Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, nhìn chung các phân khúc, loại hình của thị trường đều hứa hẹn một kịch bản tươi sáng trong quý 2.
Trong đó, phân khúc nhà ở sẽ đón nhận nguồn cung mới những tháng đầu năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội dự báo sẽ có khoảng 6.000-7.000 sản phẩm thuộc đa dạng các phân khúc sẽ được chào bán ra thị trường trong thời gian tới, con số này tại Tp.HCM ước chừng vào khoảng 8.000-10.000 sản phẩm. Phân khúc căn hộ vẫn là loại hình bất động sản chiếm tỷ trọng lớn ở 2 thị trường lớn nhất nước là Hà Nội và Tp.HCM.
Tình hình giao dịch trên thị trường BĐS đã và đang được cải thiện rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp loại 2 phòng ngủ tiếp tục là sản phẩm được ưa chuộng nhiều nhất.
Còn đất nền là loại hình bất động sản đang diễn ra cơn sốt ở hầu hết các địa phương đang có sự phát triển rầm rộ về hạ tầng đô thị, cũng như quy hoạch trở thành quận hoặc thành phố trong thành phố. Nhất là ở vùng ven trung tâm 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, cũng như một số địa phương phát triển mạnh về KCN như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng….
Giá đất nền ở nhiều khu vực này tăng chóng mặt trong quý 1 đầu năm nay, có nơi tăng tới 1-2 lần chỉ trong thời gian ngắn, tạo nên cơn sốt đất ảo. Tuy nhiên, một số địa phương có sự phát triển tốt về hạ tầng thời gian qua thì giá đất tăng một cách bền vững. Có thể kể tới như Đà Nẵng tăng khoảng 10-15% trong quý, khu phía Tây Hà Nội tăng khoảng 30% so với hồi cuối năm 2020;…
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì những nơi sốt ảo rất có thể nhóm đầu cơ sẽ rút khỏi thị trường, giá đất có thể quay đầu giảm và để lại nhiều hệ luỵ, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh.
Nhận định về giá bất động sản thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, giá căn hộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được giữ nguyên, dự kiến những sản phẩm mới ra giai đoạn này có thể xây dựng được mức giá bán phù hợp hơn. Với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý 1. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện hiện tượng giảm giá, cắt lỗ.
Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Ở phân khúc bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, nếu trong quý 1/2021, thị trường bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng có sự sôi động trở lại với hàng loạt dự án được chào bán và có giao dịch như Sonasea Vân Đồn, À La Carte Hạ Long (Quảng Ninh), The Impive (Đà Nẵng), ASTH (Nha Trang), The Maris (Bà Rịa Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet ở Bình Thuận, các dự án của Sun Group tại Nam Đảo và Vin Group tại Bắc Đảo (Phú Quốc, Kiên Giang) thì đến quý 2/2021, nhiều dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn, đa dạng dịch vụ, chất lượng cao, nhiều đại đô thị du lịch hoành tráng được hoàn thành và đi vào hoạt động.
Điều này chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy hiệu quả ngành kinh tế du lịch cho Việt Nam, tạo một lực hút mạnh các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường bất động sản du lịch. Các dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm sẽ giao dịch tốt hơn.
Về bất động sản công nghiệp, trong quý 1/2021, với những thành công việc ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản công nghiệp đạt kết quả khả quan trong phát triển kinh tế chung. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư – sản xuất quốc tế. Do đó triển vọng phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn duy trì tốt. Hiện nay hầu hết những tỉnh thành có khả năng phát triển công nghiệp đều xuất hiện hiện tượng đề xuất phát triển các khu công nghiệp mới rất sôi động.
Trong quý 2/2021, nhu cầu sử dụng bất động sản công nghiệp trong nước sẽ tiếp tục tăng. Nhiều khu công nghiệp mới tiếp tục tham gia thị trường bất động sản Việt Nam và sẽ có nhiều dự án mới phát triển hạ tầng khu công nghiệp sẽ được phê duyệt. Nhiều dự án logicstic phục vụ khu công nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh phát triển. Giá cho thuê mặt bằng kho bãi, nhà xưởng tiếp tục ổn định.
Với bất động sản văn phòng và thương mại, trong quý 1/2021, do kinh tế giữ nhịp tăng trưởng, vốn FDI tăng và SIC của các doanh nghiệp trong nước được phục hồi tốt nên thị trường văn phòng cho thuê tại các đô thị lớn ở Việt Nam sôi động trở lại trong đầu năm 2021. Khu vực cửa hàng, cửa hiệu thương mại cũng cho thấy có sự tăng trưởng sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2021. Khoảng 50% các cửa hàng đóng cửa trong năm 2020 đã hoạt động trở lại.
Dự báo trong quý 2/2021, hoạt động cho thuê mặt bằng sẽ tiếp tục trên đà phục hồi. Ông Đính khuyến cáo các chủ mặt bằng không nên tăng giá thuê, thậm chí nên hỗ trợ khách thuê để thúc đẩy quá trình phục hồi bền vững của các doanh nghiệp thương mại.