Tuy vậy, theo đại diện đơn vị này, thương mại điện tử và các thương hiệu ngoại sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ.
Theo bà An, dù gặp khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng đây là một quy luật đào thải tự nhiên. Phân khúc bán lẻ tại Tp.HCM thời điểm hiện tại cũng đã và đang đón nhận nhiều nguồn đầu tư ngoại khi ghi nhận nhiều giao dịch mở mới một số thương hiệu theo chuỗi thuộc về ngành hàng ăn uống, thời trang và phụ kiện, điều này cho thấy các thương hiệu quốc tế vẫn nhìn thấy tiềm năng tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, đầu tháng 3 vừa qua, thương hiệu Uniqlo đã khai trương thêm cửa hàng thứ tư, rộng hơn 2.000 m2 tại Vạn Hạnh Mall (Quận 10) và Decathlon cũng vừa mở thêm cửa hàng thứ hai tại Mega Mall Thảo Điền (TP.Thủ Đức). Ngoài ra, các thương hiệu quốc tế từ trung đến cao cấp như Balenciaga, Tiffany & Co cũng đang có kế hoạch thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Làn sóng mở rộng của các thương hiệu ngoại cũng đang tạo ra những điểm sáng cho ngành bán lẻ.
Tại các trung tâm thương mại, xu hướng khách thuê chủ chốt là thời trang và phụ kiện sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới ở khu vực ngoài trung tâm thành phố. Ngoài ra, nhóm ngành hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi được dự đoán sẽ tiếp tục được mở rộng thêm theo hướng phát triển tại các khu vực đông dân cư.
Bà An cũng chia sẻ thêm, các chỉ số bán lẻ phản ứng trái ngược với tình hình Covid -19. Tổng doanh thu bán lẻ vẫn tiếp tục gia tăng khi mà thương mại điện tử và các nhãn hàng quốc tế thâm nhập thị trường. Tuy nhiên, ngành hàng ăn uống và khu vực ngoài trung tâm vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Cục thống kê Tp.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý 1/2021 đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng 6% theo năm, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 56% và tăng 12% theo năm. Thêm vào đó, doanh thu bán lẻ các mặt hàng chủ lực như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, dụng cụ thiết bị gia đình và ô tô các loại đều gia tăng đồng loạt ở tầm 10% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, việc Tp.HCM kiểm soát được dịch tốt đã góp phần ổn định thị trường và tạo động lực thúc đẩy cho ngành bán lẻ tại địa phương.
Sự gia tăng của thương mại điện tử sẽ tiếp tục ảnh hướng đến thị trường bán lẻ. Theo Kế hoạch tổng thể quốc gia về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025, đến năm 2025, sẽ có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Cơ quan Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (iDEA) báo cáo 53% đã mua sắm trực tuyến vào năm 2020. Doanh thu bán lẻ dự báo vẫn lạc quan. Theo Trading Economics, doanh số bán lẻ dự báo tăng 11% trong năm 2021, vượt xa với các nước Đông Nam Á khác. Năm 2021, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam dự kiến tăng 9,6% theo năm, tăng so với mức dự báo 0,5% năm 2020, theo Fitch Solutions. Các danh mục chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong 2021.
Báo cáo quý 1/2021 của Savills Việt Nam chỉ ra, tính đến cuối quý 1, dù nguồn cung mới gặp nhiều hạn chế, tuy nhiên, hệ thống bán lẻ ổn định, đa dạng cùng với sự tiếp sức của thương mại điện tử, đã trở thành bệ đỡ cho sự tăng trưởng của cả khu vực dịch vụ. Theo Cục thống kê Việt Nam và các địa phương, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong Quý 1 đang trên đà hồi phục rất tốt so với năm ngoài, mặc dù chưa quay lại mức tăng trưởng tích cực của năm 2019. Theo các chuyên gia Savills, trong 3 tháng đầu năm 2021, dù đối diện với áp lực từ dịch bệnh, với tổng doanh thu bán lẻ tăng, nguồn cung và giá thuê trung bình ổn định theo quý, các chỉ số của thị trường bán lẻ vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường bán lẻ ghi nhận không có nguồn cung mới trong quý 1/2021 và duy trì ở mức 1,5 triệu m2 NLA, không thay đổi so với quý trước. Nguồn cung tương lai tăng trưởng chậm dưới sức ép của covid-19 cùng với việc đóng cửa của các cửa hàng. Trong số 11 dự án đã hoàn thành với 159.000m2 NLA, chỉ 3 trên tổng số 11 dự án trên dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2021.
Trong khi đó, công suất của các khu thương mại tiếp tục giảm. Tính đến hết quý 1, công suất trung bình đạt 93%, giảm 1 điểm phần trăm theo quý và 2 điểm phần trăm theo năm. Các trung tâm mua sắm tại khu vực ngoài trung tâm cũng chứng kiến công suất giảm 1 điểm phần trăm theo quý. Các hợp đồng hết hạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách mới. Tuy nhiên, khu vực trung tâm có tình hình hoạt động khả quan hơn, các diện tích trống nhanh chóng tìm được khách thuê và hầu hết các trung tâm mua sắm đã được lấp đầy.