Nhân dịp xuân Quý Mão, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Hà Nội sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô. Trong đó, thành phố khu vực phía Bắc sẽ bao gồm 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Hiện khu vực này được kết nối với trung tâm Hà Nội bằng 2 con đường chính là đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp. Trong ảnh là đường Võ Văn Kiệt, kéo dài từ phía bắc cầu Thăng Long đến sân bay Nội Bài.
Sóc Sơn là một huyện phía Bắc Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 30 km. Huyện có diện tích 304,7 km2; quy mô dân số 343.432 người (theo Tổng điều tra dân số năm 2019). Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nơi đây sẽ là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, hướng đến mục tiêu phát triển về công nghiệp, dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái…Trong ảnh là trụ sở UBND huyện Sóc Sơn.
Là huyện cực Bắc của Hà Nội, địa bàn Sóc Sơn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: quốc lộ 2, quốc lộ 3, đường Võ Văn Kiệt, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài – Lào Cai và một số dự án đường sắt đô thị Hà Nội dự kiến đi qua địa bàn huyện… Trong ảnh là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nằm tại xã Phú Minh. Đây là cảng hàng không quốc tế lớn nhất miền Bắc. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, sân bay Nội Bài được định hướng quy hoạch mở rộng, quy mô đến năm 2050 đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Từng là một huyện nghèo, xác định nông nghiệp là “trung tâm kinh tế số một”. Ngày nay, Sóc Sơn đã từng bước “lột xác”. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ước tăng 11,05% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và công nghiệp – xây dựng. Ước tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người dân đạt 61,5 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện năm 2022 ước đạt 1.207 tỷ đồng.
Sở hữu diện tích đất tự nhiên tương đối rộng cùng địa hình thuận lợi, Sóc Sơn có nhiều điều kiện tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng. Tại đây cũng có nhiều dự án khu đô thị, trung tâm thương mại, sân golf đã và đang được triển khai. Trong ảnh là tổ hợp vui chơi, giải trí, thể thao – sân golf Legend Hill Golf Resort. Ảnh: BRG Legend Hill Golf Resort.
Tiếp giáp huyện Sóc Sơn, cũng nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch đã được Chính phủ và Thành phố phê duyệt là huyện Đông Anh. Huyện này cách trung tâm thành phố 18 km. Đây được coi là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ đô với các tỉnh phía Bắc. Huyện có 1 thị trấn và 23 xã với diện tích 182,3 km², quy mô dân số khoảng 405.749 người (năm 2019).
Năm 2022, kinh tế trên địa bàn huyện Đông Anh tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn ước tăng 10,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.317,17 tỷ đồng. Trong ảnh là khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Nơi đây được lấp đầy với hơn 67 doanh nghiệp sản xuất và 20 văn phòng đại diện. Tổng số vốn đầu tư vào khoảng 660 triệu USD.
Đông Anh cũng là huyện sở hữu vị trí giao thông thuận lợi khi có hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch đi qua như: đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 5 kéo dài… Hiện tại, huyện này còn được kết nối với trung tâm Thủ đô qua 3 cây cầu chính như: cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và cầu Đông Trù. Nơi đây có trục Nhật Tân – Nội Bài được quy hoạch là khu đô thị thông minh, quy tụ hàng loạt các dự án của các ông lớn như Vin, Sun, BRG. Có thể kể các dự án bất động sản nổi bật như: Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, công viên Kim Quy, khu Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia, công viên, trường học cao cấp…
Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Đông Anh có nhiều lợi thế để phát triển văn hóa, dịch vụ. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 413 di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như: di tích thành cổ Cổ Loa, đền Sái thờ Huyền thiên Trấn Vũ, đình Ba Voi, đình Đào Thục… Trong ảnh là di tích thành cổ Cổ Loa, toà thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm Kinh đô nước Âu Lạc. Nơi đây gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú của dân tộc Việt.
Cũng ở phía Bắc Thủ đô, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 29 km, huyện Mê Linh là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội. Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, mang đậm bản sắc vùng đồng bằng sông Hồng. Huyện gồm 2 thị trấn và 16 xã với diện tích 141,64 km2. Theo tổng điều tra dân số năm 2019, huyện Mê Linh có quy mô dân số khoảng 240.555 người.
Năm 2022, huyện Mê Linh ghi nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,9%; thu ngân sách huyện tăng 8,2% số cùng kỳ năm 2021.Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2022 đạt 8.998 tỷ đồng.
Huyện Mê Linh cũng được chú trọng đầu tư về công nghiệp, dịch vụ. Nơi đây có khu công nghiệp Quang Minh có tổng diện tích 344,4 ha. Đây là khu công nghiệp đa ngành, bao gồm các ngành nghề chính như: công nghiệp lắp ráp cơ khí điện tử, chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ, chế biến đồ trang sức, sản xuất linh kiện điện tử…Tại huyện cũng có nhiều khu vui chơi, mua sắm đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong ảnh là tổ hợp thương mại Melinh PLAZA với tổng diện tích sàn 71.500 m2. Đây là mô hình TTTM vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất kết hợp với các dịch vụ giải trí, ẩm thực.
Nằm cạnh sông Hồng, thường xuyên được bồi đắp phù sa, nơi đây có nhiều thế mạnh để trồng hoa và rau màu. Hiện nay, huyện Mê Linh có tổng diện tích trồng hoa lên đến 1.294 ha. Nghề này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây mà còn tạo dựng thương hiệu hoa cho Thủ đô. Nơi đây có chợ hoa Mê Linh là chợ đầu mối hoa lớn nhất nhì Hà Nội. Tại đây luôn tấp nập người mua, kẻ bán từ nửa đêm đến rạng sáng.
Nhịp sống thị trường