Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, hiện địa phương này đang chỉnh sửa, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để gửi lên Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng hội đồng thẩm định đánh giá lại; khi đạt yêu cầu, sẽ trình lên Chính phủ phê duyệt.
Nội dung quy hoạch phát triển kinh tế Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm tập trung phát huy lợi thế, nguồn lực để xây dựng Hà Tĩnh thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung bộ, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Hà Tĩnh cũng đặt mục tiêu năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tới năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000USD, nâng lên 17.700USD vào năm 2045 và 26.000USD vào năm 2050; tầm nhìn 2050, tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.
Để đạt được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2030, Hà Tĩnh quy hoạch ưu tiên phát triển:
Bốn lĩnh vực kinh tế trọng điểm, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại – dịch vụ và du lịch; dịch vụ logistics.
Ba trung tâm đô thị, gồm: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân; trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh; trung tâm đô thị phía Nam là thị xã Kỳ Anh.
Với trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh thì thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm thương mại – du lịch, trung tâm khoa học – đào tạo của tỉnh.
Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An và vùng phụ cận. Không gian phát triển Trung tâm đô thị theo hướng bờ Nam sông Lam, cùng với các đô thị vệ tinh để kết nối với thành phố Vinh. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm công nghiệp nhẹ và du lịch phía Bắc của tỉnh.
Ba nền tảng chính: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.
Theo số liệu 2019, Hà Tĩnh có tích đất tự nhiên gần 6.000 km2, dân số 1.290.263 người (chiếm 1,33% cả nước). Tỉnh có 13 đơn vị hành chính (một thành phố, 2 thị xã và 10 huyện). Phía Bắc tiếp giáp Nghệ An, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Tây giáp Lào với 164,448 km đường biên giới.
Ba hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam và quốc lộ ven biển; Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, giao cắt với Quốc lộ 1, tiếp giáp với thành phố Vinh tại phía Bắc huyện Nghi Xuân; Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh. Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là Thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm công nghiệp nặng, chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics.
Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Nhà máy thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương, các khu công nghiệp trong Khu kinh tế và thị xã Kỳ Anh…
Lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, nội dung quy hoạch đã được trình tại phiên thẩm định hồi tháng 3/2021 vừa qua. Sau khi tổng hợp các ý kiến, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định có văn bản gửi tỉnh Hà Tĩnh để giải trình, làm rõ và thực hiện các bước tiếp theo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.