.
Qua đó, trẻ em sẽ nhận thức rõ nơi mình sinh ra, được thấm nhuần 17 giá trị nhân loại mà LHQ đã từng công bố. Trong tương lai, chúng ta nên tạo nên một môi trường bình đẳng cho tất cả trẻ em, cùng hướng đến một thế giới hòa bình, phát triển bền vững.
Ông Lê Viết Hải: Tôi nghĩ đã làm gì thì cần làm đến nơi đến chốn. Vấn đề trình bày ra thì phải thật logic, khoa học, thuyết phục, chứ đừng nhất nhất chủ quan luôn cho mình là đúng. Quan trọng là làm sao cho nhiều người hiểu, đồng thuận và đi theo cái mình cho là đúng. Thành ra tôi vẫn phải đấu tranh quyết liệt nhưng trên tinh thần ôn hòa, lắng nghe nhiều luồng ý kiến.
Bây giờ là thời gian Việt Nam đi tìm con đường phát triển, tìm cho ra con đường rộng, đại lộ thênh thang, chứ không phải đi vào con hẻm và bụi rậm với những vật cản trên con đường ấy.
Ông Lê Viết Hải: Ngày trước nếu không đạt được cái mình mong muốn, có lúc tôi sẽ buồn. Nhưng sau này, tôi nhận ra, trong quá trình ấy bạn nỗ lực bao nhiêu? Phấn đấu như thế nào? Và có hối hận không? Điều đó quan trọng hơn.
Nếu được tin tưởng giao sứ mệnh này, tôi sẽ hoan hỉ nhận nó. Còn nếu không, tôi vẫn sẽ tiếp tục gây dựng Hòa Bình, vẫn là thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, vẫn nỗ lực đảm nhận tốt vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, kết nối các doanh nghiệp trong ngành, cùng nhau hợp tác tiến ra nước ngoài… Và tôi vẫn sẽ mãi mãi theo đuổi hoài bão của mình, không bằng cách này thì cách khác.
Không thể cho “thế hệ vàng” Việt Nam thì ít nhất cho “thế hệ vàng” Hòa Bình…
http://ttvn.toquoc.vn/chu-tich-tap-doan-hoa-binh-le-viet-hai-dung-o-vuc-tham-khong-co-duong-xuong-thi-chi-co-duong-di-len-va-chien-thang-8202116472816636.htm