SSI cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất và lãi suất phát hành có thể tăng lên. Tín dụng bất động sản tại cuối quý I/2021 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành là 2,93%.
SSI thông tin, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Bởi vậy, nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn khá cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Lãi suất trái phiếu bất động sản có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác, nhưng nhà đầu tư nên thận trọng vì thị trường bất động sản đang khá nóng, lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu cũng đang tăng lên sẽ gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư.
Trước đó, quý I/2021, hàng loạt các doanh nghiệp BĐS đua nhau phát hành trái phiếu huy động hàng nghìn tỷ đồng như: Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn với lô trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển Bất Động Sản Nhật Quang cũng phát hành trái phiếu giá trị lên tới 2.150 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Smart Dragon 1.900 tỷ đồng; Vingroup với lô trái phiếu trị giá gần 7.000 tỷ đồng…
SSI lý giải, quý I có Tết Nguyên đán và là giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp. Thực tế, lượng phát hành quý II năm 2019 tăng 111% và quý II/2020 tăng160% so với quý liền trước. Vì vậy, SSI nhận định, quý II/2021 có thể sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp lựa chọn phát hành ra công chúng; trong đó, có một số đợt phát hành trái phiếu quốc tế.
Ngọc Mai
Tiền phong