Đề án giãn dân phố cổ cần cơ chế đột phá

photo1617933996796 16179339970651705606719

LTS: Một tín hiệu đáng mừng mới đây, sau 10 năm, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử. Đây được coi là là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần giúp Hà Nội kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phổ cổ, phố cũ, cũng như thúc đẩy tiến độ thực hiện Đề án giãn dân phố cổ. Nhưng để làm được việc này, Hà Nội cần có các cơ chế chính sách đột phá cũng như giải pháp hợp lý để sớm hiện thực ước mơ an cư lạc nghiệp cho người dân tại nơi ở mới.

Sau thời gian dài chậm tiến độ, năm 2019, TP Hà Nội đã giao cho UBND quận Hoàn Kiếm rà soát, phân loại các trường hợp giãn dân. Việc rà soát này sẽ làm cơ sở xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc.

Theo Ban Quản lý phố cổ, đến nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện Đề án gồm hai dự án thành phần: Dự án đầu đến (xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ gồm 16 tòa tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên) và hai là dự án đầu đi (di dời giai đoạn 1 khoảng 1.800 hộ dân ra khỏi phố cổ). Qua rà soát, thống kê các trường hợp giãn dân bắt buộc trên địa bàn 10 phường khu phố cổ và 6 phường khu phố cũ cho 564 hộ với 1.977 nhân khẩu, nằm trong các di tích, khuôn viên công sở, trường học. Số hộ dân giãn dân tự nguyện bao gồm những hộ sống trong số nhà đông hộ, diện tích dưới 5m2/người vào khoảng 3900 nhân khẩu. Sau việc rà soát, UBND Quận Hoàn Kiếm mới lên danh sách đầy đủ số lượng di dời và phát phiếu thăm dò đến các hộ dân.

Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm, sau khi quy hoạch nội đô lịch sử được phê duyệt, quý 2 năm nay, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ triển khai dự án này: “Với dự án 11,2 ha ở Việt Hưng, hiện nay chúng tôi đang lập quy hoạch quy hoạch thiết kế chi tiết trình thành phố sớm phê duyệt và lập thiết kế cho từng tòa nhà. Chúng tôi cũng đang trình thành phố phê duyệt cơ chế đầu tư xây các khu nhà này dự kiến triển khai xong trong năm 2021. Đồng thời vẫn tiến hành song song dự án giải phóng mặt bằng giãn dân để di chuyển người dân vào khu tái định cư thành phố”.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có gần 150.000 dân, đã giảm cơ học được 20.000 hộ so với thời điểm năm 2019. Cùng với những giải pháp mà UBND quận Hoàn Kiếm đang triển khai thì nhiều hộ dân đã tự chuyển nhượng nhà cho nhau hoặc bán cho “chủ thầu” mua gom các hộ cùng số nhà,  nhưng đây mới chỉ là giải pháp tình thế bởi không dễ gì đạt được thỏa thuận với nhiều hộ cùng một lúc. Nhất là khi tới đây, nhiều chủ đầu tư có thể sẽ từ bỏ ý định “chen chân” vì quy hoạch phân khu nội đô được coi là một “pháp lệnh” trong quản lý đô thị phố cổ với quy định không xây thêm nhà cao tầng.

Là người sinh ra và sống trong lòng phố cổ Hà Nôi, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Di dời đâu thì Nhà nước phải tính, vì người dân đã phải di chuyển thì cần đến nơi xứng đáng vì “hy sinh” lợi ích. Bài toán ai đi, ai ở phải hết sức cụ thể, Nhà nước cần đứng ra để người dân tin tưởng đề án này. Trong quy hoạch không cho xây nhà quá 4-6 tầng, việc này cần phải làm nghiêm để người dân thấy được di dời là điều cần thiết.  Tôi nhấn mạnh là phải có được lòng tin nhân dân”.

Theo quy hoạch phân khu khu vực nội đô của UBND Thành phố vừa công bố, sẽ có khoảng 215.000 người dân đang sinh sống tại khu vực phố cổ, phố cũ và hồ Gươm, vùng phụ cận phải di chuyển tới nơi khác sinh sống. Với góc nhìn kiến trúc sư, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, đây là một quyết định rất đúng đắn của Thủ đô, bởi nếu không có quy hoạch này thì Hà Nội không thể giãn dân phố cổ được. Vậy nhưng để Hà Nội văn minh, hiện đại không phải chỉ là vẻ đẹp bên ngoài, mà cốt lõi là nâng cao đời sống của người dân. Các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trung tâm thương mại, không gian xanh công cộng… cần được xây dựng đồng bộ.

Ông Trần Ngọc Chính nêu ý kiến: “Quy hoạch này làm rõ phân khu phố cổ cần phải giãn dân. Việc thực hiện rất phức tạp so với khu khác, phải tuân thủ những vấn đề mà phố cổ lâu nay đưa ra để bảo tồn, phát huy giá trị thì trong đó có một nội dung phải giãn dân. Vậy giãn dân phải lo cho họ công ăn việc làm như thế nào. Tôi nghĩ Hà Nội cần tính đến tạo cuộc sống mới của khu giãn dân sớm ổn định và trở lại bình thường”.

Trước mắt, UBND quận Hoàn Kiếm tính toán phương án đảm bảo việc làm cho 40% số dân phố cổ đang kiếm sống nhờ kinh doanh vỉa hè. Cụ thể, sẽ tạo điều kiện cho các hộ đang kinh doanh ở phố cổ đến nơi giãn dân tiếp tục được kinh doanh tại các khu vực kiốt, khu vực chợ dân sinh để đảm bảo cho cuộc sống. Khu giãn dân này được quy hoạch bố trí phố buôn bán theo từng ngành, loại hàng hóa. Toàn bộ diện tích tầng 1 của các tòa nhà là kiốt để người dân kinh doanh. Đồng thời Hà Nội tính toán phương án để khi không có sinh kế thì người dân sẽ tìm mọi cách quay trở lại chốn cũ như một lẽ tất nhiên đó là “ly hương bất ly thương”. Nếu người dân có nguyện vọng với không gian đi bộ vào 3 buổi tối cuối tuần, những hộ dân có hộ khẩu ở địa bàn trong diện di dời nếu có nhu cầu quay lại kinh doanh, thì chính quyền có thể sẽ nghiên cứu phương án tạo điều kiện cho các hộ này kinh doanh.

Ông Chu Công Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang rà soát các hộ kinh doanh nếu có trường hợp người dân có hộ khẩu trên địa bàn chúng tôi sẽ ưu tiên những hộ này để họ nếu có điều kiện kinh doanh vào 3 buổi tối cuối tuần. Việc thực hiện này được hơn 1 tháng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể tổng kết. Chúng tôi cũng có những loại hình kinh doanh thích hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân ở địa phương kinh doanh”.

Với Quy hoạch phân khu nội đô vừa công bố, đang tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội giải được bài toán phát triển với bảo tồn các di sản văn hóa Thủ đô. Hà Nội đã có bài học kinh nghiệm trong xử lý mâu thuẫn giữa bảo tồn và nhu cầu cuộc sống người dân ở khu vực di tích từng xảy ra ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), người dân đòi trả lại danh hiệu lịch sử văn hóa Quốc gia.

Có thể tiến độ giãn dân phố cổ đang còn chậm nhưng những cơ chế đột phá sẽ tào điều kiện để Thủ đô đẩy nhanh tiến độ đề án, giải quyết hài hòa bài toán lợi ích giữa người dân với việc bảo tồn di sản để tiến hành cải tạo lại khu phố cổ thành nơi đáng sống của Thủ đô ngàn năm văn hiến./.

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *